Nội dung liên quan Trung Quốc, Tin Quốc Tế
Báo Tin Tức,
Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế, Thương mại Việt Nam – Trung Quốc
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
06:31:33 30/09/2024
theo đường link
https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-hop-lan-thu-13-uy-ban-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-20240929194251134.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Sáng 29/9, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bắt tay nhau trước khi đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Thành Dương/PV TTXVN tại Trung Quốc. Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, cùng dự kỳ họp, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai; đại diện Văn phòng Chính phủ cùng các đơn vị của Bộ Công Thương. Về phía Trung Quốc có Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Phi, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Thương mại và lãnh đạo Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Phát biểu tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào hoan nghênh, đánh giá cao ý nghĩa chuyến công tác và làm việc tại Trung Quốc của Đoàn công tác Bộ Công Thương Việt Nam, là minh chứng cụ thể về vai trò ngày càng quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung đối với nền kinh tế mỗi nước; đề xuất phía Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng, chú trọng triển khai các văn kiện hợp tác đầu tư và sáng kiến kinh tế số - phát triển xanh đã được hai bên thống nhất; đề nghị Việt Nam có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển các dự án điện, hợp tác khu công nghiệp...; kiến nghị giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, trong đó có việc đàm phán và ký kết văn kiện hợp tác thương mại nông sản, tăng cường hợp tác thương mại điện tử, tăng cường trao đổi về tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp của sản phẩm xuất nhập khẩu, giải quyết thỏa đáng các vụ điều tra chống bán phá giá... Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh kỳ họp lần này hết sức kịp thời, nhằm quán triệt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào trung tuần tháng 8/2024 vừa qua; nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Vương Văn Đào, khẳng định hai bên cần tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng, trong đó ưu tiên hợp tác về kinh tế số, phát triển xanh; thông báo Chính phủ Việt Nam quan tâm và ban hành một số cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển xe ô tô điện như chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô điện... Theo đó, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đánh giá cao đề xuất của Bộ trưởng Vương Văn Đào về sáng kiến thúc đẩy hợp tác khu công nghiệp, nhấn mạnh đây cũng là những lĩnh vực mà Trung Quốc có kinh nghiệm, Việt Nam có nhu cầu, hai bên cần nghiên cứu mở rộng ra thành mô hình mới của Khu hợp tác kinh tế qua biên giới theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Liên quan đến đề xuất hợp tác khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và các đề xuất khác của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ Công Thương ủng hộ các doanh nghiệp hai bên tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn, cùng ứng phó với tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Trung Quốc giải quyết các vấn đề hai bên quan tâm. Toàn cảnh Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Thành Dương/PV TTXVN tại Trung Quốc Tại kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất 6 giải pháp mới để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại song phương hai nước Việt Nam - Trung Quốc: Thứ nhất, đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt. Hai bên tăng cường hợp tác, đảm bảo thông quan thông suốt tại các cửa khẩu; phối hợp phân luồng thông quan hàng hóa, thông báo trước cho nhau thông tin thông quan đối với các sản phẩm cơ điện, nông thủy sản, trái cây và các hàng hóa khác… Đề nghị phối hợp phân luồng hàng hóa cân bằng và hiệu quả giữa các cửa khẩu biên giới đất liền. Nghiên cứu, triển khai các mô hình hợp tác giữa các khu công nghiệp, tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn nữa, nâng cao tính bổ sung lẫn nhau giữa các khu công nghiệp hai bên. Thứ hai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới. Hai bên thúc đẩy mở mới các địa điểm chỉ định giám sát hải quan đối với trái cây, nông sản, lương thực tại các cửa khẩu đường bộ và đường sắt có đủ điều kiện; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục, sớm khởi công xây dựng cầu biên giới tại Bản Vược (Lào Cai) - Bá Sái (Hà Khẩu); sớm tổ chức Lễ công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế... Thứ ba, thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản. Đề nghị, phía Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam bao gồm các quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả, đồng thời sớm hoàn tất việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với một số trái cây đã được xuất khẩu theo diện truyền thống. Thứ tư, thúc đẩy khai thác các tuyến container đường sắt. Đề nghị cùng chỉ đạo, định hướng các cơ quan hữu quan hai bên tăng cường phổ biến thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng tuyến vận tải container đường sắt Việt - Trung. Thứ năm, nghiên cứu mô hình mới để triển khai Khu Hợp tác kinh tế qua biên giới Thứ sáu, thúc đẩy thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc. Phản hồi về các đề xuất của phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào khẳng định sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng mối quan hệ hợp tác với các địa phương có thế mạnh kinh tế cũng như thúc đẩy mối quan hệ giữa các địa phương hai nước; cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ nhiều hàng hoá xuất khẩu khác của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Cũng tại kỳ họp, hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm và đạt được nhiều nội dung đồng thuận, góp phần gia tăng sự hiểu biết, sự tin cậy lẫn nhau. Hai Bộ trưởng tin rằng, kết quả và sự thành công của kỳ họp sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để hai bên có thể triển khai hiệu quả phương hướng hợp tác theo chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc, góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thức cho nhân dân hai nước, đồng thời có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Những kết quả của kỳ họp cũng sẽ được hai bên báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai nước và chuẩn bị cho các hoạt động đối ngoại quan trọng sắp tới của hai Đảng và hai nhà nước. Thành Dương - Quang Hưng (TTXVN)