Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
TP - Sự tàn phá của cơn bão số 3 (YAGI) khiến người dân, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, thậm chí mất trắng tài sản. Để nỗ lực tái thiết sau cơn bão, cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ từ thuế, vốn... Doanh nghiệp kiến nghị, chính sách phải thực thi ngay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục sớm.
Ngày 1/10, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?”. Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, cơn bão YAGI đã đi qua 22 ngày nhưng những con số “đong đếm” thiệt hại về tài sản, tính mạng con người vẫn tiếp tục là nỗi đau dai dẳng với mọi người. Theo thống kê, tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 81.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng GDP cả năm khoảng 0,15%. Nhiều địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái.
“Chúng tôi mời đại diện bộ ngành, doanh nghiệp cùng nhau bàn luận xem bệ đỡ nào để phục hồi. Nhiều người, doanh nghiệp chịu thiệt hại rất lớn, không biết tương lai đi về đâu. Tọa đàm sẽ tập trung vào 2 nội dung: Thiệt hại của cơn bão và hệ lụy; Giải pháp và khắc phục. Bão lũ bất khả kháng, phải ứng phó theo kiểu bất khả kháng. Chúng tôi hy vọng thông tin của buổi toạ đàm sẽ được lan tỏa tới bạn đọc trên cả nước để lan tỏa tinh thần hỗ trợ, tương thân tương ái”, nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), thiệt hại của ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh , Hải Phòng rất nặng nề. Trong đó, có 14.000 lồng nuôi thủy sản thiệt hại, tương đương hơn 6.000 tỷ đồng. Có trên 30.000 ha thủy sản nuôi trồng tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh thiệt hại. Không chỉ về tài sản, bão số 3 tác động rất lớn đến tinh thần của những người dân nuôi biển.
Toàn cảnh tọa đàm Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp
Là một trong các địa phương chịu thiệt hại nặng nề cơn bão số 3, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, TP. Hạ Long rơi vào tâm bão của cơn bão số 3. Sau khi bão số 3 đổ bộ, hơn 63 nhà dân thiệt hại như sập đổ, tốc mái, trên 1.000 trụ sở cơ quan, trường học bị thiệt hại. Hạ Long có tới 23.000 ha rừng đổ gãy, không thể phục hồi. Có doanh nghiệp trồng rừng mất hàng trăm ha rừng, thiệt hại tới 200 tỷ đồng.
Ở góc độ doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão, ông Đỗ Việt Thanh, Phó TGĐ Cty Cổ phần Tập đoàn TASECO chia sẻ, doanh nghiệp có giải pháp chuẩn bị kỹ nhất ứng phó cơn bão. Tuy nhiên, khi cơn bão quét qua, tất cả bằng 0, cơn bão này vượt hết các quy chuẩn. Theo ông Thanh, trước mắt, doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Về lâu dài, nếu chậm hoạt động trở lại, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội, dòng tiền, chi phí nhân công.
Ông Thanh cho biết, nhiều người dân vay vốn ngân hàng mua căn hộ khách sạn của TASECO. Tuy nhiên, sau bão, nguồn thu từ kinh doanh khách sạn gián đoạn, người dân không có dòng tiền trả ngân hàng. Vì vậy, TASECO thông báo, khách hàng vay ngân hàng gửi thông tin để chủ đầu tư liên hệ ngân hàng hỗ trợ như đề xuất giảm lãi suất, gia hạn.
“Hơn 100 khách hàng gửi văn bản tới chủ đầu tư và chúng tôi đã gửi 35 chi nhánh của 14 ngân hàng đề xuất hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, đến nay chỉ nhận được 1 văn bản của ngân hàng hỗ trợ còn ngân hàng khác phản hồi đang xin ý kiến hoặc không hỗ trợ được. Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của cơn bão”, ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, ông Thanh phản ánh, việc bồi thường bảo hiểm cũng gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp có văn bản gửi doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra, thẩm định bảo hiểm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được bồi thường. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý ở các ngành đốc thúc chính sách hỗ trợ.
Trả lời kiến nghị của ông Thanh, đại diện Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, ngành ngân hàng đã lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp và đang đưa ra giải pháp tháo gỡ. NHNN đang xây dựng thông tư với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, các chi nhánh ngân hàng nhận được kiến nghị cũng phải chờ hội sở chính phê duyệt chính sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hạ Long chia sẻ, công ty có 123 căn chung cư bị ảnh hưởng, toàn bộ thang máy, chỗ đỗ và hệ thống cây xanh bị, thiệt hại đáng kể. Sau bão, công ty khẩn trương cơ bản xử lý các thiệt hại, để sớm ổn định tình hình đời sống của người dân.
Nguồn lực tiếp sức cho người dân
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng, yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) khẩn trương triển khai giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả. Các ngân hàng bằng chính nguồn lực của mình, cơ cấu, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh, xử lý rủi ro với dư nợ hiện hữu.
“Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến với 26 địa phương bị ảnh hưởng, qua đó thông tin chỉ đạo của ngành ngân hàng, cùng các TCTD cung cấp chính sách giải pháp, phối hợp với giải pháp từ bộ ngành địa phương để tháo gỡ khó khăn. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 04 nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, bà Giang cho biết.
Theo bà Giang, riêng lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã có Nghị định 55 (2015) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định rõ các cơ chế và trường hợp hỗ trợ khi gặp thiên tai, bão lụt. Chính sách cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, xem xét miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ...
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đã rà soát thiệt hại của khách hàng vay vốn, xác định bước đầu phải xử lý, hỗ trợ khách vay chịu thiệt hại, cho vay mới, định hướng tăng trưởng dư nợ cho vay bổ sung, khôi phục, tái sản xuất. Theo đó, NHCSXH ước tính hơn 51.000 khách hàng, với dư nợ 3.338 tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng rất nhiều. Qua khảo sát thiệt hại, chúng tôi xác định chỗ nào cần nhu cầu vốn mới. Tổng nhu cầu vốn phát sinh tương đương 4.900 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ bổ sung vốn cho năm nay.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Thủy sản cho biết, Bộ NN&PTNT cùng các doanh nghiệp, ngành hàng đồng hành hỗ trợ bà con.
Xây dựng gói tín dụng mới để khôi phục sản xuất sau bão lũ
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 445/TB-VPCP ngày 1/10 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tại thông báo, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để kịp thời, chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay; cùng với đó xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ theo quy định của pháp luật.