Báo điện tử Kinh tế & Đô thị,

Kỳ vọng nghề kim hoàn đậu bạc Định Công

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 14:54:57 30/09/2024 theo đường link https://kinhtedothi.vn/ky-vong-nghe-kim-hoan-dau-bac-dinh-cong.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Thảo Chi
Chia sẻ
Kinhtedothi - Người dân Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kỳ vọng việc nghề kim hoàn Đậu bạc Định Công được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu "Nghề truyền thống Hà Nội" sẽ tạo cơ hội cho những sản phẩm tinh xảo này phát triển hơn nữa.
Đền thờ Tổ nghề Đậu bạc Định Công. Ảnh AT
Ngày 21/8/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định số 4383/QĐ-UBND công nhận danh hiệu "Nghề truyền thống Hà Nội" - nghề kim hoàn đậu bạc Định Công. Đây là niềm vinh dự cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Định Công, ghi nhận sự nỗ lực gìn giữ và phát triển sản phẩm làng nghề có bề dày 1.500 năm này.
Tứ trụ tinh hoa làng nghề
Ngày 29/9/2024, chính quyền và người dân phường Định Công long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” - nghề kim hoàn đậu bạc Định Công.
Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2024) của quận Hoàng Mai.
Sản phẩm đậu bạc ở Định Công có nét đặc trưng riêng, được chế tác thủ công, thể hiện sự tinh hoa của người thợ. Bao đời nay, dân gian thường truyền tai nhau câu ca: “ Lĩnh hoa Yên Thái/ Đồ gốm Bát Tràng/ Thợ vàng Định Công/ Thợ đồng Ngũ Xã ” để nói về tứ trụ tinh hoa làng nghề của kinh thành Thăng Long.
Theo truyền thuyết, vào thời Lý Nam Đế ở thế kỷ thứ VI, tại làng Định Công có ba anh em là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền. Với niềm đam mê và đức tính cần cù, chịu khó, họ đã học được nghề làm vàng bạc và mở cửa hàng lấy tên là “kim hoàn”.
Để ghi nhớ công ơn, dân làng Định Công đã lập đền thờ ba anh em họ Trần và vào ngày 12/2 âm lịch hàng năm tổ chức lễ hội tri ân ba vị tổ nghề rất trang trọng.
Lãnh đạo quận Hoàng Mai chúc mừng Đảng ủy, chính quyền và các nghệ nhân Định Công. Ảnh AT
Người làm nghề đậu bạc đòi hỏi phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản là trơn, đấu, chạm, đậu. Đồng thời, mỗi sản phẩm đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay, hàn luột, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng với nhau.
Đầu tiên là nấu chảy bạc nguyên liệu thành các thanh, khi đổ thanh phải đều, trơn và không bị vón cục để khi cán không bị gãy, vỡ vụn. Sau đó, đưa các thanh bạc vào máy cán cho phẳng, mịn và không đứt đoạn. Đặc biệt, quá trình cán bạc phải được nướng thường xuyên cho bạc mềm.
Bạc được dùng để đậu phải là loại bạc nguyên chất thì mới có thể kéo thành các sợi chỉ với nhiều kích cỡ khác nhau. Công đoạn khó nhất trong đậu bạc là bước dựng hình để tạo nên đường nét cho sản phẩm, bởi mỗi sản phẩm sẽ có hình dáng và kích cỡ khác nhau. Như vậy, người thợ sẽ dựng khung xương trước để định hình sản phẩm.
Sản phẩm tinh xảo của các nghệ nhân Định Công. Ảnh TA
Bên cạnh đó, sử dụng các sợi chỉ se để tạo ra hoa văn, họa tiết và ghép lại với nhau thành từng mảng. Nhiều mảng như thế được đắp vào khung xương và cố định bằng các mối hàn của người thợ tài hoa Định Công.
Sản phẩm của đậu bạc Định Công sau khi được hoàn thiện khi xuất xưởng phải đạt độ tinh xảo cao, các mối hàn không được lộ nếp. Các sản phẩm không chỉ dừng lại ở sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, mà thực sự là một tác phẩm nghệ thuật mang những giá trị tinh túy riêng.
"Nếu như trước đây, những sản phẩm đậu bạc Định Công thường là những cành hoa, chữ Phúc, Lộc, Thọ; xuyến, nhẫn… thì ngày nay, để phục vụ nhu cầu người mua ngày càng tăng với mục đích đa dạng như: chùa Một Cột, Lăng Bác, con thuyền, hình ảnh người phụ nữ. Các sản phẩm đậu bạc Định Công được làm công phu và có kích thước lớn, tính thẩm mỹ cũng cao hơn" - quyền Chủ tịch UBND phường Định Công Lê Thị Thanh Ngà cho biết.
Khôi phục nghề truyền thống
Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 55 - 60% gia đình theo nghề kim hoàn. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, đầu ra của sản phẩm bấp bênh, nên ngay tại “thủ phủ” nghề đậu bạc xưa chỉ còn 2 - 3 hộ gia đình bám trụ được với nghề. Điều này đã khiến cho chính quyền địa phương và những người yêu thích các sản phẩm đậu bạc Định Công vô cùng lo lắng.
Về lý do không có nhiều bạn trẻ thích học nghề đậu bạc, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh cho biết: "Thời gian đào tạo khá lâu, làm các sản phẩm đơn giản cũng mất 2 năm, sản phẩm tinh xảo thì lâu hơn nữa. Khi ra nghề, thời gian hoàn thiện các sản phẩm đơn giản thì vài tiếng. Sản phẩm lâu nhất thì phải lên đến vài ngày. Như tác phẩm con rồng thời Lý cả xưởng đã phải huy động làm trong hơn một tháng mới hoàn thành.
Vì mất nhiều thời gian, cùng với nguyên liệu bạc không hề rẻ nên giá của những sản phẩm đậu bạc cũng tương đối cao. Mỗi sản phẩm đậu bạc bán ra có giá từ khoảng 1 triệu đồng đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng, sản phẩm kén người mua, nên thu nhập thợ không cao, dẫn đến không hấp dẫn các bạn trẻ theo nghề".
Xưởng gia công sản phẩm. Ảnh TA
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng trăn trở: "Ngày hôm nay, chúng ta không chỉ ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước mà còn phải suy nghĩ về tương lai của nghề truyền thống này. Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, nghề kim hoàn đang đối mặt với nhiều thách thức: nguồn nhân lực kế cận ngày càng thiếu hụt, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển nghề đậu bạc Định Công là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết của chính quyền.
Lâu nay, nhiều người có chung suy nghĩ, thợ vàng Định Công đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ nhưng hiện tại nghề này đang thăng trầm và mai một. May mắn, nghề đậu bạc tại Định Công vẫn đang được gìn giữ từ tâm huyết của dòng họ Quách trong làng. Gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường, Quách Tuấn Anh, Quách Văn Hiểu là một bằng chứng của tình yêu làng nghề đậu bạc Định Công".
Nhân dịp phường Định Công đón nhận Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” - nghề kim hoàn đậu bạc Định Công, nghệ nhân Quách Văn Hiểu mong muốn: "Lâu nay, chúng tôi đã và đang giữ nghề, truyền nghề và từng bước đưa nghề đậu bạc có chỗ đứng trên thị trường đồng thời đào tạo những người thợ nghề đậu bạc tự tin sống được bằng nghề, cống hiến cho công chúng những sản phẩm đậu bạc đẹp về mỹ thuật, ý nghĩa về văn hóa, làm đẹp, làm sang cho người sử dụng. Chúng tôi cần được sự ủng hộ hơn nữa của chính quyền phường, quận và Thành phố".
Gian hàng đậu bạc Định Công. Ảnh AT
Thực tế, Quận ủy - HĐND - UBND Quận Hoàng Mai đã và đang có những chính sách hỗ trợ thiết thực như mở lớp đào tạo nghề từ cơ bản đến nâng cao, tuyên truyền giáo dục về giá trị văn hóa của nghề tại các trường học trên địa bàn. Đồng thời, quảng bá sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử để thu hút khách hàng trong nước và quốc tế. Và sản phẩm đậu bạc Định Công thường được Thành phố chọn làm quà tặng cho các tổ chức quốc tế khi đến thăm Thủ đô.
Bí thư Đảng ủy phường Định Công Phạm Hải Bình chia sẻ: "Việc được công nhận danh hiệu "Nghề truyền thống Hà Nội" là cơ hội để nghề kim hoàn đậu bạc Định Công phát triển. Cấp ủy, chính quyền xác định việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống không chỉ giúp nâng cao đời sống kinh tế cho người dân mà còn gìn giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của quê hương".
Đến nay, nhãn hiệu tập thể kim hoàn đậu bạc Định Công được UBND quận Hoàng Mai và Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ độc quyền. Người dân Định Công kỳ vọng việc nghề kim hoàn đậu bạc Định Công được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu "Nghề truyền thống Hà Nội" sẽ tạo cơ hội cho nghề này phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Sao chép thành công