Nội dung liên quan Xã Tân Hương, Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái, Tin Trong Nước
Báo Công Thương-Tin tức kinh tế cập nhật mới nhất 24h qua,
Khắc phục hậu quả thiên tai, người dân vùng 'rốn lũ' tái xây dựng cuộc sống
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
20:49:49 25/09/2024
theo đường link
https://congthuong.vn/khac-phuc-hau-qua-thien-tai-nguoi-dan-vung-ron-lu-tai-xay-dung-cuoc-song-348315.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Cơn bão Yagi gây thiệt hại nặng nề ở miền Bắc, người dân nơi đây đang từng bước tái thiết cuộc sống nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ cộng đồng và chính quyền. Những thiệt hại nặng nề Cơn bão Yagi đã tàn phá nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, để lại hàng loạt thiệt hại về người và tài sản. Mưa lớn và lũ lụt đã phá hủy hàng trăm ngôi nhà, cuốn trôi hoa màu và đẩy nhiều gia đình vào tình trạng mất trắng. Tại Cao Bằng , một trong những “rốn lũ” của miền Bắc, huyện Bảo Lâm là khu vực chịu thiệt hại nặng nhất. Báo cáo cho biết, đến ngày 19/9, huyện đã có 11 người thiệt mạng, 423 ngôi nhà bị sạt lở và ngập úng, trong đó 7 ngôi nhà hư hại nặng. Hơn 113 ha lúa, ngô và hoa màu bị phá hủy, nhiều công trình điện, thủy lợi, trường học bị hư hỏng nghiêm trọng. Đường sá bị sạt lở nghiêm trọng gây cản trở giao thông. (Ảnh: Thuỳ Dương) Với địa hình đồi núi hiểm trở, tỉnh Yên Bái cũng hứng chịu lượng mưa lớn từ các triền núi đổ xuống, tạo thành dòng lũ cuốn đi nhiều công trình và tài sản của người dân. Tại các thôn Loan Hương và Ngòi Vồ thuộc xã Tân Hương, huyện Yên Bình lũ lụt đã phá hủy nhà cửa, chuồng trại và các công trình phụ khác. Nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay chỉ sau một đêm mưa lớn, tài sản ngập trong bùn đất, khiến việc dọn dẹp và tái thiết trở nên vô cùng khó khăn. Ngành nông nghiệp, vốn là nguồn sống chính của người dân, cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Bùn đất tràn vào các cánh đồng, vùi lấp ruộng lúa và ruộng ngô chuẩn bị thu hoạch, gây tổn thất lớn về kinh tế. Không chỉ có lúa, cây quế – cây trồng chủ lực của xã cũng bị cuốn trôi hoặc gãy đổ, khiến người dân mất đi nguồn thu nhập chính. Điều này đã khiến cuộc sống của bà con thêm phần bấp bênh. Ruộng ngô mất trắng sau cơn bão. (Ảnh: Thuỳ Dương) Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Loan Hương chia sẻ: “ Mưa bão vừa qua đã khiến cuộc sống người dân vốn khó khăn nay lại càng thêm chật vật. Dù thôn và địa phương đã áp dụng phương châm "4 tại chỗ" gồm chỉ huy, nhân lực, vật dụng, và nhu yếu phẩm tại chỗ, nhưng do tình huống khẩn cấp nên chưa thể ứng phó kịp thời ”. Nỗ lực cứu trợ của cộng đồng Trong tình cảnh khó khăn chồng chất, những nỗ lực cứu trợ của đồng bào cả nước đã trở thành nguồn động viên to lớn, mang lại niềm hy vọng cho người dân vùng “rốn lũ”. Ngày 16/9/2024, Hiệp hội Du lịch Thái Bình cùng các thành viên hội thiện nguyện trên địa bàn tỉnh đã khởi hành, vượt gần 400km để mang sự hỗ trợ thiết thực đến với người dân tỉnh Cao Bằng. Dù đường sá bị hư hỏng nặng nề sau lũ, đoàn vẫn quyết tâm lên đường, mang theo tinh thần sẻ chia và lòng nhiệt huyết. Chuyến cứu trợ bao gồm 1 tấn gạo, hơn 20 thùng mì tôm, 10 thùng quần áo (bao gồm cả áo rét), 300 gói bột canh, 1 thùng xà bông, 60 kiện nước lọc, cùng một khoản tiền mặt hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho các hộ dân bị thiệt hại nặng nề. Đây là những nhu yếu phẩm thiết yếu, góp phần giúp người dân khắc phục khó khăn, ổn định lại cuộc sống sau khi thiên tai đi qua. Trao tận tay bà con những phần quà cứu trợ. (Ảnh: Thuỳ Dương) Ngay sau khi nước lũ rút và giao thông được khôi phục một phần, đoàn cứu trợ đã di chuyển đến huyện Bảo Lâm, Cao Bằng - một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nhất do cơn lũ. Tại đây, những phần quà đã được trao tận tay các hộ dân, mang theo không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là tấm lòng sẻ chia, động viên tinh thần trước những mất mát và tổn thất mà bà con đang phải gánh chịu. Tiếp đó, trong hai ngày 21 và 22/9/2024, bất chấp thời tiết khắc nghiệt và đường sá sạt lở, đoàn thiện nguyện từ Trung tâm Tuổi Thần Tiên Hà Nội đã vượt mọi khó khăn để đến hỗ trợ người dân xã Tân Hương, tỉnh Yên Bái. Đoàn thiện nguyện không quản ngại khó khăn để đến tận nơi hỗ trợ cho bà con vùng "rốn lũ. (Ảnh:Thuỳ Dương) Tại thôn Loan Hương, đoàn thiện nguyện đã trao tặng nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, muối, mì tôm, cùng các vật dụng sinh hoạt như nồi cơm điện, chăn màn, thuốc men. Đồng thời, các hộ gia đình gặp thiệt hại nặng còn nhận được hỗ trợ tiền mặt để trang trải chi phí sinh hoạt. Riêng 16 hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất mỗi hộ được nhận 300.000 đồng. Tại thôn Ngòi Vồ, đoàn còn đóng góp thêm 2 triệu đồng vào quỹ sửa chữa cầu dân sinh, giúp khôi phục hạ tầng giao thông sau bão. Gia đình anh Lê Mạnh Cường, một trong những hộ dân chịu thiệt hại nặng nhất khi ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, đã nhận được sự giúp đỡ đặc biệt. Ngoài các vật dụng cần thiết, đoàn còn trao tặng số tiền mặt là 8 triệu đồng để giúp gia đình anh tái thiết lại cuộc sống. Ngôi nhà của anh Lê Mạnh Cường bị cuốn trôi hoàn toàn. (Ảnh: Thuỳ Dương) Hành trình vượt qua khó khăn Dù cơn bão đã qua, nhưng những khó khăn vẫn còn chồng chất với người dân các tỉnh miền núi phía Bắc. Lũ rút để lại lớp bùn đất dày đặc, việc dọn dẹp nhà cửa gặp nhiều trở ngại. Môi trường sống trở nên ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, trong khi giao thông bị chia cắt khiến công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi, các hộ gia đình phải sinh hoạt trong những căn lều dựng tạm trong quá trình khắc phục hậu quả. Các đoàn thiện nguyện, thanh niên tình nguyện chung tay cùng bà con khắc phục hậu quả sau cơn bão. (Ảnh: Thuỳ Dương) Tuy nhiên, nhờ sự chung tay của cộng đồng và các đoàn thiện nguyện, người dân đã có thêm niềm tin vào tương lai. Các hoạt động cứu trợ không chỉ giúp người dân vượt qua những khó khăn trước mắt mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn. Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đang tích cực triển khai công tác khắc phục, từ việc dọn dẹp, khôi phục giao thông, cho đến hỗ trợ bà con tái thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những hành động sẻ chia, giúp đỡ kịp thời đã thắp sáng niềm tin trong lòng người dân. Với sự đoàn kết và nỗ lực, người dân vùng “rốn lũ" sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và ổn định lại cuộc sống sau thiên tai. Thuỳ Dương Bạn thấy bài viết này thế nào? Kém Bình thường Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt