Nội dung liên quan Xã Phước Hà, Huyện Thuận Nam, Tỉnh Ninh Thuận, Tin Trong Nước
Báo Dân tộc và Phát triển – Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc,
Làng Chăm Hữu Đức hân hoan chào đón Lễ hội Ka tê
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
06:19:35 25/09/2024
theo đường link
https://baodantoc.vn/lang-cham-huu-duc-han-hoan-chao-don-le-hoi-ka-te-1727091355776.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Bá Minh Truyền Lễ hội Ka tê là một trong những lễ hội đặc sắc của cộng đồng người Chăm, diễn ra ở không gian đền tháp, làng và các gia đình; nhằm để tạ ơn các vị thần linh, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, những vị anh hùng dân tộc đã có nhiều công lao to lớn mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho dân làng. Chào mừng Lễ hội Ka tê 2024, tại làng Hữu Đức sẽ diễn ra nhiều hoạt động thể thao, múa tập thể ở sân vận động, biểu diễn nghệ thuật và dâng lễ vật từ ngày 01 - 05/10/2024. Đây là dịp để khách du lịch trong nước và quốc tế tìm về miền di sản văn hóa Chăm trải nghiệm và khám phá. Đại diện các chức sắc Chăm đi đón y trang từ cộng đồng người Raglay ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Jamen Ivan Múa tập thể chào đón đoàn người Raglay rước y trang Từ xa xưa, các đồ vật quý giá dùng để cúng lễ trên đền tháp được người Chăm bàn giao cho cộng đồng người Raglay bảo quản và lưu giữ. Đặc biệt, là bộ y trang mặc dâng lễ vào ngày Lễ hội Ka tê. Do đó, trước hôm diễn ra Lễ hội Ka tê một ngày, cộng đồng người Chăm ở làng Hữu Đức mang cờ, trống, lộng, kiệu võng và cử những chức sắc Po Adhia, ông Kadhar, bà Pajau, ông Camanei cùng với các bô lão, phụ nữ, Người có uy tín trong làng đi đón y trang từ cộng đồng người Raglay ở xã miền núi Phước Hà, huyện Thuận Nam để hành lễ. Đoàn người đón rước y trang trong trang phục truyền thống trang nghiêm, hân hoan, vui mừng tiếp nhận y trang được đựng trong giỏ chiết đan bằng tre. Trên đường về, đoàn rước y trang đi ngang qua làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, được hàng trăm học sinh, thanh niên và phụ nữ đón chào bằng tiết mục múa quạt tập thể. Họ tuy không phải là diễn viên chuyên nghiệp, nhưng bằng niềm đam mê nghệ thuật, niềm vui của ngày hội dân tộc, các diễn viên trình diễn các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc nhất. Từng chiếc quạt được mở tung như cánh bướm mang mùa xuân về. Những làn điệu âm nhạc dân gian Chăm được chính các nghệ nhân dân gian biểu diễn như trống baranâng, trống ginang, kèn saranai, đàn kanyi hòa quyện với tiếng khèn bầu, tiếng mã la của các nghệ nhân Raglay thật du dương, hào hùng thắm đượm tình đoàn kết hai dân tộc Chăm và Raglay. Các chức sắc Chăm và kiệu võng đón rước y trang nữ thần Po Ina Nagar. Ảnh: Jamen Ivan Ông La Văn Điểm, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Katê cho biết: Tổ chức đón mừng Lễ hội Ka tê truyền thống của đồng bào Chăm nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Trong dịp Lễ hội Ka tê làng Chăm Hữu Đức tổ chức giao lưu thể thao, đón rước y trang nữ thần, múa tập thể, chương trình văn nghệ mang chủ đề “Miền đất Panduranga” và các nghi lễ cúng bái theo phong tục, tập quán tín ngưỡng của dân làng. Dâng lễ vật ở đền thờ Po Ina Nagar Ngôi đền thờ Po Ina Nagar tọa lạc ở giữa cánh đồng làng Chăm Hữu Đức. Nơi đây, cộng đồng Chăm thờ nữ thần Po Ina Nagar là người mẹ xứ sở của dân tộc. Nữ thần đã truyền dạy cho người Chăm nghề dệt vải, trồng lúa, đi biển và trao đổi buôn bán. Vì vậy, nữ thần được người Chăm tôn vinh, lập đền thờ, tạc tượng và dâng lễ vật hằng năm vào dịp Lễ hội Katê. Trong ngày Lễ hội Katê, người Chăm và người Raglay cùng đóng góp lễ vật và phối hợp với nhau dâng lễ. Trên các đền tháp Po Klaong Garay, đền tháp Po Ramê và đền thờ Po Ina Nagar diễn ra cùng ngày với các nghi thức mở cửa đền tháp, tắm tượng thần, mặc y trang cho thần và dâng lễ vật. Y trang nữ thần Po Ina Nagar đựng trong giỏ chiết người Raglay mang xuống núi bàn giao cho người Chăm để hành lễ. Ảnh: Jamen Ivan Cộng đồng Chăm khắp nơi hội tụ về các đền tháp để vui chơi ngày hội. Những đứa trẻ được cha mẹ may cho bộ trang phục truyền thống mới tinh, các cụ ông cụ bà mang những bộ trang phục cổ truyền, quấn khăn trên đầu nhiều màu sắc rực rỡ tô điểm cho ngày Lễ hội Katê thêm sống động. Nhịp sống ở làng Chăm Hữu Đức thay đổi theo nhịp điệu trẩy hội vui tươi. Những người phụ nữ mang những tấm vải thổ đẹp nhất dâng lên nữ thần, chuẩn bị các mâm lễ trái cây, trầu cau và rượu trứng. Những gia đình làm ăn khá giả hơn, họ làm 1 cặp gà, 1 con dê chế biến thành món ăn truyền thống dâng lên cho nữ thần. Từ bao đời nay, người Chăm luôn khắc ghi đạo lý sống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Các lễ vật dâng lên nữ thần Po Ina Nagar là những sản vật địa phương nhằm mục đích tạ ơn. Với ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, cây trồng và vật nuôi sinh sôi, nảy nở, con người được bình an và hạnh phúc. Bên cạnh đó, đây là dịp để “trả nợ” thần linh vì lời hứa, lời cầu nguyện được như ý vượt qua được những tai ương, bệnh tật và thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Múa quạt tập thể chào mừng Lễ hội Ka tê. Ảnh: Jamen Ivan Lễ cúng gia tiên mừng Lễ hội Katê Sau khi tiến hành dâng lễ vật ở trên đền tháp xong, mọi người trở về ngôi làng của mình tổ chức Ka tê làng. Tại đây, các gia đình dâng lễ vật cho thần hoàng của làng, cúng cơm ở nhà Cả sư (Po Adhia) và lễ cúng cơm ở gia đình, do dòng tộc tổ chức. Tại làng Chăm Hữu Đức, hằng năm, sau khi cúng lễ Ka tê ở đền thờ Po Ina Nagar, người dân tiếp tục tổ chức dâng lễ vật ở đền thờ Po Klaong Halau như vị thần hoàng của làng, cầu xin thần luôn che chở, phù hộ độ trì cho cuộc sống thường ngày của người dân. Đoàn người Raglay đi qua làng Chăm Hữu Đức. Ảnh: Jamen Ivan Các lễ cúng trên đền tháp, lễ cúng ở làng khép lại thì các dòng tộc được phép cúng gia tiên vào dịp tháng Ka tê. Đại diện một gia đình trong tộc họ xin phép ông Trưởng tộc (Akaok gep) làm nghi lễ cúng cơm cho gia tiên. Các thành viên khác trong tộc họ có nghĩa vụ đóng góp lễ vật và tham gia giúp đỡ gia đình cúng cơm dâng lễ vật cho tổ tiên. Nghi lễ cúng gia tiên của người Chăm khá đơn giản: Chỉ có 2 mâm cỗ bánh và 5 mâm cơm. Tuy nhiên, gia chủ có thể chế biến thêm các món thịt xào, món gỏi và hải sản bổ sung thêm cho phong phú. Lễ cúng gia tiên vào tháng Ka tê là dịp để các thành viên trong tộc họ gặp mặt nhau, chúc tụng lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết tộc họ gắn bó thân thiết. Các thành viên gia đình và tộc họ cùng dùng một bữa cơm cộng cảm và chia sẻ buồn vui, những vất vả, thử thách trong cuộc sống. Các em bé Chăm trong trong phục truyền thống đi chơi Lễ hội Ka tê. Ảnh: Jamen Ivan Lễ hội Ka tê thường diễn ra vào tiết trời mùa thu mát mẻ, công việc đồng áng đã kết thúc, người dân làng Chăm Hữu Đức hân hoan, chào đón vui chơi lễ hội. Dù sinh sống, làm việc, lao động ở đâu người Chăm cũng quay về nguồn cội, “Katê Chăm ở đâu cũng nhớ nhau ngày vui mới ta chớ quên quay về”.