'Có mang tiền hông mày? Bỏ bì phúng rồi cũng lận túi ít tiền, chứ không vô trỏng ngồi đơ mặt kỳ lắm'. Vé số tặng nhau ở một bàn tiệc tại tỉnh Long An. 10 người mua tặng đủ 10 người - Ảnh: M.DŨNG
Anh chàng dân Hà Nội lần đầu đi đám tang nhà sếp ở miền Tây mà sốc toàn tập với "tiệc vé số ", kiểu tình thương mến thương đua nhau tặng vé số xoay vòng chóng cả mặt.
Tặng nhau "giấc mơ bốn giờ rưỡi chiều" Hiện nay nhiều nơi ở miền Tây có kiểu "tiệc vé số" rất ngộ. Người rủng rỉnh tiền thì cười vô tư: "Vui thôi mà, tặng anh em mến thương chút ước mơ bốn giờ rưỡi chiều".
Nhưng người hổng tiền cũng phải ráng cười méo xẹo, mặt mày như trái cà na dầm muối ớt để mua vé số tặng. Bởi được người ta tặng vé số thì cũng phải mua tặng lại, tiền túi phải móc ra mà "giấc mơ bốn giờ rưỡi chiều có thành hiện thực hay không thì biết chết liền".
Người Hà Nội như anh chàng Lê Thanh Cảnh lần đầu đi đám ở miền Tây mà lạ với "tiệc vé số" này, nhưng dân địa phương từ nhỏ nhóc đến già cả đều không có gì là lạ. Bây giờ, dưới đây đám cưới, đám giỗ, đám sinh nhật, tân gia, thôi nôi, đầy tháng, kể cả... đám ma cũng hay tặng nhau vé số.
Chỉ ngồi bàn lượng sượng cười qua cười lại xã giao một chút, trong túi mỗi người đã đầy nhóc vé số tặng. Thậm chí, chỉ mấy ông "thần rượu đế" ngồi ly mốt ly hai với nhau ở hiên nhà cũng ráng tặng nhau giấc mơ đổi đời...
29 tuổi, Cảnh là nhân viên tín dụng một ngân hàng quốc doanh ở Hà Nội mới chuyển vào làm tại TP.HCM. Tuần rồi đi đám tang mẹ vợ sếp ở huyện Đức Hòa, Long An mà Cảnh tròn mắt với "văn hóa" tặng vé số tràn ngập miệt dưới này. Trước khi đi, đồng nghiệp dặn Cảnh nhớ mang ít tiền lận túi để mua vé số tặnglại, chuyện "hổng ai bắt buộc nhưng phải thế mới ngó được".
Chọn số năm sinh người chết Đám tang quê, khách được mời cơm. Cảnh cùng hai đồng nghiệp được xếp ngồi bàn chung với hàng xóm sếp. Bàn 10 người thêm hai người nữa xin ngồi ké vì chỗ thân quen dễ cụng ly. Gia chủ chưa kịp bày món ăn thì đội quân vé số hùng hậu đã áp sát.
"Hình như dân bán vé số dạo này đã thân với chủ nhà và cả nhiều khách khứa địa phương. Họ tới mời chào như bạn bè, thậm chí còn kéo ghế ngồi bên", Cảnh kể.
Thức ăn chưa kịp đụng đũa, các xấp vé số bắt đầu được chuyền tay trong sự vui vẻ át cả nỗi buồn đám tang. Ông chú hàng xóm lớn tuổi nhất bàn là người "khai tiệc vé số" đầu tiên. Nói với bà bán cũng lớn tuổi đang cà rà ngay sau lưng, ông chú hỏi: "Ê, bà Bảy, hôm nay có số 43 hông, lấy tui mớ tờ tặng mấy cháu bàn này coi?". "Sao hôm nay ông chọn số 43?".
Bà bán vé số ngạc nhiên, ông chú lại cười nói: "Thì bà nhìn lên bảng đám tang đi. Bà chị tui sanh đúng năm 1943, cha mẹ lớn tuổi qua đời là để phúc lộc lại con cháu. Hôm nay tui theo số năm sanh bả coi bốn giờ rưỡi chiều thần tài có gõ cửa không". Cảnh ngạc nhiên hóng hớt chuyện chọn số của ông chú rồi cũng bật cười theo mọi người.
Bà bán quá quen kiểu mua tặng vé số này nên cứ tự nhiên lấy 24 tờ có số đuôi 43 để đưa ông chú và nhận lại 240.000 đồng. Đến lượt ông ta phân tặng mỗi người 2 tờ mà miệng rổn rảng: "Chúc mấy đứa chiều nay trúng phúc lộc bà chị tui đang nằm hia nghe". Ông này vừa tặng xong, lại đến lượt một ông trung niên khác cũng mua tặng cả bàn y như thế, nhưng người này lại chọn số đuôi 24 là năm mất của bà cụ.
Cảnh và hai đồng nghiệp là khách lạ nơi xa về vẫn được tặng như những người còn lại trong bàn. Thậm chí có người cao hứng mua tặng luôn 4 tờ cho từng người. T
ính ra anh ta phải trả 480.000 đồng tiền vé số tặng, vì lý do rất hào phóng là mới trúng được mấy tờ giải 3 với giải thưởng 10.000.000 đồng một tờ.
Mấy người nhao nhao hỏi vui: "Mày trúng số có đưa tiền cho vợ mua được chỉ vàng lận lưng nào không?". "Còn tiền mà mua được vàng chết liền", anh ta tỉnh rụi trả lời.
Một người ngồi kế bên Cảnh góp chuyện anh chàng vừa trúng số này nói thiệt, kiểu mỗi ngày mua cả xấp vé số như anh ta thì có trúng độc đắc cũng không lời nổi với ông thần may mắn.
Được mọi người thân thiện mua vé số tặng, đến lượt Cảnh và đồng nghiệp cũng phải mua tặng lại y như thế. Anh không quen chơi, không biết chọn số, nên cứ nói bà bán phát mỗi người ngồi cùng bàn 3 tờ rồi anh trả lại 360.000 đồng...
Lúc rời đám tang, túi quần túi áo Cảnh và hai đồng nghiệp đầy nhóc vé số. Họ nói vui với nhau chắc chiều nay đổi đời vì tự dưng gặp "tiệc vé số" giữa đám ma, và kết quả là tất cả đều... trật lất!
Hai cô bán vé số cùng bán cho mấy ông uống cà phê mua tặng nhau ở chợ Tuyên Nhơn, Long An - Ảnh: M.DŨNG
Thủ tiền mua vé số nhiều hơn tiền thiệp cưới Hầu như hiện nay ở tỉnh miền Tây nào cũng có kiểu "tiệc vé số" này. Không đi đám thì thôi, đã đi là phải thủ thêm tiền mua vé số tặng nhau, còn không thì "dân chơi mà sợ mưa rơi, người hổng giống ai". Tuy nhiên, những "tín đồ giáo phái thần may mắn" hay quả quyết "tiệc vé số" xôm tụ nhất không nơi nào có cửa qua Long An.
Miệt này đụng chuyện gì người ta cũng mua vé số tặng nhau, tiệc đông người thì tặng nhiều, tiệc ít người thì tặng ít, nhưng dứt khoát phải tặng dù chỉ là nhóm 3 thằng đá gà độ gặp vận rủi đang ngồi tính kế... trốn nợ.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Thiệu, Trường tiểu học Nguyễn Văn Nguyên (huyện Đức Huệ, Long An), kể dân miền Bắc, miền Trung mới vào ngạc nhiên với "văn hóa" tặng vé số xứ này, chứ dân địa phương rành sáu câu vọng cổ. Họ tặng nhau xuất phát từ lòng mến khách, nghĩ không có gì giá trị để tặng thì tặng mấy tờ vé số.
"Cái này của ít mà... lộc nhiều. Biết đâu tặng hai chục ngàn bạc mà chiều ẵm bốn tỉ thì sao?", thầy Thiệu cười kể thêm "nhưng tui đi tiệc xứ này đến mòn mấy chục cái đít quần cũng chưa thấy thần độc đắc mỉm cười với ai".
Cũng theo thầy giáo địa phương, "văn hóa tặng nhau niềm may mắn" rộ lên khoảng 10 năm nay. Trước đây cũng có nhưng người tặng, người không. Còn bây giờ bàn tiệc chục người thì đủ chục người mua vé số tặng xoay vòng cho nhau, gặp khách hoàn cảnh lắm thì cũng không dưới 7, 8 người.
"Dưới này tụi tôi đi thiệp cưới 500.000 đồng, thì tiền thủ túi mua vé số tặng cũng phải cỡ đó trở lên", thầy giáo tiểu học cười kể.
Ở huyện kề bên, anh Nguyễn Văn Toàn, dân TP.HCM, về mở nhà máy cơ khí tại huyện Đức Hòa, Long An từ năm 2012, kể bản thân mình chỉ dự vài tiệc dưới đây đã "lậm" luôn mua vé số tặng nhau. Mang tiếng ông chủ, nhiều bữa tiệc anh đi phong bì chỉ 1 triệu đồng nhưng mua vé số tặng đến 3 triệu. Anh tặng mỗi người vài tờ xong, chút say say quên quên, lại mua tặng nữa.
Bạn bè nói anh chơi "sốc hàng", nhưng cặp mắt kinh doanh của Toàn lại sốc với người bán vé số. "Tui biết nhiều em, nhiều chị chuyên đi săn bán vé số ở các tiệc tùng. Họ có ngoại hình dễ nhìn chút, biết xởi lởi, nếu biết ca bolero ngọt hay mùi vài câu vọng cổ góp vui nữa là xấp vé số ngàn tờ cũng mỏng nhanh".
Toàn khẳng định chính anh cũng quen nhiều cô bán 1.000 tờ vé số mỗi ngày y như lãnh lương tháng 30.000.000 đồng. Bán lâu quen khách, họ càng bán được nhiều, ngày ngày rải thần may mắn đi khắp nơi nhưng thần có gõ cửa ai hay không thì... "biết chết liền".
"Thổi lỗ tai" nơi có tiệc để bán vé số Ngoài tự săn tiệc tùng, nhiều cô bán vé số hiện nay còn có người thân quen "thổi lỗ tai" chỉ nơi này nơi kia đang có tiệc đám cưới, đám giỗ hay đám tang mà chạy nhanh tới bán chứ không người khác bán trước.
Chị Nguyễn Thị Lành, 33 tuổi, thâm niên hơn 10 năm bán vé số ở huyện Mộc Hóa, Long An, kể gặp tiệc mươi bàn mà có nhiều khách quen thì bán vài trăm tờ kiếm vài trăm ngàn bạc cái vèo, nhiều người còn bán hết xấp vé số dày cui 1.000 tờ chỉ trong hai, ba đám giỗ, đám tiệc nhỏ.
Dò trúng 100.000 đồng, nhiều người bắt đầu xem xổ số là một kênh đầu tư vốn nhỏ, dần dà mua vé số trở thành thói quen "cầu may" khó bỏ với ước mơ trúng độc đắc.
Kỳ tới: Trúng 100.000 đồng rồi cứ mơ độc đắc tiền tỉ