Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hôm nay (1/10), ông Mark Rutte - cựu Thủ tướng Hà Lan, chính thức đảm nhận vai trò Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Với sự nghiệp chính trị kéo dài hơn một thập kỷ và những kinh nghiệm đối ngoại sâu rộng, ông Mark Rutte được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đóng góp quan trọng cho liên minh quân sự lớn nhất thế giới này trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức mới về an ninh.
Tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte là ai?
Euronews ngày 1/10 đưa tin, cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (57 tuổi) đã chính thức tiếp quản vị trí Tổng Thư ký NATO từ người tiền nhiệm Jens Stoltenberg. Phát biểu tại buổi lễ bàn giao diễn ra ở trụ sở NATO tại Brussels (Bỉ), ông Mark Rutte bày tỏ sự cảm kích khi được liên minh tin tưởng giao giữ chức Tổng Thư ký.
Ông Mark Rutte sinh ngày 14/2/1967, tại The Hague, Hà Lan. Ông có bằng thạc sĩ ngành lịch sử học tại đại học Leiden. Ông là lãnh đạo đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD), giữ chức Thủ tướng Hà Lan trong suốt 14 năm (từ tháng 10/2010 - tháng 7/2024) và lãnh đạo bốn chính phủ liên minh khác nhau.
Tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: Alamy
Trước đó, ông từng là giám đốc nhân sự của Unilever - một tập đoàn đa quốc gia về hàng tiêu dùng có trụ sở tại Anh, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề xã hội và việc làm, nghị sĩ của đảng VVD tại hạ viện, quốc vụ khanh phụ trách giáo dục, văn hóa và khoa học.
Sau khi bắt đầu tranh cử vị trí Tổng Thư ký NATO vào tháng 11/2023, ông Mark Rutte sớm được các thành viên chủ chốt của liên minh là Anh, Pháp, Đức và Mỹ ủng hộ. Ông là người theo chủ nghĩa vì châu Âu và ủng hộ thắt chặt quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Theo The Guardian, ông Mark Rutte nổi tiếng với biệt tài đơn giản hóa những điều phức tạp và rất uy tín với khả năng tạo ra sự đồng thuận mà không phải thỏa hiệp với các bên về các giá trị cốt lõi mà ông đã vạch ra. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hà Lan không chỉ phát triển vững mạnh về mặt kinh tế mà còn trở thành quốc gia có tiếng nói quan trọng trong các tổ chức đa phương.
Người tiền nhiệm Jens Stoltenberg bày tỏ tin tưởng, ông Mark Rutte sẽ hoàn thành rất tốt vai trò mới. "Ông ấy biết cách thỏa hiệp, đạt đồng thuận và đây là những kỹ năng rất quan trọng tại NATO. Liên minh sẽ vận hành tốt dưới sự lãnh đạo của ông Mark Rutte", ông Jens Stoltenberg chia sẻ.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khi còn đương nhiệm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đạp xe trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn
Được biết, trong khoảng thời gian giữ cương vị thủ tướng Hà Lan, ông Mark Rutte vẫn duy trì việc giảng dạy môn khoa học xã hội cho học sinh trung học tại trường Johan de Witt. Ông từng chia sẻ rằng ông rất yêu thích những chiếc xe đạp và vẫn đạp xe đi làm nếu như thời tiết cho phép.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2023, hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe dạo qua một số tuyến phố của Thủ đô như Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, đã khiến nhiều người dân ấn tượng.
Kỳ vọng và thách thức
Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 1/10, ông Mark Rutte tuyên bố sẽ đảm bảo việc NATO duy trì các cam kết của liên minh với Ukraine, đặc biệt là "con đường không thể đảo ngược" rằng Kiev sẽ trở thành thành viên của khối. "Bởi vì không thể có an ninh lâu dài ở châu Âu nếu không có một Ukraine mạnh mẽ và độc lập. Vì vậy, chúng ta phải làm phần việc của mình", ông Mark Rutte cho hay.
Ngoài ra, nhậm chức vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang ở giai đoạn nước rút, ông Mark Rutte đánh giá cao cả hai ứng viên gồm bà Kamala Harris của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa - người thường xuyên chỉ trích NATO. Tân Tổng Thư ký NATO khẳng định có thể phối hợp tốt với bất kỳ ứng cử viên nào đắc cử, để liên minh xuyên Đại Tây Dương luôn ở thế sẵn sàng đối phó với những thách thức trong tương lai.
Tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte nhận bàn giao nhiệm vụ từ người tiền nhiệm Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
"Tôi đã làm việc với ông Donald Trump trong bốn năm. Ông ấy chính là người đã thúc đẩy chúng ta tăng cường chi tiêu quốc phòng và ông đã thành công. Hiện tại, mức chi tiêu của NATO cao hơn nhiều so với khi ông ấy nhậm chức. Với ứng viên của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris có thành tích xuất sắc trong vai trò phó tổng thống. Bà ấy là một nhà lãnh đạo được kính trọng, vì vậy tôi tin chắc mình có thể hợp tác với cả hai", ông Mark Rutte nói.
Ông Mark Rutte cũng nhấn mạnh thêm, rằng một trong những ưu tiên khác mà ông vạch ra trong nhiệm kỳ của mình chính là việc thiết lập thêm quan hệ đối tác với các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á và Trung Đông.
Theo Euronews, các quan chức NATO kỳ vọng ông Mark Rutte sẽ duy trì những ưu tiên mà khối này theo đuổi dưới thời người tiền nhiệm Stoltenberg, bao gồm huy động ủng hộ cho Ukraine, thúc đẩy các nước NATO chi nhiều hơn cho quốc phòng và duy trì liên kết vai trò của Mỹ với các vấn đề an ninh châu Âu.
Tương lai của NATO sẽ phụ thuộc nhiều vào những quyết sách của ông Mark Rutte. Tân Tổng Thư ký, trước mắt, cần phải xây dựng một chiến lược toàn diện để tăng cường khả năng phòng thủ tập thể của khối, đồng thời thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong việc chia sẻ thông tin tình báo và phát triển công nghệ phòng thủ mới, thu hẹp khoảng cách năng lực, hướng tới đạt được tất cả các mục tiêu mà khối đã đặt ra.