Báo SGGP Online,

Liên tiếp xảy ra sạt lở, lũ quét: Giải pháp nào để phát hiện sớm?

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 07:24:37 01/10/2024 theo đường link https://www.sggp.org.vn/lien-tiep-xay-ra-sat-lo-lu-quet-giai-phap-nao-de-phat-hien-som-post761508.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Tình trạng sạt lở đất và lũ quét ở miền Bắc và miền Trung có chiều hướng diễn ra ngày càng nghiêm trọng và dồn dập, gây thiệt hại rất nặng nề cả về người và tài sản. Nhiều giải pháp ứng phó sớm đã được các chuyên gia đề xuất.
Lực lượng chức năng ở tỉnh Hà Giang dốc sức tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích sau vụ cả vạt đồi tràn xuống quốc lộ 2, ngày 30-9
Cấu trúc địa chất trở nên mong manh
Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, tình trạng sạt lở kèm lũ quét, lũ ống bắt nguồn từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm đặc điểm địa hình, địa chất cùng tác động của khí hậu mà Việt Nam chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. PGS-TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (thuộc Bộ TN-MT) cũng chỉ ra rằng các đợt sạt lở và lũ quét năm nay không còn tập trung ở một vài địa phương như trước đây mà lan rộng từ Đông Bắc đến Tây Bắc, thậm chí xuống các tỉnh miền Trung như Nghệ An và Thanh Hóa.
Lào Cai và Yên Bái được xem là “điểm nóng” do hội tụ các yếu tố địa hình hiểm trở và hệ thống đứt gãy lớn như đứt gãy sông Hồng và sông Chảy. Hệ thống đứt gãy này làm cho cấu trúc địa chất tại đây trở nên mong manh, khiến đất đá dễ bị nứt nẻ và mềm yếu, tạo điều kiện cho hiện tượng trượt lở xảy ra thường xuyên. Một khảo sát của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho thấy, từ năm 2012 đến 2020, vùng Tây Bắc chiếm tới 61% số điểm sạt lở của toàn miền Bắc. Mặc dù khu vực Đông Bắc có nguy cơ thấp hơn, đợt thiên tai vừa qua cũng gây thiệt hại lớn tại Cao Bằng, với số người chết đứng thứ hai cả nước.
Công tác quản lý và phòng chống thiên tai còn hạn chế
Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng sạt lở đất và lũ quét nghiêm trọng chính là thời tiết ngày càng cực đoan. Ví dụ bão số 3 mạnh cấp 17 có sức tàn phá rất mạnh, đổ bộ vào miền Bắc đúng thời điểm các khu vực miền núi vừa trải qua nhiều ngày mưa lớn. Theo TS Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, hoàn lưu bão này đã kích hoạt hàng loạt vụ sạt lở khi đất trên sườn đồi đã ngậm no nước, dẫn đến tình trạng sụt lún và trượt lở diện rộng.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang có dấu hiệu khắc nghiệt hơn, công tác quản lý và phòng chống thiên tai của Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế. GS-TS Vũ Trọng Hồng nhận xét, công tác chuẩn bị cho mùa mưa bão vừa qua còn chưa đủ toàn diện, dẫn đến những thiệt hại không thể tránh khỏi. Ví dụ, các dòng suối trên núi cần được khơi thông sớm nhưng thực tế chưa được triển khai đầy đủ, dẫn đến trường hợp như vụ sạt lở ở Làng Nủ khi một “túi nước” tích tụ trên đỉnh núi đã cuốn trôi cả ngôi làng dưới chân núi.
Việc thiếu kinh nghiệm và quy trình kỹ thuật về phòng ngừa thiên tai ở địa phương cũng là một vấn đề cần đặt ra. GS-TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, các địa phương mới tập trung xử lý sự cố mà chưa có sự chuẩn bị để phản ứng kịp thời. Địa phương thường thiếu các chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm dẫn đến việc ứng phó không hiệu quả. Thêm vào đó, việc cảnh báo sạt lở và lũ quét vẫn chưa đạt được độ chính xác cao do hệ thống quan trắc còn thiếu, đặc biệt trong việc thu thập dữ liệu về lượng mưa tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Xây dựng bản đồ cảnh báo
Để ứng phó với nguy cơ sạt lở và lũ quét ngày càng khốc liệt, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp. TS Trịnh Hải Sơn nhấn mạnh, Việt Nam cần đầu tư xây dựng các bản đồ nguy cơ sạt lở chi tiết hơn, với tỷ lệ 1/10.000 thay vì tỷ lệ 1/50.000 như hiện nay. Bản đồ chi tiết sẽ giúp xác định chính xác các điểm có nguy cơ cao, từ đó đưa ra cảnh báo theo thời gian thực để người dân sống ở đó nắm bắt được. Hiện nay, các bản đồ tại Việt Nam đã lỗi thời và cần được cập nhật thường xuyên để phản ánh đúng tình trạng hiện tại.
PGS-TS Trần Tân Văn cũng đề xuất sau khi hoàn thành các bản đồ cảnh báo, cần lắp đặt hệ thống trạm quan trắc cố định tại những điểm có nguy cơ cao (hiện còn thưa thớt và hiệu quả dự báo trước còn rất kém). Đồng thời, các trạm quan trắc di động cần được triển khai đến những khu vực có dự báo mưa bão lớn để thu thập dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và phương án ứng phó phù hợp. Đây là cách mà các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện hiệu quả, giúp họ giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Bộ NN-PTNT, giải pháp căn cơ vẫn là bố trí, sắp xếp lại dân cư ở những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao. Cùng với di dời cần phải có bài toán bố trí quỹ đất để tái định cư an toàn, đảm bảo sản xuất lâu dài, bền vững hơn. Nâng cao kỹ năng ứng phó với thiên tai cũng là giải pháp quan trọng giúp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra trong tương lai.
Triển khai ngay flycam phát hiện nguy cơ sạt lở
Ngày 30-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại Hà Giang và ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, lãnh đạo các cơ quan tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả và ứng phó với nguy cơ sạt lở. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT địa phương triển khai ngay các flycam bay quét các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, kịp thời phát hiện các vết để cảnh báo sớm và có biện pháp phòng ngừa, di dời dân cư; đảm bảo an toàn cho các lực lượng cứu hộ. Bộ GTVT phối hợp với địa phương rà soát, cảnh báo sớm các đoạn tuyến giao thông có nguy cơ sạt lở; có phương án phân luồng giao thông để đảm bảo lưu thông hàng hóa, đi lại an toàn cho nhân dân; Bộ TN-MT theo dõi, cảnh báo, dự báo về mưa lũ, thông tin kịp thời về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
LÂM NGUYÊN
Sao chép thành công