Kỹ thuật viên Đài Thông tin duyên hải Nha Trang kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Nữ miền Bắc
Nữ miền Bắc
Nữ miền Nam
(PLVN) - Để phục vụ công tác chống các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), tỉnh Khánh Hòa triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Đại diện Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã đầu tư hệ thống giám sát tàu cá (trạm bờ) đặt tại Chi cục Thủy sản với hệ thống màn hình cỡ lớn, bố trí cán bộ trực ban theo dõi 24/24h để giám sát hoạt động tàu cá trong quá trình khai thác trên biển.
Qua đó, kịp thời thông báo với tàu cá bị mất tín hiệu giám sát hành trình tàu cá (VMS), cảnh báo với các tàu cá hoạt động gần đường ranh giới được phép khai thác trên biển và công tác tìm kiếm, cứu nạn, cảnh báo thiên tai…
Bên cạnh đó, tỉnh đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) tại các cảng cá trên địa bàn. Hệ thống được trang bị các máy tính bảng lắp tại các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá để kiểm soát tàu cá từ khi xuất bến đến khi cập bến trên hệ thống. Qua đó, đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.
Tính đến đầu tháng 9/2024, Khánh Hòa có 3.266/3.266 tàu cá được đăng ký, đánh dấu theo đúng quy định; số liệu tàu cá được cập nhật đầy đủ trên phần mềm Vnfishbase.
644/647 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã triển khai lắp đặt thiết bị VMS; 1.085/1.363 tàu cá (từ 12m trở lên) được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật; 586/647 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm…
Để triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, Sở NN&PTNT đã phối hợp tổ chức hơn 21 lớp tập huấn, tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Chỉ thị của Ban Bí thư; các công điện, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông báo kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU... cho hơn 1.400 lượt người dân.
Tiến hành cấp chứng nhận sản phẩm thủy sản từ khai thác đi thị trường EU cho 182 lô hàng với tổng 2.534 tấn và đi các thị trường khác 5 lô hàng với tổng 12 tấn.
Văn phòng đại diện thanh, kiểm tra, kiểm soát nghề cá đã kiểm tra, kiểm soát 1.450 lượt tàu cập bến và 1.487 lượt tàu xuất bến; số lượng hải sản được kiểm tra, kiểm soát là 6.464 tấn.
Chi cục Thủy sản đã phối hợp địa phương kiểm tra xác minh thông số kỹ thuật 264 tàu cá đủ điều kiện; cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 90 tàu cá; hiện còn 174 tàu cá đang hoàn thiện các thủ tục đăng ký theo quy định; thực hiện cấp phép giấy phép khai thác thủy sản cho 3.145/3.266 tàu (đạt 96%).
Với 3 DN trên địa bàn tỉnh vi phạm về nguồn gốc thủy sản từ khai thác bốc dỡ tại cảng cá, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, phối hợp với các địa phương liên quan, cơ quan chức năng điều tra, xác minh và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
* Liên quan lĩnh vực, tại tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU.
Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, tính đến tháng 9/2024, tổng số tàu cá của tỉnh đã đăng ký là 4.569 chiếc (tăng 233 chiếc so với tháng 8); số tàu cá đã đăng kiểm là 2.081 (tăng 209 chiếc so với tháng 8).
Đến tháng 9/2024 đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 2.979/4.569 tàu cá (tăng 555 tàu so với tháng 8) đạt tỷ lệ 65,20%. Trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 2.203 tàu (71,57%). Toàn tỉnh có 2.967 tàu cá chiều dài 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỷ lệ 99,42% trên tổng số tàu cá đang hoạt động.
Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho hay, tại địa phương công tác chống khai thác IUU được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; ngư dân đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế vi phạm khai thác IUU.
Trong tháng 10, Quảng Ngãi tiếp tục khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU, tích cực vận động ngư dân tuân thủ luật, nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Quảng Ngãi đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại các cửa biển, cảng cá đảm bảo các hành vi vi phạm khai thác IUU được ngăn chặn; đặc biệt là các hành vi vi phạm về giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt và vận hành VMS đối với tàu cá.
Tăng cường hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng kiểm, đăng ký để tàu cá đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản, đảm bảo 100% tàu cá có giấy phép khi hoạt động trên biển; thống kê danh sách tàu cá không còn trên thực tế, tàu cá không hoạt động để xóa đăng ký, đưa ra khỏi danh sách quản lý.
Tăng cường giám sát sản lượng thủy sản tại cảng; hướng dẫn ngư dân cài đặt, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT), đảm bảo độ tin cậy trong công tác truy xuất nguồn gốc, ghi chép và lưu trữ hồ sơ đầy đủ.