Nội dung liên quan Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, Tin Trong Nước
Tin nóng an ninh trật tự 24h - Báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh,
Huyện Hóc Môn: Ô nhiễm và ùn tắc giao thông xung quanh chợ đầu mối
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
04:21:46 18/09/2024
theo đường link
https://congan.com.vn/doi-song/o-nhiem-va-un-tac-giao-thong-xung-quanh-cho-dau-moi_167394.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(CATP) Thời gian gần đây, khu vực xung quanh chợ Đầu mối nông sản, thực phẩm Hóc Môn (ĐMNSTPHM) thuộc huyện Hóc Môn, TPHCM), tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải như: bao nylon, rau củ quả hư thối, nước thải từ các hàng thịt, cá đáng báo động. Đồng thời, nạn lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương không chỉ gây mất an toàn thực phẩm, an toàn giao thông mà còn xâm phạm đến quyền lợi của tiểu thương trong chợ… Rác thải tràn lan Là một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất tại TPHCM, chợ ĐMNSTPHM là nơi cung cấp nhiều sản phẩm nông thủy sản với đa dạng chủng loại và đều được bán theo hình thức bán buôn, phục vụ thương lái mua bán số lượng lớn. Ngoài ra, đây cũng chính là địa điểm trung chuyển, cung ứng hàng thực phẩm, nông sản hàng đầu ở khu vực Tây bắc của Thành phố. Theo đánh giá của người tiêu dùng, hàng hóa tại chợ đầu mối này không chỉ có giá khá mềm mà còn rất tươi ngon. Tuy nhiên, nơi đây đang bị rác thải bủa vây hàng ngày khiến đời sống, sức khỏe của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, hàng ngày các tiểu thương kinh doanh trên những tuyến đường xung quanh chợ ngang nhiên xả rác thải, chất thải như: bao nylon, rau củ quả hư hỏng ra lòng đường, vỉa hè gây ô nhiễm nặng nề. Tại đây, nước thải từ chế biến thịt, cá cũng được xả thẳng ra đường bốc mùi hôi thối nồng nặc. Việc xả rác thải, chất thải bừa bãi không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm khi các mặt hàng tươi sống được bày bán ngay cạnh bãi rác. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các nguồn bệnh dịch, nhất là vào mùa mưa như hiện nay... Qua quan sát, các tuyến đường như: Nguyễn Thị Sóc, đường số 2, số 3, số 4, số 12... (X.Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn) bị biến thành chợ tự phát. Các tiểu thương vô tư họp chợ, bán hàng và xả rác, nước thải ra lòng đường, vỉa hè... Xung quanh khu vực bán hải sản, nhiều vũng đọng nước bốc mùi hôi thối, các thùng chứa thủy hải sản, bao nylon, thùng giấy, thùng xốp vứt vứt bỏ khắp nơi khiến nơi đây không khác gì một... bãi rác. Mùi rau củ quả thối rữa chất đống bốc mùi hôi nồng nặc khiến ai nấy đi ngang qua đây đều cảm thấy rất khó chịu. Thậm chí, ngay cả tuyến đường trước chợ nông sản cũng xuất hiện la liệt rác thải, bao bì bị vứt bỏ. Dọc theo con đường Nguyễn Thị Sóc, chỉ một đoạn ngắn từ QL22 là cảnh rác chồng rác, bao nylon lâu ngày gặp mưa bám chặt xuống lòng đường khi đội dọn rác chưa kịp thu gom. Chưa kể mùi nước thải, mùi tanh của các mặt hàng thủy hải sản cứ xộc thẳng vào mũi người đi đường. Vẫn xả rác dù có biển cấm Đặc biệt, các con đường dẫn vào chợ ĐMNSTPHM cũng bị biến thành chợ tự phát; tiểu thương vô tư họp chợ, bán hàng và xả rác. Mặc dù UBND xã Xuân Thới Đông đã gắn bảng cảnh báo phạt 15 triệu đồng đối với hành vi xả rác bừa bãi, nhưng rác tại khu vực chợ ĐMNSTPHM vẫn tràn lan khắp nơi. Một số người dân cho biết, lực lượng Quản lý đô thị tuần tra mỗi ngày. Tuy nhiên, họ đi tới đâu thì người bán tháo chạy tới đó, nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Do không dẹp được chợ tự phát ngay bên ngoài chợ chính nên rác thải cứ thế lại chất đống trên đường. Đại diện UBND X.Xuân Thới Đông (H.Hóc Môn) cho hay, chợ ĐMNSTPHM hoạt động 24/24 giờ nên thường xuyên phát sinh lượng rác thải lớn. Xã đã lập chốt và cho lực lượng tuần tra canh giữ, đồng thời cũng phối hợp với Ban quản lý chợ, Công ty Công ích TPHCM yêu cầu Công ty môi trường Sài Gòn hàng ngày phải thu gom rác trong và xung quanh chợ. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã có kế hoạch phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra, giám sát các nguồn rác thải xung quanh. Ùn tắc vì lấn chiếm lòng lề đường Ngoài xả rác và chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì nạn lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán tại khu vực chợ ĐMNSTPHM cũng đang xảy ra mỗi ngày. Theo đó, trong khi những chiếc xe lôi, xe tự chế lấn chiếm lòng đường để buôn bán hàng rong thì các tiểu thương ở khu vực này cũng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm chỗ chế biến, bày biện nông sản để kinh doanh. Rác thải ngổn ngang trên đường Nguyễn Thị Sóc Hằng ngày, bắt đầu từ rạng sáng, hàng hóa được những xe tải, xe ba gác, xe máy vận chuyển đổ về. Các xe này không vào chợ mà hạ tải ngay giữa đường Nguyễn Thị Sóc và bên đường QL22. Sau đó, những người buôn bán tự phát bắt đầu soạn sạp, bày bừa hàng hóa đổ ra lòng đường, vỉa hè. Khu vực buôn bán tấp nập nhất là hai bên đường Nguyễn Thị Sóc, đường số 4, đường số 10, đường số 12 và QL22. Hàng hóa tập trung là rau củ quả, thịt heo lóc và nội tạng heo. Khi hàng hóa được bày lên kệ thì cũng là lúc người mua kẻ bán, xe cộ tấp nập kín các con đường ven chợ. Nhất là đường Nguyễn Thị Sóc và các tuyến đường ven chợ không còn chỗ chen chân, vỉa hè và lòng đường xung quanh chung cư bên cạnh cũng bị tiểu thương chiếm dụng để buôn bán. Hàng hóa còn được bày tràn ra đường, khiến phương tiện giao thông đi vào chợ hoặc đi trên QL22 qua địa điểm này cũng bị ùn tắc. Một tiểu thương bức xúc: "Hoạt động buôn bán tự phát quanh chợ diễn ra lâu nay. Mỗi ngày, hàng trăm phương tiện, hàng hóa lấn chiếm lòng đường, cản trở việc đi lại của người dân và các xe ra vào chợ. Ngoài ra, rác thải, nước thải xả thẳng ra đường... khiến những gia đình ở xung quanh chợ luôn cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Ngoài ra, những tiểu thương đang kinh doanh trong chợ cũng chịu thiệt hại trực tiếp từ hoạt động buôn bán tự phát. Chúng tôi buôn bán trong chợ phải đóng thuế cho Nhà nước, đóng phí vệ sinh môi trường, nước thải, bốc xếp... Các mặt hàng phải tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Trong khi đó, những người buôn bán tự phát không phải đóng thuế, nguồn gốc và chất lượng hàng hóa không bị kiểm soát. Rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này". Điều đáng nói, những điểm kinh doanh tự phát bên ngoài chợ ĐMNSTPHM tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Bởi những người buôn bán này không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy cam kết an toàn thực phẩm. Đặc biệt, đối với hàng thịt heo vì hầu hết người bán đều lấy thịt từ các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ lậu không rõ nguồn gốc, một số điểm kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, không phải đóng thuế. Việc sơ chế và bày bán chủ yếu để trên sàn nhà hay ngay trên lề đường, sử dụng nước giếng ngầm chưa qua xử lý nên không bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với hàng rau củ quả, trái cây tại những điểm kinh doanh tự phát ngoài chợ ĐMNSTPHM hầu như không có nguồn gốc rõ ràng, không được lấy mẫu kiểm tra định kỳ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Có thể nói, tình trạng chợ ĐMNSTPHM đang bị lấn chiếm lòng lề đường và bị bủa vây bởi rác thải cần phải được giải quyết, do không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống, làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của những hộ dân xung quanh. Hiện TPHCM có 3 chợ đầu mối là chợ ĐMNSTPHM, chợ Đầu mối Bình Điền và Chợ Đầu mối Thủ Đức, mỗi ngày cung ứng 70% - 80% thực phẩm cho các chợ nhỏ lẻ, trường học, khu công nghiệp và người dân trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận. Chính vì vậy, kiểm soát các điểm kinh doanh tự phát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm… là việc làm tất yếu, hết sức quan trọng, cấp thiết của cơ quan quản lý nhà nước. HIẾU ĐỨC