Báo Thanh Niên,

Không có kè chắn sóng, người dân sợ triều cường nuốt nhà

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 08:48:24 07/10/2024 theo đường link https://thanhnien.vn/khong-co-ke-chan-song-nguoi-dan-so-trieu-cuong-nuot-nha-18524100618104584.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Nhiều hộ dân tại thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, H.Tuy An ( Phú Yên ) thường trực nỗi lo triều cường xâm thực đất đai nhà cửa, gây sạt lở, uy hiếp tài sản, tính mạng.
Nhiều năm qua, người dân nơi này vẫn luôn mong mỏi, chờ đợi kè chắn sóng kiên cố sớm hoàn thành để ổn định cuộc sống
Với chiều dài hơn 2 km, tuyến biển An Chấn nằm phía trước địa phận hai thôn Mỹ Quang Bắc, Mỹ Quang Nam (xã An Chấn) phải đối diện tình trạng triều cường xâm thực nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, giữa năm 2019 tỉnh Phú Yên đã đầu tư gần 30 tỉ đồng xây dựng bờ kè chắn sóng dài 370 m tại khu vực xung yếu nhất từ đoạn Lăng Ông đến giáp thôn Mỹ Quang Bắc. Năm 2021, tỉnh Phú Yên đầu tư xây dựng thêm khoảng 200 m kè ở làng biển Mỹ Quang Nam kết nối với đoạn kè đã xây trước đó.
Người dân thôn Mỹ Quang Nam tự đắp kè để chuẩn bị cho mùa mưa bão
ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN
Triều cường xâm thực nuốt chửng đường sá, ăn sát vào nhà dân
ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN
Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở làng biển thôn Mỹ Quang Nam, có nhà sát với mặt biển chưa được xây kè chắn sóng vẫn mất ăn mất ngủ với nỗi lo triều cường xâm thực . Sóng rút đất, đánh vào nhà dân vẫn luôn thường trực mỗi khi mùa mưa, bão về.
Bà Lê Thị Toán (62 tuổi, thôn Mỹ Quang Nam) cho biết: "Cứ tháng 10, 11 âm lịch, dân vùng này lại nơm nớp lo sợ triều cường xâm thực, sóng đánh vào nhà, chẳng ai dám ngủ vì phải canh để chạy sóng. Sóng đánh phủ nhà, sập tường, triều cường lấy đất, lấy nhà. Năm nào tôi cũng tốn vài chục triệu đồng để xây sửa lại. Chúng tôi luôn mong mỏi có được bờ kè chắn sóng kiên cố để mùa mưa bão đỡ lo, bớt khổ nhưng mới xây được một đoạn thì dừng lại chưa thấy xây tiếp".
Nhiều hộ gia đình ở thôn Mỹ Quang Nam bị triều cường uy hiếp
ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN
Bà Lê Thị Toán gia cố thêm cho bờ kè nhà mình
ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN
Để bảo vệ đất đai, nhà cửa, mỗi năm những hộ dân có nhà sát mặt biển phải bỏ ra hàng chục triệu đồng tự đắp bờ, đặt trụ ống bê tông giữ nền móng nhà từ bên ngoài, xây tường chắn sóng nhưng chỉ được một vài năm thì hư hỏng, sụt lún.
Tường chắn sóng mới xây được 2 năm của nhà chị Võ Thị Hằng (34 tuổi, thôn Mỹ Quang Nam) đã bị sóng đánh vỡ một bên góc. "Năm nào nhà tôi cũng đắp kè, be bờ nhưng chẳng ăn thua gì. Chuẩn bị vào mùa mưa bão, không có kè chắn sóng thật sự ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ triều cường nuốt mất nhà", chị Hằng than thở.
Tường chắn sóng nhà dân bị sóng đánh xiêu vẹo, vỡ một góc
ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN
Theo ngư dân địa phương, từ nhiều đời nay, người dân đã đầu tư tàu cá, thiết bị kỹ thuật, ngư cụ hành nghề đánh bắt, chế biến hải sản để mưu sinh nên không thể di dời đến nơi khác sinh sống, mà phải bám trụ làng biển nơi này.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch UBND xã An Chấn (H.Tuy An), cho biết: "Mỗi khi mùa mưa bão về, nhiều hộ dân có nhà sát biển lại thêm nỗi lo triều cường xâm thực, đánh vào nhà, uy hiếp đến tính mạng và tài sản. Để hỗ trợ người dân, địa phương luôn chủ động be bờ, đắp kè, khắc phục sự cố, nhưng về lâu dài, bà con ở khu vực này rất mong mỏi sớm hoàn thành đoạn kè còn lại để ổn định cuộc sống".
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án xử lý khẩn cấp, khắc phục sạt lở bờ biển An Mỹ - An Chấn. Phương án tuyến công trình sẽ bám theo bờ biển hiện trạng, đấu nối công trình hiện hữu và bảo vệ khu dân cư với tổng chiều dài 1.800 m, bao gồm 2 đoạn kết nối với bờ kè An Chấn đã xây dựng kéo dài về phía nam đến giáp sông Đồng Nai với chiều dài gần 700 m, về phía bắc đến Gành Bà với chiều dài hơn 600 m và một đoạn khu vực từ Gành Dưa (thôn Giai Sơn, xã An Mỹ) kéo dài về phía nam dài 500 m. Thời gian thực hiện từ 2024 - 2026.
Sao chép thành công