Báo Khánh Hòa điện tử,

KỶ NIỆM 161 NĂM NGÀY SINH BÁC SĨ ALEXANDRE YERSIN (22-9-1863 - 22-9-2024): Alexandre Yersin sống mãi trong trái tim người ái mộ

Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
GIANG ĐÌNH
Tuy đã qua hơn 8 thập niên chia tay người dân Nha Trang - Khánh Hòa để về miền mây trắng, nhưng tình cảm, ân nghĩa của bác sĩ A.Yersin vẫn sâu đậm trong trái tim các thế hệ những người ái mộ ông. Chúng ta vẫn thân mật gọi ông là ông Năm Yersin, người công dân danh dự của Việt Nam đã dành trọn cuộc đời mình để mang đến những điều tốt đẹp cho nhân loại và cho người dân Khánh Hòa.
Lãnh đạo tỉnh và người dân Khánh Hòa đến viếng mộ bác sĩ A.Yersin.
Chân dung của một vĩ nhân
Bác sĩ A.Yersin sinh ngày 22-9-1863, tại làng La Vaux, hạt Valid, Thụy Sĩ. Ông là bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học, nhà nông học, nhà thám hiểm nổi tiếng trên thế giới. A.Yersin còn là một trong những học trò xuất sắc của nhà bác học Louis Pasteur; viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp và Viện Hàn lâm Y học Pháp. Năm 1891, trong hành trình viễn du đến miền Viễn Đông, bác sĩ A.Yersin đặt chân lên mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa, lúc đó còn là một làng chài nhỏ ven biển. Từ cái nhìn đầu tiên, ông đã “bén duyên” với nơi đây và quyết định chọn Nha Trang - Khánh Hòa làm nơi sinh sống, làm việc cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Sau khi đến Nha Trang, ông vẫn tiếp tục hành trình đầy sôi nổi của một người trẻ yêu thích khám phá những điều mới lạ và cống hiến những điều giá trị cho cuộc sống. Năm 1893, ở tuổi 30, ông đã khám phá ra cao nguyên Langbiang (TP. Đà Lạt ngày nay). Năm 1894, bác sĩ A.Yersin đã cộng tác với nhà vi khuẩn học Emile Roux tìm ra bạch tố bạch hầu; nghiên cứu thành công thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét từ cây canh-ki-na do chính ông di thực vào Việt Nam; cũng trong năm này, bác sĩ A.Yersin đã trở thành người đầu tiên tìm ra vi khuẩn dịch hạch được đặt tên vi khuẩn Yersinia Pestis và nghiên cứu điều chế huyết thanh chữa trị bệnh này. Năm 1895, bác sĩ A.Yersin sáng lập Viện Pasteur Nha Trang; năm 1902, thành lập Trường Y khoa Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội) và trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường này. Từ năm 1905 đến 1918, ông được cử làm Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn, đại diện Viện Pasteur ở Đông Dương, Tổng Thanh tra, Giám đốc Viện Pasteur Paris. Ngoài công tác y học, bác sĩ A.Yersin còn có công lớn trong việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi và khí tượng thủy văn.
Góc cà phê do các trẻ em khuyết tật được Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin hỗ trợ dạy nghề thực hiện.
Ngày 28-9-1990, di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin gồm: Thư viện Viện Pasteur (TP. Nha Trang), chùa Linh Sơn và mộ Yersin (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia. Ngày 20-3-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 699, bổ sung điểm di tích Nhà làm việc của nhà bác học Alexandre Yersin tại đỉnh Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) vào di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã truy tặng bác sĩ A.Yersin danh hiệu Công dân danh dự Việt Nam.
Tại xóm Cồn ở Nha Trang, ngôi nhà của bác sĩ A.Yersin là nơi khám bệnh, chữa trị miễn phí cho người dân nghèo, cũng là điểm trú ngụ của dân làng mỗi khi có giông bão. Ông thường theo dõi thiên văn, khí tượng để dự báo thời tiết, giúp ngư dân đi biển được an toàn. Đến hôm nay, người dân Nha Trang - Khánh Hòa vẫn truyền nhau những câu chuyện cảm động, giản dị, đầy lòng nhân ái của bác sĩ A.Yersin. Năm 1898, bệnh dịch tả xuất hiện ở xóm Cồn, hơn nửa năm, ông dành mọi nỗ lực để ngăn chặn, cứu giúp người dân nơi đây thoát khỏi bệnh dịch hiểm nghèo. Ông ghi rất tỉ mỉ tình hình bệnh trạng, hiện tượng bất thường, kết quả qua 2 lần khám trong ngày; có những bệnh nhân chẳng may chết, ông cẩn thận ghi cả ngày, giờ. Tất cả sự tận tụy đó xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, lòng nhân hậu của ông Năm Yersin đối với người dân lao động nghèo. Ông cho dựng cột trụ cao trên nóc nhà treo bù báo hiệu gió to và bão để ngư dân biết không cho thuyền ra biển hoặc tìm nơi tránh trú an toàn. Tháng 11-1939, có một cơn bão đổ bộ vào Nha Trang, ông đã đưa người dân đến trú ở khu vực nhà mình nhằm đảm bảo an toàn.
Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi.
Trong những năm cuối đời, bác sĩ A.Yersin càng có nhiều thời gian gần gũi với người dân Nha Trang. Ông yêu mến trẻ con, giúp đỡ người già đau yếu, quan tâm đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Thỉnh thoảng ông chiếu cho người dân xem những phim tài liệu thế giới, phim khoa học, phim hài Charlot… Tấm lòng của ông đã được người dân đón nhận và xem ông là ân nhân, nên khi ông mất, người dân bỏ đi biển, thương khóc, chịu tang, đi viếng, tiễn đưa đông đảo, có người lập bàn thờ ông theo phong tục của người Việt Nam. Hiện nay, bài vị của ông vẫn được thờ trong chùa Linh Sơn Pháp Ấn (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm).
Lan tỏa tinh thần bác sĩ A.Yersin
Ngày 11-11-1992, Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin tỉnh Khánh Hòa chính thức được thành lập. Trong suốt hơn 30 năm qua, hội đã trở thành cầu nối để lan tỏa tinh thần bác sĩ A.Yersin đến các thế hệ người dân Khánh Hòa, bạn bè gần xa. Theo ông Đống Lương Sơn - Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa, trong 32 năm hoạt động, hội luôn phát triển không ngừng trên lĩnh vực nhân văn, khoa học, nhân đạo và có ảnh hưởng, uy tín rộng lớn trong và ngoài nước. Hội đã làm tốt công tác đối ngoại, kết nối nhiều tổ chức quốc tế và cá nhân nhằm phát huy tài sản quý giá mà bác sĩ A.Yersin để lại; phối hợp với các cơ quan báo chí, đài truyền hình trong nước, quốc tế sản xuất nhiều bộ phim, sách báo về bác sĩ A.Yersin bằng 2 ngôn ngữ Việt và Pháp. Hội có nhiều hoạt động góp phần chăm lo cho người nghèo, giúp đỡ người dân những vùng bão lụt khó khăn. Phòng khám từ thiện của hội tại số 11 Sinh Trung, TP. Nha Trang thường xuyên đón tiếp những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đến khám và nhận thuốc miễn phí. Hàng năm, mỗi dịp lễ, Tết, hội tặng nhiều phần quà cho các gia đình nghèo; tặng xe đạp, học bổng Yersin để nâng bước học sinh nghèo học giỏi trên đường đến trường…
Không gian trưng bày hình ảnh về bác sĩ A.Yersin tại Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang.
Bà Trần Thị Ngọc Liên - Phó Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh cho biết, từ năm 2008, hội đã đứng ra đỡ đầu trẻ khuyết tật đang học và phục hồi chức năng tại trung tâm. Kể từ đó đến nay, hội thường xuyên vận động mạnh thường quân nhận đỡ đầu các em ở trung tâm với tinh thần “mỗi cá nhân hỗ trợ một trẻ”; hàng tháng, hội chuyển kinh phí đỡ đầu cho trung tâm. Đầu năm 2022, hội đã tổ chức khai giảng lớp đầu tiên dạy kỹ năng phục vụ nhà hàng - khách sạn miễn phí cho 14 trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ khuyết tật. Sau khóa học 3 tháng, các em được trang bị những kiến thức cơ bản về phục vụ nhà hàng - khách sạn, pha chế những loại nước giải khát, có em đã được nhận vào làm ở những cơ sở lớn trên địa bàn TP. Nha Trang.
Học sinh xem giới thiệu tem về bác sĩ A.Yersin.
Hiện nay, ở Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng có nhiều công trình trường học, bệnh viện, đường sá, công viên mang tên Yersin. Dự án Bảo tàng A.Yersin cũng đang được triển khai những bước đầu tiên để có thể sớm hình thành trong thời gian tới. Và mỗi năm, đến dịp kỷ niệm ngày sinh của bác sĩ A.Yersin, những người ái mộ, quý trọng ông lại tập trung về để cùng thể hiện tình cảm của mình với ông Năm Yersin.
GIANG ĐÌNH
Sao chép thành công