Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
SVVN - Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc sử dụng điện thoại để liên lạc, trao đổi thông tin đã trở thành một phần không thể thiếu. Tuy nhiên, nhiều người trẻ lại đang phải đối mặt với hội chứng sợ nghe điện thoại – một thực trạng đáng lo ngại mà không ít người gặp phải. Họ không chỉ né tránh các cuộc gọi mà còn cảm thấy hoảng sợ, lo lắng mỗi khi tiếng chuông điện thoại vang lên.
Nỗi ám ảnh từ tiếng chuông điện thoại
Là một chuyên viên marketing trẻ tuổi, thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị công nghệ hiện đại nhưng Trần Thị Hương Ly (25 tuổi, ngụ tại Quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn luôn cảm thấy lo âu mỗi khi nghe tiếng chuông điện thoại vang lên. Bất kể là cuộc gọi đến từ bạn bè, người thân hay một số lạ, cảm giác căng thẳng luôn khiến cô nàng lưỡng lự trong việc bắt máy.
Nhiều bạn trẻ coi những cuộc gọi qua điện thoại như "cơn ác mộng". (Ảnh minh họa bởi AI)
“Thông thường, mình không bao giờ nghe cuộc gọi trực tiếp, mà sẽ nhắn tin lại để hỏi người gọi xem có việc gì quan trọng. Chính vì điều này mà đồng nghiệp và bạn bè thường trêu đùa rằng tuy số điện thoại của mình ai cũng có, nhưng gọi gặp được tôi lại là chuyện hên xui”, Ly chia sẻ.
"Đối với mình, việc chủ động nhắn tin giúp kiểm soát được tình huống và giảm thiểu căng thẳng hơn là việc phải nghe trực tiếp ", cô nàng cho biết thêm.
Tương tự trường hợp của Ly, Nguyễn Minh Quân (24 tuổi, Nam Định) làm nhân viên chăm sóc khách hàng cho một công ty dịch vụ viễn thông, nơi yêu cầu tất cả nhân viên phải luôn để chế độ mở điện thoại trong giờ làm việc. Mặc dù vậy, Minh Quân thừa nhận rằng anh chàng chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi nhận cuộc gọi, thậm chí cả khi đó là người thân trong gia đình.
"Biết rằng công việc đòi hỏi phải luôn sẵn sàng nghe điện thoại , nhưng mình luôn phải chuẩn bị tâm lý trước khi gọi lại cho người phía bên kia đầu dây. Mình cảm thấy rằng khi mình là người chủ động liên lạc, mình sẽ kiểm soát được tình huống và giảm bớt áp lực. Dù biết việc này ảnh hưởng đến công việc, nhưng đến giờ mình vẫn không thay đổi được thói quen này", Quân chia sẻ thêm.
Theo nhiều lý giải, hội chứng sợ nghe điện thoại thường xuất phát từ tính cách hướng nội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cả những người hướng ngoại cũng không tránh khỏi cảm giác ngần ngại khi phải bắt máy, nhất là khi họ không quen với việc trò chuyện qua điện thoại. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin như Facebook, Zalo hay Telegram đã thay đổi cách thức giao tiếp của con người. Những tiện ích này giúp kết nối và gắn kết mọi người dù ở bất kỳ đâu, nhưng đồng thời cũng tạo ra một xu hướng mới – nơi mà không phải ai cũng sử dụng đầy đủ chức năng của điện thoại, đặc biệt là việc nghe và gọi. Với một số bạn trẻ, điện thoại chỉ còn là công cụ để giải trí hay nhắn tin, và việc sử dụng điện thoại để nghe gọi trở nên ngày càng hiếm hoi.
Gây phiền toái , khó chịu cho cả người gọi
Một số người thậm chí còn cảm thấy phiền toái khi phải nhận cuộc gọi. Bà Phạm Thị Minh (56 tuổi, Phú Thọ) thường xuyên bực tức mỗi khi liên lạc với con trai mình, hiện đang là sinh viên tại một trường đại học ở Hà Nội. Mặc dù đã nhiều lần nhắc nhở con tập thói quen nghe điện thoại, nhưng bà Minh vẫn không thể thay đổi được thói quen của cậu con trai.
“Mỗi khi tôi gọi, cháu không bao giờ nghe máy, thay vào đó lại nhắn tin hỏi tôi có việc gì cần không. Điều này khiến tôi cảm thấy bức xúc, vì việc nghe điện thoại là một phép lịch sự cơ bản. Đặc biệt khi có công việc quan trọng, việc không thể liên lạc ngay qua điện thoại là rất phiền toái. Tôi lo lắng rằng nếu cháu cứ duy trì thói quen này, sau này khi ra trường và đi làm, cháu sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp”, bà Minh bộc bạch.
Không chỉ các bậc phụ huynh lo lắng, mà ngay cả các bạn trẻ cũng chia sẻ những khó khăn của mình liên quan đến việc nghe điện thoại. Nguyễn Phương Thảo (23 tuổi, Hải Phòng), sinh viên năm cuối Học viện Ngoại giao cho biết, trước đây cô nàng thường xuyên nghe tất cả các cuộc gọi, kể cả từ số lạ. Nhưng gần đây, Thảo bắt đầu lo lắng mỗi khi điện thoại reo vì tình trạng các cuộc gọi quảng cáo và lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều.
Thảo cảm thấy không thoải mái khi phải nghe những số lạ trên điện thoại. (Ảnh: NVCC)
"Trước đây, mình khá thoải mái khi nghe điện thoại từ số lạ. Nhưng sau một loạt các cuộc gọi quảng cáo bảo hiểm, cho vay tiền, thậm chí lừa đảo, mình bắt đầu cảm thấy lo sợ. Có lần, mình đang có công chuyện quan trọng và phải vội vàng chạy ra nghe điện thoại, nhưng hóa ra chỉ là cuộc gọi bán bảo hiểm. Từ đó, mình quyết định để điện thoại luôn ở chế độ im lặng và không bao giờ nghe những cuộc gọi không mong muốn", Thảo kể lại.
Thực tế cho thấy, việc lạm dụng các ứng dụng nhắn tin có thể là nguyên nhân khiến nhiều người không còn nhu cầu trò chuyện qua điện thoại. Các cuộc thảo luận online qua tin nhắn diễn ra hàng giờ liền, nhưng đến khi phải trực tiếp nói chuyện qua điện thoại, không ít người cảm thấy lúng túng và lo lắng. Điều này đang trở thành một hiện tượng phổ biến trong giới trẻ, khi nhiều người không còn cảm thấy thoải mái với việc giao tiếp bằng giọng nói.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Mạnh Tuấn, việc sử dụng quá nhiều các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội có thể làm suy giảm khả năng giao tiếp trực tiếp của con người. Đặc biệt, đối với giới trẻ ngày nay, việc trò chuyện qua điện thoại không còn là một thói quen thường xuyên như trước đây. Chính sự lệ thuộc vào các phương tiện nhắn tin đã khiến cho việc nghe điện thoại trở thành một "cơn ác mộng" đối với nhiều người trẻ.
Để vượt qua cảm giác lo lắng khi nghe điện thoại, ông Tuấn khuyên rằng, các bạn trẻ nên bắt đầu bằng việc trò chuyện qua điện thoại với những người thân thuộc, bạn bè hoặc những người mà họ cảm thấy dễ dàng chia sẻ. Đồng thời, chuyên gia cho rằng người mắc hội chứng này cần thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực và nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực hơn. Điều này giúp họ điều chỉnh cách sống và cải thiện thái độ trong giao tiếp: "Khi người thân hay bạn bè gặp khó khăn trong việc nghe điện thoại, chúng ta không nên gây áp lực mà cần tạo ra nhiều cơ hội, môi trường để họ cảm thấy thoải mái hơn", ông chia sẻ.