Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngày 7/10, tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, 170 tài liệu, hình ảnh quý về Thăng Long - Hà Nội, nổi bật là tư liệu về các cửa ô - hình ảnh thân thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội, đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng qua trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội và những cửa ô”.
Đây là sự kiện do UBND TP Hà Nội chỉ đạo Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp với Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Ban tổ chức và các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày "Hà Nội và những cửa ô".
Phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng khẳng định: Trong lịch sử, Hà Nội ghi nhận từng có 21 cửa ô. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của đô thị Hà Nội, giới hạn của thành phố ngày một mở rộng, dẫn đến việc biến mất dần các cửa ô xưa. Trưng bày “Hà Nội và những cửa ô” giúp người dân Hà Nội ngày nay có thể tìm hiểu về những ký ức hào hùng của lịch sử Hà Nội thông qua các cửa ô xưa. Thông qua các nguồn tài liệu, tư liệu phong phú bao gồm nhiều hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, trưng bày đã tái hiện phần nào lịch sử đô thị Hà Nội xưa, quá trình biến đổi và dần biến mất của hầu hết các cửa ô Hà Nội vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Trưng bày cũng giới thiệu quá trình phát triển, đổi thay của Hà Nội ngày nay, sau 70 năm tiếp quản Thủ đô.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng nhận định: Trưng bày “Hà Nội và những cửa ô” rất ý nghĩa, sáng tạo khi kết nối câu chuyện lịch sử của Thủ đô thông qua hình ảnh của những cửa ô. Trưng bày đưa chúng ta về với những ký ức của Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh của những cửa ô thân thuộc. Cửa ô xưa là hình ảnh của Thành Thăng Long qua bao thăng trầm, biến đổi. Cửa ô chiến thắng ghi lại dấu mốc hào hùng của sự kiện giải phóng Thủ đô 70 năm trước. Cửa ô hôm nay chứng kiến sự thay da đổi thịt, phát triển của Hà Nội. Cửa ô Hà Nội không chỉ là dấu tích lịch sử mà còn là nơi ca khúc khải hoàn, là biểu tượng của chiến thắng qua hình ảnh 5 cửa ô như 5 cánh sao vàng lấp lánh, tiếp nối truyền thống cách mạng của lớp lớp cha anh dũng cảm kiên cường.
Một số hình ảnh trưng bày tại triển lãm.
Trưng bày “Hà Nội và những cửa ô” giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh lưu trữ tại Trung tâm Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO), Thư viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ lịch sử TP Hà Nội. Trưng bày gồm 3 chủ đề lớn: “Cửa ô xưa”, “Cửa ô chiến thắng” và “Cửa ô Hà Nội hôm nay”. Thông qua các nguồn sử liệu, các tài liệu hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các văn bản, trưng bày giới thiệu một cách khái quát về lịch sử các cửa ô Hà Nội; cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động về hoạt động đời sống xã hội xung quanh các cửa ô.
Góc trưng bày "Hà Nội và những cửa ô".
Được biết, cùng với trưng bày “Hà Nội và những cửa ô”, dịp này, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Ban tổ chức còn có một số trưng bày khác, hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Triển lãm “Hồ Chí Minh - Hành trình vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội qua sưu tập tem và bưu ảnh”, khai trương trưng bày diễn giải tại di tích Hậu Lâu; chỉnh lý Nhà trưng bày “Thăng Long-Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất”, với không gian, diện mạo mới hấp dẫn, góp phần thu hút khách tham quan khu di sản.