Nội dung liên quan Phường Kim Liên, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước
Báo Quân đội Nhân dân,
Ký ức hào hùng về Ngày tiếp quản Thủ đô của Đại tá Phạm Minh Nghĩa
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
12:45:56 07/10/2024
theo đường link
https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/ky-uc-hao-hung-ve-ngay-tiep-quan-thu-do-cua-dai-ta-pham-minh-nghia-797602
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Dù đã gần bước sang độ tuổi 90 nhưng Đại tá, cựu chiến binh Phạm Minh Nghĩa, sinh năm 1935 (tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) vẫn nhớ rõ từng chi tiết về Ngày tiếp quản Thủ đô cách đây 70 năm. Mỗi khi nhắc lại sự kiện lịch sử này, ông không khỏi bồi hồi và xúc động. Tôi tìm đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên Đại Lộ Thăng Long (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) vào một ngày cuối tháng 9 vì được biết nơi đây sẽ đón tiếp một vị khách đặc biệt ghé thăm, đó chính là Đại tá, cựu chiến binh Phạm Minh Nghĩa, nguyên trợ lý tác chiến Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong, nay là Sư đoàn Bộ binh 308, Quân đoàn 12). Đại tá, cựu chiến binh Phạm Minh Nghĩa tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Năm 1949, khi mới 14 tuổi, ông đã tham gia làm liên lạc cho Tiểu đoàn Bạch Đằng tại Quảng Yên (nay là thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Đầu năm 1954, Phạm Minh Nghĩa được bổ sung về Đại đoàn 308 để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò trợ lý tác chiến. Sau đó, ông tiếp tục đóng góp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và trở thành phóng viên tại Tạp chí Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu và nghỉ hưu vào năm 1989. Mở đầu cuộc trò chuyện, Đại tá Phạm Minh Nghĩa đã hát vang lời bài hát “Tiến về Hà Nội” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác cho chúng tôi nghe: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố/ Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh... Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/ Như mùa xuân xuống cành, đường nghe gió về/ Hà Nội bừng tiến quân ca”. Bài hát này đã theo bước chân những đoàn quân vào giải phóng Thủ đô 70 năm trước. Trong buổi trò chuyện tại không gian trưng bày về Ngày tiếp quản Thủ đô ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tá Phạm Minh Nghĩa nhớ lại chi tiết khi hành quân vào Hà Nội: “Những ngày trước đó, đoàn quân chúng tôi phải hành quân bí mật vào ban đêm, qua các địa danh quen thuộc như Cầu Giấy, Hà Đông,… nhưng phải chờ đến ngày 10-10-1954 mới được tự do tiếp cận nhân dân. Dân chúng thì háo hức, đứng thập thò bên đường, muốn được nhìn thấy bộ đội, nhưng quân đội khi ấy vẫn phải tuân thủ lệnh không tiếp xúc. Đến sáng 10-10-1954 đoàn quân đã sắp xếp đội hình ngay ngắn, kiểm tra lại tất cả những trang bị quân đội cho thống nhất tại đường Cầu Giấy để chuẩn bị buổi chiều đi vào sân Cột cờ mít tinh. Lúc bấy giờ, người dân đứng chật kín hai bên đường và trên những ban công tòa nhà, reo hò, vẫy tay chào đón đoàn quân. Có những người mẹ một tay bế con, một tay cầm cờ vẫy, thanh niên thì vui mừng, hò reo vẫy gọi “Bộ đội Cụ Hồ đẹp quá”, “Anh bộ đội ơi”,… thậm chí nhiều người chạy theo níu áo bộ đội một vài bước rồi mới rời ra được. Những khẩu hiệu “Hoan hô bộ đội vào giải phóng Thủ đô”, “Mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ” được treo khắp nơi, làm cho không khí trở nên sôi động và hân hoan”. “Chúng tôi nhìn thấy người dân ăn mặc rất đẹp, dường như đồng bộ với nhau, áo dài đủ màu sắc, quần trắng, tóc uốn xoăn. Cả đoàn cứ thì thầm với nhau: “Không biết có phải lai Tây không mà tóc xoăn thế nhỉ?”. Có mấy anh lớn tuổi hơn, hiểu biết hơn liền giải thích: “Đó là kiểu tóc phi dê đấy”, (tóc phi dê là phiên âm tiếng Việt của chữ tóc “frisés” tiếng Pháp). Hồi đó chúng tôi còn không biết tóc phi dê là gì, ai cũng tò mò bàn tán”, cựu chiến binh Phạm Minh Nghĩa bộc bạch. Lúc bấy giờ, bộ đội đi đến đâu thì nhân dân đi theo đến đó, thậm chí muốn đi theo cũng không đi được vì đường chật kín hết. Đoàn quân khi đến ngã tư Nguyễn Thái Học đã chia làm 2 ngả, một bộ phận đi thắng tiến về phía phố Tràng Thi, một bộ phận rẽ vào phố Hùng Vương để đi vào sân Cột cờ. Đoàn quân tiến vào sân Cột cờ, các cơ quan đoàn thể đã có mặt từ trước, vị trí dành cho bộ đội đã được bố trí sẵn. Những người lính xếp vũ khí ra phía trước rồi tạo thành đội hình để tham gia buổi mít tinh. Trên đỉnh Cột cờ Hà Nội, lá cờ đỏ sao vàng lớn tung bay phấp phới trong gió, mọi người ngước lên nhìn đầy tự hào. Khi buổi mít tinh bắt đầu, bác sĩ Trần Duy Hưng tuyên bố: "Cán bộ chính phủ xa nhân dân 9 năm, bây giờ trở lại với đồng bào Thủ đô". Lời phát biểu ấy được nhân dân hò reo, vỗ tay không ngớt, những đợt vỗ tay kéo dài liên tiếp trong nhiều giây, tạo nên không khí vô cùng trang trọng và đầy cảm xúc. Những người lính đứng trong đội hình cảm thấy vô cùng xúc động khi nghe lời phát biểu. Ngay sau đó, tiếng nhạc Quốc ca vang lên, cả khu vực Cột cờ im lặng hoàn toàn, không một tiếng động. Đây là lần đầu tiên sau 9 năm kháng chiến, Quốc ca được cất lên giữa lòng Thủ đô và cũng là lần đầu tiếng Quốc ca vang lên bằng kèn đồng, âm thanh vang vọng, rõ ràng và đầy xúc cảm. Nhân dân lúc ấy không giấu nổi sự xúc động. Tiếp theo, bài nhạc "Hồn tử sĩ" vang lên, mang theo giai điệu buồn thương, tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc để có được ngày giải phóng hôm nay. Tâm trạng của mọi người, cả nhân dân cùng bộ đội đều tràn ngập cảm xúc, nhớ thương những người đã nằm xuống, nhưng cũng hân hoan trước giờ phút chiến thắng vẻ vang. Những hình ảnh, âm thanh và cảm xúc ấy vẫn sống động trong ký ức của Đại tá Phạm Minh Nghĩa. Ông xúc động chia sẻ: “70 năm Giải phóng Thủ đô so với lịch sử đất nước chưa phải là dài, nhưng 70 năm đó so với một cuộc đời con người đủ để chứng kiến biết bao thay đổi, biết bao thăng trầm của đất nước. Đối với tôi và những đồng đội, sự kiện này không chỉ là một cột mốc lịch sử mà còn là sự khép lại của một thời kỳ chiến tranh, mở ra một thời kỳ hòa bình và phát triển mới. Chúng tôi tự hào vì đất nước không còn giặc và được sống trong hòa bình”.