Báo điện tử Pháp luật Việt Nam,

Khuyến nông Hà Nội: Bứt phá sau 9 tháng, tạo đà phát triển nông nghiệp bền vững

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 11:31:41 24/09/2024 theo đường link https://baophapluat.vn/khuyen-nong-ha-noi-but-pha-sau-9-thang-tao-da-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-post526309.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra mô hình Khuyến nông trồng trọt sau cơn bão số 3 tại huyện Phúc Thọ.
Nam miền Bắc
Nam miền Bắc
Nữ miền Bắc
Nữ miền Nam
Nam miền Nam
(PLVN) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã ghi dấu với nhiều thành tựu quan trọng trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững. Từ việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến liên kết tiêu thụ sản phẩm, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp thủ đô.
Triển khai thành công 18 mô hình khuyến nông
Theo Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội), trong 9 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã xây dựng và triển khai thành công 18 mô hình khuyến nông, trong đó có 10 mô hình về trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi và 4 mô hình thủy sản. Các mô hình này tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như: phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, cấp giấy chứng nhận; Phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; Phát triển cơ giới hóa; Nuôi thủy sản lồng bè...
Trong lĩnh vực trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai 8 mô hình. Trong đó, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, với quy mô 100 ha đã cho ra những kết quả nhất định. Đặc biệt, vụ Xuân đã áp dụng thành công trên 50 ha với các giống lúa TBR225 và HD11. Nhờ được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất từ 60 – 69,4 tạ/ha, cao hơn từ 10 – 20% so với phương pháp truyền thống. Toàn bộ sản phẩm đã được doanh nghiệp bao tiêu với giá từ 7.000 – 7.800 đồng/kg thóc tươi, giúp nông dân tăng thu nhập và ổn định đầu ra.
Mô hình sản xuất mạ khay, cấy lúa bằng máy cũng được triển khai trên diện tích 170 ha trong 2 vụ. Vụ Xuân với 85 ha đã cho năng suất từ 61 – 68,6 tạ/ha, cao hơn 10% so với cách gieo cấy truyền thống. Mô hình này không chỉ giúp giải phóng sức lao động mà còn đảm bảo sản xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tăng giá trị kinh tế.
Bên cạnh đó, mô hình thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 19,7 ha cũng đã đạt được nhiều thành công. Dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, nhưng cây bưởi vẫn sinh trưởng tốt, quả to đều, đảm bảo chất lượng, dự kiến thu hoạch từ tháng 11 – 12/2024.
Ngoài ra, mô hình trồng hoa sen giống mới và mô hình sản xuất nấm ăn theo hướng công nghiệp cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Dù bị ảnh hưởng bởi thời tiết, một số điểm mô hình vẫn cho thu hoạch tốt, như mô hình sen ở Thạch Thất với 6 tấn hạt sen tươi và 20.000 bông hoa sen. Mô hình sản xuất nấm cũng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, với 19.800 kg nấm tươi được thu hoạch trong 33 ngày từ 30 tấn nguyên liệu.
Về chăn nuôi, mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã triển khai thành công với quy mô 170 con bò cái giống Zebu và các giống lai. Sau hơn 1 năm triển khai, đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%, tỷ lệ động dục trên 90%, trong đó 100 con đã được xác định có chửa. Tương tự, mô hình chăn nuôi gà lông màu theo hướng VietGAP với 15.000 con gà Mía lai đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng thịt, đảm bảo sức khỏe cho đàn gà và sẵn sàng cung cấp cho thị trường.
Trong lĩnh vực thủy sản, Trung tâm đã triển khai 4 mô hình, bao gồm nuôi cá chép V1 và cá rô phi theo VietGAP trên diện tích 25 ha. Đàn cá khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, với trọng lượng đạt từ 640-660 gram/con. Các mô hình như nuôi cá-lúa, nuôi thủy sản lồng bè và nuôi cá đặc sản cũng đều mang lại những kết quả tích cực, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Nỗ lực vượt khó, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững
Dù đã đạt được nhiều thành tựu trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên Trung tâm Khuyến nông Hà Nội vẫn gặp phải không ít khó khăn, chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết. Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây ra mưa lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều diện tích lúa vụ Mùa và các vườn bưởi bị đổ ngã, khiến năng suất dự kiến bị giảm.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc thủy sản tại huyện Mỹ Đức.
Riêng mô hình sản xuất sen tại Mỹ Đức, nhiều điểm mô hình đã bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ kéo dài, gây ngập úng và thối thân, khiến cây không thể phát triển, sen trong giai đoạn thu hoạch cũng không thu hoạch được nữa, nhất là điểm mô hình tại Mỹ Đức. Mô hình sản xuất rau theo VietGAP cũng gặp nhiều trở ngại khi một số diện tích trồng hành lá và cải Đông Dư bị ngập nước, gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trước những khó khăn này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã lên kế hoạch triển khai các biện pháp khắc phục, từ việc gieo giống để kịp thời sản xuất khi thời tiết thuận lợi, trồng lại các loại cây dược liệu, chăm sóc lại các diện tích bị thiệt hại đến việc điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung vào việc đánh giá, tổng kết các mô hình còn lại, tiếp tục hỗ trợ các mô hình như: Tiếp tục triển khai mô hình Chăn nuôi bò sinh sản năm 2024-2025 với quy mô 40 con; Xuất cấp hỗ trợ giống, vật tư từ đầu tháng 10/2024 cho mô hình Chăn nuôi lợn thương phẩm...
Bên cạnh đó, tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội. Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm đã phối hợp với JICA tổ chức nhiều lớp tập huấn về VietGAP và khảo sát thị trường cho các hợp tác xã, qua đó cải thiện phương thức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Sao chép thành công