Báo điện tử Kinh tế & Đô thị,

Huyện Gia Lâm: khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 07:33:14 24/09/2024 theo đường link https://kinhtedothi.vn/huyen-gia-lam-khan-truong-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-bao-so-3.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hoàng Quyết
Chia sẻ
Kinhtedothi-Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lũ, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện tại, huyện Gia Lâm đang khẩn trương thống kê thiệt hại và dự kiến các mức hỗ trợ cho nông dân, nhằm giúp vực dậy sản xuất.
Hàng nghìn cây hoa giấy của người dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm bị hư hỏng do bão số 3.
"Một đêm bán cho... trời 6.000 cây hoa giấy”
Đó là câu nói hài hước nhưng đầy xót xa của Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh khi được hỏi về ảnh hưởng của bão số 3 đối với làng nghề hoa giấy xã Phù Đổng. Theo đó, khi bão số 3 quét qua Hà Nội, chỉ trong một đêm, hàng nghìn cây hoa giấy của người dân vùng trồng hoa, cây cảnh xã Phù Đổng đã bị thổi bay, xơ xác. Tiếp đó, lượng mưa lớn kéo dài đã khiến hàng trăm ha hoa màu, cây ăn quả bị úng ngập và chết, không thể khôi phục được.
Theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lớn đã khiến 187ha diện tích nông nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng, trong đó có 6,47ha lúa, 25,8ha ngô, rau màu các loại; 79ha hoa; 6,57ha chuối, 69ha cây ăn quả, 13ha diện tích nuôi cá truyền thống bị tràn bờ, thiệt hại hàng tỷ đồng, khiến cho 571 hộ dân bị ảnh hưởng.
Người dân xã Phù Đổng bất lực nhìn cây chết trước sự tàn phá của bão số 3.
Tại xã Yên Viên, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Kỷ cho biết, đợt bão lũ vừa qua, trên địa bàn xã có 42,1ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại, trong đó có 15,1ha lúa, 20,3ha rau màu các loại, 6,7ha cây ăn quả; 14,9ha nhà lưới bị hư hỏng; 6,6ha diện tích thủy sản bị tràn bờ. Sau khi cơn bão qua, mặc dù UBND xã đã huy động các đơn vị, lực lượng khắc phục thiệt hại nhưng do hệ thống tiêu nước trên địa bàn còn chậm nên đến nay, toàn xã vẫn còn 18ha diện tích nông nghiệp bị ngập úng, nhân dân chưa tiến hành sản xuất được...
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lũ tại sông Hồng, sông Đuống, nhiều khu vực dân cư và diện tích nông nghiệp trên địa bàn bị úng ngập. Thống kê từ các xã, thị trấn, từ ngày 7/9 đến 12/9, ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến 1.658ha diện tích trồng trọt bị ảnh hưởng, trong đó có 127ha lúa, 946ha cây ăn quả, 112ha rau mầu bị ngập; 272ha hoa, cây cảnh bị đổ; khoảng 5.274 cây xanh bóng mát bị ảnh hưởng; 31ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng tại các xã Văn Đức, Phù Đổng, thị trấn Trâu Quỳ; khoảng 40ha diện tích nhà màng, nhà lưới, nhà kính bị hư hỏng tại các xã Yên Viên, Văn Đức; 13 công trình chuồng trại chăn nuôi bị ảnh hưởng tại các xã Đình Xuyên, Dương Xá, Đa Tốn, Phù Đổng.
Hàng nghìn cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Sau bão số 3, hoàn lưu của bão gây mưa lớn khiến lũ trên sông Hồng và sông Đuống dâng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt đời sống của người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Tính đến hết ngày 14/9, trên địa bàn huyện Gia Lâm, mưa lũ đã làm 2.166ha diện tích trồng trọt bị ảnh hưởng, trong đó có 42ha lúa, 1.128ha cây ăn quả; 655ha rau mầu; 341ha hoa, cây cảnh bị ngập; 151ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng; 1.726 con gia súc phải di chuyển; 1.145 con gia cầm bị chết, thất lạc; 3.000 con gia cầm phải di dời; 207.142m2 diện tích chuồng trại chăn nuôi bị ngập; 100m chiều dài kênh mương bị hư hỏng; 63.966m đường giao thông nội đồng bị ngập; 5.650m đường giao thông nông thôn bị ngập; 4.000m2 nhà màng, nhà kính bị hư hỏng...
Dự kiến hỗ trợ trên 13,6 tỷ đồng
Trước tình trạng thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và các phòng, ban liên quan hướng dẫn Nhân dân vệ sinh đồng ruộng, khi nước rút khẩn trương chăm sóc diện tích cây trồng có khả năng hồi phục; triển khai kế hoạch gieo trồng bổ sung các loại cây rau màu ngắn ngày. Đồng thời, tổ chức vệ sinh tiêu độc khu chuồng trại và các khu vực chăn nuôi; triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; củng cố lại bờ bao các ao hồ, ổn định nuôi trồng thuỷ sản.
Nhiều diện tích rau màu bị hư hỏng.
Song song với việc đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng ban liên quan khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại, triển khai các phương án hỗ trợ để khôi phục sản xuất trên địa bàn. Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội, huyện Gia Lâm dự kiến hỗ trợ tùy theo mức độ thiệt hại từ 30 – 70.
Theo đó, đối với diện tích cây trồng, huyện dự kiến hỗ trợ từ 1 – 2 triệu đồng/ha lúa, ngô và rau màu; từ 2 – 4 triệu đồng/ha đối với diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm. Đối với diện tích nuôi thủy, hải sản, huyện dự kiến hỗ trợ từ 3 – 10 triệu đồng/ha với diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa; từ 3 – 10 triệu đồng/m3 đối với diện tích nuôi cá lồng, bè nước ngọt; từ 10 – 30 triệu đồng/ha đối với diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh; từ 2 – 6 triệu đồng/ha đối với diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác.
Người dân cố vớt vát những tài sản còn sót lại.
Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm bị thiệt hại, hỗ trợ từ 10.000 – 35.000 đồng/con gia cầm; từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/con lợn; từ 1 – 10 triệu đồng/con bê cái hoặc bò sữa; từ 500.000 đồng đến 6 triệu đồng/con trâu, bò, ngựa.
Theo dự toán, huyện Gia Lâm dự kiến hỗ trợ thiệt hại nông nghiệp cho người dân với tổng kinh phí trên 13,6 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đối với diện tích lúa khoảng 338 triệu đồng; cây ăn quả gần 8,3 tỷ đồng; rau màu trên 3,1 tỷ đồng; thủy sản trên 1,8 tỷ đồng; gia cầm trên 40 triệu đồng.
Hầu hết diện tích trồng chuối bị gãy đổ, người dân phải nhờ các cơ quan, đơn vị tiêu thụ chuối xanh.
Với sự vào cuộc khẩn trương của UBND huyện Gia Lâm; sự chủ động, tích cực của các xã, thị trấn và người dân vùng bị ảnh hưởng do bão lũ, thiên tai, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm sẽ sớm được khôi phục. Những màu xanh, những sắc hoa và bạt ngàn cây trái lại trải đầy trên những cánh đồng...
Sao chép thành công