Nội dung liên quan Xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước
Báo Dân Việt | Đọc Tin Tức Online Nhanh Mới Nhất 24h,
Ký ức Hà Nội: Hoài niệm chiếc xe thồ chở đầy gốm sứ của bố rong ruổi trên phố Hà Nội
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
15:17:39 21/09/2024
theo đường link
https://danviet.vn/ky-uc-ha-noi-hoai-niem-chiec-xe-tho-cho-day-gom-su-cua-bo-rong-ruoi-tren-pho-ha-noi-2024091909304802.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Nguyễn Duy Khánh (Hà Nội) Nhiều người bảo bố tôi chọn nghề gì nhẹ nhàng không chọn đi chọn nghề bán gốm sứ rong, vừa nặng vừa nhọc lại dễ vỡ. Nhưng nào có mấy ai chọn được nghề mà chỉ có nghề chọn người thôi… Bình luận Bố tôi sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em ở vùng ngoại thành. Thuở hàn vi nào đã biết đến phố sá Hà Nội, chỉ nghe thôi chứ chưa từng đặt chân đến. Ấy vậy mà quãng mưu sinh sau này, bố tôi thông thuộc từng ngõ ngách phố cổ, đường ngang lỗi tắt khu vực nội thành. Đến tuổi phải đi tìm cho mình một sinh kế, bố tôi đến làng cổ Bát Tràng có nghề làm gốm sứ trứ danh ven sông Hồng. Mấy nghệ nhân Bát Tràng khuyên bố tôi đi buôn, đi bán, thay vì ngồi nặn đất làm thuê. Chỉ cần sắm sanh một chiếc xe thồ chằng chịt lọ hoa, bát đĩa và các loại con giống gốm sứ, rồi hát rong khắp phố phường Hà Nội có khi kiếm ăn hơn ngồi làm thuê. Nghe thì dễ nhưng thực hiện cũng khó vô cùng. Bố tôi chẳng có đồng vốn nào, may được người làng Bát Tràng tin tưởng cho đóng hàng chịu, khi nào bán được kiếm lời mới quay lại trả. Những xe hàng đầu tiên cứ ế ẩm mãi, vì bố chẳng biết Hà Nội chỗ nào đông người, chỗ nào nhiều khách Xe thồ sứ chất đầy lên như xe rơm và bố tôi như một con kiến chăm chỉ đang cố gồng mình để dắt xe hàng qua những gập ghềnh mưu sinh. Trên cổ bố tôi thường đeo một chiếc khăn mặt dài để tiện lau mồ hôi, chẳng cần giặt mà lúc nào nó cũng ướt sũng. Sau nhiều ngày rong ruổi xe hàng gốm sứ ở khu vực Long Biên – Tây Hồ, bố tôi mới nhận ra rằng cần phải đi theo các cô bán hàng hoa đi vào khu vực phố cổ mới có nhiều khách mua. Thế là, ông xe thồ hàng gốm sứ cứ bám sát hàng hoa đi từ Hàng Tre xuống đến hồ Gươm rồi lại xuyên xuống Phố Huế - Bà Triệu. Nối tiếp tiếng rao êm mượt của các cô hàng hoa là giọng khê khê, đục đục của một người đàn ông hút thuốc lào thâm niên. Cũng may rằng, hàng sứ của bố tôi ít cạnh tranh hơn so với những gánh hoa rong vì ít người bán. Song, hoa thì người Hà thành có thể ngày nào cũng mua thưởng thức còn lọ đến bao giờ bị vỡ họ mới có nhu cầu mua. Bố tôi cũng không thể đi theo mấy cô hàng hoa mãi được. Tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 2 năm 2022, nhiều đơn vị tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) đã mang đến rất nhiều sản phẩm gốm sứ chất lượng cao. Ảnh: Dân Việt. Tuy nhiên hai mặt hàng này vẫn dựa vào nhau mà sống, cứ đến buổi trưa họ không hẹn mà lại gặp nhau ở công viên cùng ngồi nghỉ, ăn vội suất cơm bụi, chợp nhanh cái mắt thâm quầng. Âu cũng toàn người quê lên phố kiếm sống, ở cái thành thị này cứ như vậy là trở thành thân quen như làng xóm láng giềng. Bán hoa cũng khác bán sứ ở chỗ hoa phải cố bán hết trong ngày hoặc chỉ đến hôm sau nhưng sứ thì có thể bán quanh năm không hỏng. Nhưng ngược lại chẳng may xe sứ bị ai đi ẩu đụng vào sẽ coi như mất trắng. Đã không ít lần, người đàn ông vạm vỡ, đen sạm, ít nói như bố tôi phải ngồi ngấn lệ trên góc vỉa hè vì đổ vỡ xe hàng. Có lần chẳng may do xe đi vào ổ gà hoặc chỗ trơn trượt nhưng cũng có lần bị ai đó va phải, cả xe hàng vỡ mất phân nửa nhưng cũng may bố không bị mảnh sứ nào cắm vào người. Người Hà Nội mang nét thanh lịch, tế nhị và đầy hảo sảng, cởi mở. Họ đã gọi hàng thì nhất định sẽ mua. Nhất là đối với hàng gốm sứ, vì mỗi lần tháo ra buộc vào rất phức tạp, rồi chẳng may trượt tay rơi vỡ thì lời lãi chẳng bao nhiêu. Nào lọ cắm hoa huệ, lọ cắm hoa cúc hay cắm những loại hoa nhỏ hơn bố tôi đều có. Lọ cổ loe, lọ cổ dài men ngọc hay men rạn hay kể cả lọ để bàn thờ đều phong phú trên chiếc xe thồ cũ kỹ của bố tôi. Một xe hàng thì có đến nửa xe rơm. Người ta cứ bảo nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa còn bố tôi thì nói, nâng như nâng sứ hứng như hứng gốm cũng chẳng sai tí nào. Năm tháng qua đi, quẩn quanh với cơm áo gạo tiền, mưu sinh ngày nắng đêm mưa bố tôi đã đến cái tuổi lục tuần từ bao giờ. Cũng là chừng ấy năm bố tôi bám lấy nghề đi chăm sóc cho những bình hoa đẹp rực rỡ của người Hà thành. Bố tôi yêu làng Bát Tràng lắm, có ngày đi ra đi vào làng vài lượt và là khách quen của các lò gốm. Vì thế mà bố tôi có thể mua chịu được hàng của bất kỳ nhà nào, còn nói về gốm sứ Bát Tràng thì khỏi phải bàn về chất lượng. Ai chứ dân Thủ đô còn lạ gì chất xương, cách nung và họa tiết của gốm sứ Bát Tràng có muốn nói dối lên, dối xuống cũng chẳng được. Thương hiệu gốm sứ Bát Tràng cứ được những ngưòi như bố tôi lan tỏa một cách âm thầm như thế, ròng rã như thế qua những tháng ngày có phần cơ cực, một nắng sương mai. Giờ siêu thị, cửa hàng tiện ích xuất hiện khắp nơi nơi, những gánh hoa rong hay những xe sứ thùng thình ít còn xuất hiện trên những con phố Hà Nội. Bố tôi cũng đã lui về quê chăm mảnh vườn, luống rau không còn những buổi đạp xe hàng sứ nặng đến vài tạ lên xuống đê, leo dốc sông Hồng, không còn những tiếng rao vào buổi ban sớm hay những buổi tối nhá nhem mặt người trở về mệt giũ trong mái tranh nghèo. Đợt con đường gốm sứ mới được khánh thành bố tôi vui lắm cho dù chẳng phải người làm ra con đường này. Ngày nào bố tôi cũng phải rong xe hàng đi qua và tự hào nói rằng đây là gốm sứ Bát Tràng, làng nghề đã gần nghìn năm tuổi mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Cả một cuộc đời bố tôi đã đi đến chặng cuối. Mỗi lần thấy con cháu lên Thủ đô làm việc, học tập, bố tôi lại hỏi thăm phố này giờ thế nào rồi, thay đổi gì không? Đôi lúc cũng thấy nhớ phố ra phết! Với bố tôi Hà Nội là cả một vùng trời kỷ niệm, biết bao con người Thủ đô đã từng mua hàng của bố tôi, những đồng tiền lẻ đó đã giúp những người quê như bố tôi có tiền nuôi con cái trưởng thành, học hành nên người. Thế nên, mỗi lần thấy những phận người bán hàng rong trên phố được chiếu trên truyền hình, ánh mắt bố tôi lại tràn đầy hoài niệm nhớ về một thời ta đã từng… Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh. Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: [email protected] hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.