Báo Thanh Niên,

Mức bồi thường quá thấp, người nuôi bò sữa ở Lâm Đồng không đồng ý

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 14:51:01 30/09/2024 theo đường link https://thanhnien.vn/muc-boi-thuong-qua-thap-nguoi-nuoi-bo-sua-o-lam-dong-khong-dong-y-18524093010500537.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Người nuôi bò sữa ở Lâm Đồng bị thiệt hại do tiêm vắc xin VDNC Navet-LpVac không đồng ý mức bồi thường, hỗ trợ của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco. Ngày 30.9, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở NN-PTNT Lâm Đồng), cho biết đa số người nuôi bò sữa ở 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng bị thiệt hại do tiêm vắc xin VDNC Navet-LpVac không đồng ý mức bồi thường của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) đưa ra.
Người nuôi bò ở Lâm Đồng không đồng ý mức bồi thường mà Công ty Navetco đưa ra
ẢNH: LÂM VIÊN
Cụ thể, tuần qua bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổng giám đốc Công ty Navetco, đơn vị cung cấp vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac trực tiếp đến 2 huyện trên gặp gỡ các hộ chăn nuôi bò sữa và lãnh đạo các huyện để trình bày phương án bồi thường đàn bò bị phát bệnh, chết sau khi tiêm vắc xin VDNC Navet-LpVac.
Theo đó, mức bồi thường đối với bò chết có đầy đủ hồ sơ gồm: bò hậu bị không mang thai (bao gồm bê) với mức 55.000 đồng/kg bò hơi; bò hậu bị mang thai 60.000 đồng/kg bò hơi; bò sinh sản không mang thai 65.000 đồng/kg bò hơi, bò sinh sản mang thai 70.000 đồng/kg bò hơi.
Đối với bò chết do hộ chăn nuôi tự xử lý và đã bán, có xác nhận của địa phương thì mức hỗ trợ là 7.000.000 đồng/con và 10.000.000 đồng/con. Với bò sữa bệnh có đầy đủ hồ sơ, chi phí điều trị bệnh mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/con, chi phí thiệt hại sản xuất 2.100.000 đồng/con (áp dụng với bò sữa đang khai thác sữa); bò bệnh bị sảy thai 6.100.000 đồng/con (không áp dụng đối với bò chết).
Thời điểm tính bồi thường hỗ trợ được xác định từ ngày phát sinh ca bệnh đầu tiên đến thời điểm 16 giờ ngày 26.9.2024. Sau thời gian này, Công ty Navetco sẽ phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng và cơ quan thú y địa phương tiến hành lấy mẫu đối với bò chết, bò sảy thai để xác định nguyên nhân làm cơ sở thực hiện bồi thường , hỗ trợ.
Phía Công ty Navetco đưa ra thời gian chi trả thành 2 đợt và yêu cầu bên nhận bồi thường, hỗ trợ cam kết không khiếu nại hay có bất cứ tranh chấp gì liên quan đến số lượng bò và số tiền bồi thường, hỗ trợ sau khi đã được nhận tiền.
Tuy nhiên, hầu hết người nuôi bò sữa bị thiệt hại không đồng ý với mức bồi thường và hỗ trợ mà Công ty Navetco đưa ra.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổng giám đốc Công ty Navetco gửi lời xin lỗi người nuôi bò ở Lâm Đồng
ẢNH: NGỌC MINH
Bò sữa bị chết sau khi tiêm vắc xin VDNC Navet-LpVac
ẢNH: LÂM VIÊN
Ông Long thừa nhận, mức giá đền bù trên là quá thấp so với những thiệt hại mà người nuôi bò sữa đã và đang phải gánh chịu. Vì theo tính toán của người dân, một con bò đang cho sữa có giá từ 40 - 60 triệu đồng/con, nay Công ty Navetco chỉ đền bù 7 - 10 triệu đồng/con là không thỏa đáng, quá thiệt thòi cho họ. Bên cạnh đó, với những con đang phục hồi thì sản lượng sữa bị giảm rõ rệt, nhưng công ty chỉ hỗ trợ từ 1 - 2,1 triệu đồng là quá thấp so với chi phí các hộ bỏ ra mua thuốc điều trị cho bò. Thực tế, nhiều nông hộ đang phải vay nợ ngân hàng, nợ trả chưa xong, giờ lại chồng chất khó khăn.
Dự kiến trong tuần này Chi cục đề nghị Công ty Navetco phải gặp gỡ lại các hộ chăn nuôi để thỏa thuận lại mức đền bù, để giữa các hộ chăn nuôi bò và Navetco có tiếng nói chung trong việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Trồng trọt tỉnh Lâm Đồng, lũy kế đến ngày 28.9, toàn tỉnh Lâm Đồng có 7.375 con bò bệnh; 550 con bị chết; 6.641 con hồi phục (gồm Đơn Dương 3.965 con, Đức Trọng 2.584 con, Lâm Hà 46 con, Di Linh 33 con và Bảo Lộc 13 con). Hiện, còn 184 con mắc bệnh đang được theo dõi, điều trị.
Sao chép thành công