Báo Dân tộc và Phát triển – Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc,

Huyện Như Thanh: Khai thác tiềm năng văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:22:25 14/10/2024 theo đường link https://baodantoc.vn/huyen-nhu-thanh-khai-thac-tiem-nang-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-ben-vung-1728640837782.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Quỳnh Trâm
Huyện Như Thanh nằm phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa, được biết đến không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi những giá trị văn hóa truyền thống đa dạng của các dân tộc thiểu số (DTTS). Với dân số hơn 99.400 người, trong đó có 43,22% là đồng bào DTTS như dân tộc Mường, Thái, Thổ…, Như Thanh đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn liền với phát triển du lịch bền vững.
Đại diện huyện Như Thanh đón nhận Quyết định công nhận Lễ hội “Sết Boóc Mạy” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Bảo tồn di sản văn hóa - Đòn bẩy cho phát triển du lịch
Thực hiện dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Như Thanh đã và đang nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 di tích được xếp hạng, bao gồm 1 di tích lịch sử cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh, cùng nhiều danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống như lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy và Sết Boóc Mạy của dân tộc Thái, hay lễ hội mừng cơm mới của người Mường là những điểm nhấn văn hóa, không chỉ có ý nghĩa tinh thần mà còn thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm.
Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, được tổ chức tại xã Xuân Phúc vào tháng Giêng hoặc tháng 2 hằng năm, là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và sự bình an cho dân làng. Đặc biệt, lễ hội không chỉ thu hút sự tham gia của đồng bào Thái mà còn có sự gắn kết của dân tộc Mường, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc tại Như Thanh. Tương tự, lễ hội Sết Boóc Mạy ở thôn Mó 1, xã Cán Khê, diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, cũng là dịp để tái hiện lại những nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng của người Thái thông qua những làn điệu dân ca giao duyên, tiếng cồng chiêng, và các trò chơi dân gian.
Cùng với đó, đền Phủ Na, xã Xuân Du, huyện Như Thanh cũng là một di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia. Nơi đây không chỉ là một địa điểm linh thiêng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển du lịch địa phương. Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn – một nhân vật trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, và là biểu tượng cho sự kết nối giữa con người và thiên nhiên. Lễ hội đền Phủ Na diễn ra vào tháng Giêng hàng năm, thu hút hàng nghìn người hành hương, vừa là dịp thể hiện lòng thành kính với thần linh, vừa là cơ hội để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng lâu đời.
Đây là những di sản văn hóa tinh thần vô giá, góp phần quan trọng vào việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống và lịch sử dân tộc. Các chương trình du lịch tâm linh kết hợp với tham quan sinh thái đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Vườn Quốc gia Bến En là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến với Như Thanh
Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn văn hóa
Bên cạnh việc bảo tồn văn hóa, huyện Như Thanh còn chú trọng đến việc phát triển du lịch bền vững. Một trong những điểm sáng trong chiến lược này là việc kết hợp khai thác di sản văn hóa với các điểm đến du lịch như Vườn quốc gia Bến En, đền Đức Ông Khe Rồng và các di tích khác. Huyện đã chú trọng đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử và điểm tham quan để chúng trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút không chỉ du khách trong tỉnh mà còn cả ngoài tỉnh.
Điển hình, Vườn quốc gia Bến En, với hệ sinh thái phong phú và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, không chỉ là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động du lịch sinh thái mà còn được liên kết với các lễ hội và hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Điều này tạo nên một trải nghiệm toàn diện cho du khách, vừa khám phá thiên nhiên vừa hiểu thêm về văn hóa bản địa.
Ngoài ra, Như Thanh cũng đã đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, mua sắm nhạc cụ và trang phục dân tộc. Những câu lạc bộ như tại xã Phượng Nghi đã thu hút hàng chục người dân tham gia, trở thành nơi thực hành và bảo tồn các nét đẹp văn hóa như nhảy sạp, múa Pồn Pôông, hát ru. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa nội bộ mà còn là điểm thu hút du khách, đặc biệt là các chương trình du lịch trải nghiệm văn hóa.
Các lễ hội truyền thống là những điểm nhấn văn hóa, không chỉ có ý nghĩa tinh thần mà còn thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm.
Nhận thức được tầm quan trọng của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, huyện Như Thanh đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của văn hóa truyền thống. Huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy nghề truyền thống, dân ca, dân vũ và các kỹ năng thực hành văn hóa cho người dân. Đặc biệt, việc truyền dạy văn hóa cho thế hệ trẻ được xem là chiến lược quan trọng để giữ gìn và phát huy những giá trị quý báu của tổ tiên.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, lễ hội được tổ chức rộng khắp trong các dịp lễ, tết và các sự kiện quan trọng của đất nước và địa phương. Nhờ đó, không chỉ người dân mà du khách đến với Như Thanh cũng có cơ hội tham gia và trải nghiệm trực tiếp các hoạt động văn hóa độc đáo này. Đây là yếu tố quan trọng giúp duy trì sức sống cho các di sản văn hóa và tạo sức hút mạnh mẽ đối với du lịch.
Ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh khẳng định: huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư cho các hoạt động văn hóa và du lịch.
Trong tương lai, Như Thanh đặt mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, không chỉ là điểm đến du lịch sinh thái mà còn là nơi du khách có thể trải nghiệm và tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Đây sẽ là hướng đi bền vững, vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương vừa gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.
Sao chép thành công