Nội dung liên quan Xã Bách Thuận, Huyện Vũ Thư, Tỉnh Thái Bình, Tin Trong Nước
Báo Lao Động Online,
Làng vườn cây cảnh nổi tiếng ở Thái Bình chưa hết ngập lụt
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
03:24:21 17/09/2024
theo đường link
https://laodong.vn/xa-hoi/lang-vuon-cay-canh-noi-tieng-o-thai-binh-chua-het-ngap-lut-1395002.ldo
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
TRUNG DU Dù nước đã rút, mưa đã tạnh từ mấy ngày qua, thế nhưng đến nay, nhiều thôn ở làng vườn Bách Thuận (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ) vẫn ngập lụt trong nước. Ông Nguyễn Văn Oai - chủ nhà vườn Đức Oai, Giám đốc Hợp tác xã cây cảnh Bách Thuận (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đang kiểm tra cây, hoa. Ảnh: Trung Du Làng vườn khổ trăm bề vì ngập lụt Ngày 16.9, có mặt tại xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), theo ghi nhận của PV Lao Động, nhiều khu vực trên địa bàn xã vẫn còn tình trạng bị ngập lụt cục bộ, nhiều nơi nước vẫn ngập ngang hông người lớn. Bách Thuận từ lâu nay luôn được biết đến là địa phương có nghề trồng cây cảnh, cây hoa, dược liệu, cây ăn quả... nổi tiếng, lớn nhất tại Thái Bình. Do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi và sau đó là hoàn lưu của bão gây mưa lớn cho các tỉnh phía Bắc, hơn 1 tuần nay, làng vườn Bách Thuận bị ngập sâu trong nước. Tình trạng ngập lụt, nước đen có mùi hôi, thối ở thôn Bình Minh, xã Bách Thuận dù mưa đã tạnh, nước sông đã rút. Ảnh: Trung Du Đến nay, dù mưa đã tạnh, nắng đã lên, nước trên sông Hồng chảy quanh qua xã Bách Thuận cũng đã rút nhiều, thế nhưng, tại các thôn như Thuận Nghiệp, Bình Minh và Tiền Phong của xã Bách Thuận vẫn ngập sâu trong biển nước. Tình trạng ngập lụt không những làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương mà còn gây thiệt hại lớn, ước tính con số thiệt hại lên đến nhiều tỉ đồng cho người trồng cây, hoa ở Bách Thuận. Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Oai (sinh năm 1973, trú thôn Bình Minh, xã Bách Thuận) - là chủ nhà vườn Đức Oai, Giám đốc Hợp tác xã cây cảnh Bách Thuận - cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn xã có hàng trăm hộ quanh năm sống bằng nghề gắn với cây cối, hoa lá, những ngày qua, nước ngập sâu, rút chậm, đến nay vẫn ngập đã làm ảnh hưởng đến hầu hết diện tích trồng, chăm sóc cây cối của nhân dân. Những cây cảnh giá trị cao ngâm rễ trong nước nhiều ngày bị ảnh hưởng giá trị nhiều nhất, theo ước tính có nhà thiệt hại nặng nhất phải mất 3-4 tỉ đồng, nhà nào ít cũng phải 200 - 300 triệu đồng. Tuy vậy, vẫn còn may mắn khi hệ thống đê bao, đê bối trong xã được giữ vững, hôm đê bao bị tràn, hợp tác xã chúng tôi đã ủng hộ xã, thôn 1.000 m3 cát để be, đắp đê chống tràn. Có lẽ mấy chục năm mới lụt ngập ghê gớm đến vậy, như nhà vườn của tôi, mọi lần nhà khác ngập, nhà tôi không ngập nhưng đến trận này thì ngập hết". Nhà vườn Đức Oai của gia đình ông Nguyễn Văn Oai ngập sâu trong biển nước. Ảnh: Trung Du Không chỉ thiệt hại cây cối, hoa màu, nước lũ còn khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xã Bách Thuận những ngày qua trở nên khó khăn, vất vả. Theo đó, từ ngày 12.9 đến sáng 16.9, máy bơm hút nước nguồn sông Hồng của nhà máy nước sạch trong xã bị cháy dẫn đến không thể sản xuất, mất nước cung cấp cho người dân. Sau bão số 3 nhiều khu vực trong xã Bách Thuận bị mất điện mãi đến chiều ngày 13.9 mới có thể khắc phục, cấp điện cơ bản trở lại. Anh Trần Ngọc Sơn cùng các mạnh thường quân mua nước uống đóng chai ủng hộ, phân phát cho bà con vùng ngập sâu, thiếu nước uống. Ảnh: Nam Hồng Mong sao nước rút hết thật nhanh "Những ngày qua, tôi và nhiều người con trong xã đã tích cực mua nước uống đóng chai để ủng hộ, phân phát cho bà con thiếu nước uống. Xã cũng đã sử dụng xe bồn bơm số lượng nước còn lại bên trong nhà máy nước sạch để cung cấp cho vùng ngập lụt sâu. Về thiệt hại, gia đình tôi bị chết khoảng vài chục gốc sanh cảnh, ước tính mất khoảng 200 - 300 triệu đồng. Giờ mong muốn lớn nhất của người dân là nước rút hết, càng nhanh càng tốt để bà con khắc phục, thu dọn vườn tược, khôi phục trồng, chăm cây còn sống, ổn định sinh hoạt", anh Trần Ngọc Sơn (sinh năm 1993, trú thôn Tiền Phong, xã Bách Thuận) cho biết. Nhiều gia đình ở thôn Thuận Nghiệp, xã Bách Thuận vẫn ngập sâu trong nước. Ảnh: Trung Du Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Kim Sáu - Chủ tịch UBND xã Bách Thuận - chia sẻ: "Ngay từ khi có lệnh báo động 1 trên sông Hồng, chúng tôi đã triển khai "4 tại chỗ", huy động sức người sức của, cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân quyết liệt bảo vệ 7,5km đê bối giáp sông Hồng. Có thời điểm 3km/7,5km đê bối bị tràn, tất cả mọi người đồng lòng be đắp chống tràn nên đã bảo vệ thành công đê bối, hạn chế nước sông Hồng tràn vào bên trong. UBND xã, các tổ chức đoàn thể được sự hỗ trợ của huyện đã nỗ lực, cố gắng hết sức để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo mở hết các cống qua đê để tháo nước, hy vọng một vài ngày khi nước phía ngoài sông rút xuống Bách Thuận sẽ tiêu hết nước, không còn ngập lụt ở chỗ nào nữa". Vẫn theo ông Sáu, hiện nay, địa phương chưa thể đánh giá cụ thể, chính xác thiệt hại cho cây cối, vườn tược và phải đợi xem sau khi nước rút hết số lượng cây chết, hoa chết là bao nhiêu mới có thể thống kê được. Dưới đây là những hình ảnh PV Lao Động ghi nhận tại làng vườn Bách Thuận ngày 16.9: Thôn Bình Minh là một trong những thôn ngập sâu nhất, nước lẫn lá cây bị thối có màu đen rất bẩn, mùi hôi. Ảnh: Trung Du Cây cảnh, cây hoa ở làng vườn Bách Thuận ngập sâu trong nước. Ảnh: Trung Du Gần như không thể phân biệt giữa ao, vườn khi mưa đã tạnh, nước đã rút được mấy ngày. Ảnh: Trung Du