Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam,

Lựa chọn các nội dung kiểm toán bảo đảm trọng tâm, trọng điểm

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 14:31:20 25/09/2024 theo đường link https://dangcongsan.vn/thoi-su/lua-chon-cac-noi-dung-kiem-toan-bao-dam-trong-tam-trong-diem-678654.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(GMT+7)
Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Kiểm toán nhà nước cần rà soát kế hoạch kiểm toán năm 2025, lựa chọn các nội dung kiểm toán bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, “trúng và đúng”, đồng thời cắt giảm các nhiệm vụ không cần thiết, trùng lặp với kế hoạch thanh tra.
Chiều 23/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2024 và Kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán nhà nước (KTNN).
Dự kiến thực hiện 120 nhiệm vụ kiểm toán
Báo cáo tại Phiên họp về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn cho biết, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 120 nhiệm vụ (giảm 01 nhiệm vụ so với năm 2024); đồng thời phải đảm bảo kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tối thiểu 90% số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin phấn đấu mục tiêu tỷ lệ 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo tại phiên họp
Đối với từng lĩnh vực cụ thể, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN dự kiến kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 Bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 41 Bộ, cơ quan trung ương bao gồm cả các hội, tổ chức, đạt 98% tương đương 41/42 đầu mối kiểm toán các Bộ, cơ quan trung ương (năm 2024 là 83%, năm 2023 là 68%).
Cùng với đó, kiểm toán tại 61 địa phương, trong đó kiểm toán đồng thời ngân sách địa phương (NSĐP) và báo cáo quyết toán NSĐP năm 2023 tại 22 địa phương; kiểm toán NSĐP tại 4 địa phương và kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP năm 2023 của 35 địa phương. Qua đó kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với lĩnh vực chuyên đề, năm 2025, KTNN lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả hiệu lực thực thi chính sách đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn.
Theo đó, KTNN dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề (chưa bao gồm 02 chuyên đề trong lĩnh vực an ninh quốc phòng), trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng.
Bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp
Thẩm tra dự kiến kế hoạch kiểm toán của KTNN, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025 phù hợp với yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 của UBTVQH ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với nguyên tắc, mục tiêu, định hướng, lĩnh vực kiểm toán theo đề xuất của KTNN và ý kiến của cơ quan thẩm tra.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp
Cơ bản nhất trí với nguyên tắc, mục tiêu, định hướng kiểm toán của KTNN trong năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, KTNN cần lựa chọn các nội dung kiểm toán bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, “trúng và đúng”, đồng thời cắt giảm các nhiệm vụ không cần thiết, trùng lặp với kế hoạch thanh tra.
Cụ thể như, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tập trung kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có khối lượng thực hiện và giải ngân lớn. Trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, cần làm rõ hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đánh giá việc thực hiện các chính sách tiền tệ, khả năng và hiệu quả cung cấp vốn cho nền kinh tế và kiểm soát rủi ro tín dụng…
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, KTNN sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách để tiếp tục hoàn thiện dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025, đặc biệt là rà soát kỹ để tránh trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
“KTNN và Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp rà soát để đáp ứng yêu cầu “gọn nhưng không trùng” theo quy định của Luật KTNN, Luật Thanh tra; tập trung vào những vấn đề mà UBTVQH, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện giám sát tối cao; đồng thời phục vụ cho năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm” - Tổng KTNN khẳng định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận nội dung thảo luận
Trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán; tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, bảo đảm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công chặt chẽ, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước. Đồng thời, cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các Bộ quản lý chuyên ngành để bảo đảm kế hoạch kiểm toán hiệu quả, hiệu lực.
Cùng với đó, KTNN cần rà soát, lựa chọn, tránh chồng chéo khi thực hiện các cuộc kiểm toán tại các Bộ, ngành, địa phương; tập trung ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán NSNN năm 2024; phục vụ các đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; các chuyên đề quan trọng liên quan đến những vấn đề được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm.
UBTVQH giao KTNN tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025 báo cáo Quốc hội./.
Minh Thư
Sao chép thành công