Báo Công Thương-Tin tức kinh tế cập nhật mới nhất 24h qua,

Nâng giá trị cho nông sản để chiếm lĩnh thị trường

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 03:08:39 03/10/2024 theo đường link https://congthuong.vn/nang-gia-tri-cho-nong-san-de-chiem-linh-thi-truong-349818.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Nông sản là mặt hàng có đóng góp lớn cho phát triển của nền kinh tế. Để chiếm lĩnh thị trường, các địa phương tập trung tìm giải pháp để nâng giá trị sản phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Ứng dụng khoa học - công nghệ được coi là xương sống và trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản ; giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Câu chuyện điển hình từ tỉnh Yên Bái . Là tỉnh miền núi, Yên Bái có nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh như quế, cam, chè, miến đao… Những năm trước đây, sản phẩm nông sản của tỉnh ít được đầu tư sản xuất, chế biến cũng như quảng bá, giới thiệu nên không được nhiều thị trường biết đến.
Chế biến nông sản tại Tây Ninh. Ảnh: TL
Thời gian gần đây, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính người dân cũng chủ động ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất và chế biến để góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản.
Số liệu thống kê cho thấy, 3 năm trở lại đây, tỉnh Yên Bái đã triển khai 86 nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trong đó, lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 66 nhiệm vụ. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp quản lý, theo dõi 7 nhiệm vụ khoa học nông nghiệp cấp Nhà nước triển khai trên địa bàn.
Với lợi thế có nhiều nguồn nguyên liệu nông sản đặc sản có giá trị cao, cùng chính sách hỗ trợ của tỉnh trong việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đến nay, tỉnh Yên Bái đã dần hình thành một số sản phẩm nông sản chủ lực, khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, như: Các sản phẩm từ cây quế, chè Shan tuyết, cây thảo dược, măng tre Bát Độ, gỗ rừng trồng, cây sơn tra, cây dâu tằm...
Cũng là địa phương có nhiều nông sản quý, những năm qua, ứng dụng công nghệ cao trở thành một trong những giải pháp về khoa học - công nghệ, đưa kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp ở Lào Cai, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Lào Cai nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã nâng giá trị sản phẩm cao gấp 3 lần so với sản xuất thông thường, có thể kể đến như Hợp tác xã rau, quả Thắng Lợi; Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Lùng Phình…
Còn tại Hà Nội cũng đã, đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sạch, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo chia sẻ của ông Hoàng văn Khảm - Giám đốc kỹ thuật Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), trước đây hợp tác xã hoạt động theo phương pháp truyền thống nhưng từ ngày có sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác thì quản lý trên điện thoại thông minh. Tất cả những dữ liệu từ lúc làm đất, chăm sóc, đến khi thu hoạch đều qua hệ thống phần mềm kết nối giữa điện thoại thông minh và máy chủ của hợp tác xã. Khách hàng chỉ cần vào phần mềm quản lý rau Chúc Sơn là sẽ nắm được quy trình sản xuất rau VietGAP của hợp tác xã.
Thống kê hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao phát huy được tối đa giá trị nông sản, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bên cạnh đó, giảm sức lao động cho người sản xuất.
Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển toàn diện, trong đó phải kể đến sự tham gia mạnh mẽ, tâm huyết của cộng đồng các nhà khoa học. Nhiều thành quả nghiên cứu được tạo ra và ứng dụng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất từ giống cây trồng, vật nuôi mới; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp…
Tăng cường liên kết sản xuất
Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản đã nhìn thấy hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên chi phí đầu tư trong sản xuất công nghệ cao không phải nhỏ. Điều này khiến không ít địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nhìn thấy hiệu quả nhưng không thể có khả năng để đầu tư.
Để khắc phục khó khăn này, nhiều địa phương đã đẩy mạnh liên kết sản xuất. Điển hình như Bình Phước, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực như tạo điều kiện sẵn có về quỹ đất sạch; hỗ trợ giải phóng mặt bằng sản xuất để hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành, sẵn sàng thu hút đầu tư; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, logistics, cơ sở hạ tầng giao thông liên tỉnh và liên vùng.
Mới đây, tại xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã khởi công Nhà máy chế biến nông sản thực phẩm Bà Tư, với vốn đầu tư hơn 6,5 triệu USD, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong tháng 6/2026.
Để tăng liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, Bình Phước sẽ tập trung xây dựng, kết nối doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức đại diện nông dân liên kết theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi sản xuất theo quy trình sản xuất tiêu chuẩn, an toàn, đa dạng sinh thái, thân thiện môi trường, đa giá trị và bền vững; thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, thị trường; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Xác định “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm”, để hiện thực hóa mục tiêu và nhằm đưa nông nghiệp có bước phát triển đột phá, là “trụ đỡ” của nền kinh tế của tỉnh, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án 01-ĐA/TU, Nghị quyết 10-NQ/TU, HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; cùng với đó là các chính sách triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Với định hướng rõ ràng cùng hệ thống các cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị (hỗ trợ thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đã giúp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát triển.
Hết năm 2023, toàn tỉnh Lào Cai có 47 mô hình liên kết các sản phẩm nông nghiệp, trong đó 16 doanh nghiệp tham gia liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân và 26 hợp tác xã tham gia liên kết với hợp tác xã và hộ nông dân; quy mô liên kết 11.000 ha với khoảng 12.000 hộ dân tham gia; tổng giá trị liên kết tiêu thụ đạt trên 1.200 tỷ đồng.
Một số mô hình, dự án liên kết theo chuỗi giá trị điển hình như: Mô hình liên kết chè, quy mô trên 3.300ha/3.000 hộ; mô hình liên kết quế, quy mô 7.850/3.500 hộ; mô hình liên kết dứa 350 ha/750 hộ; mô hình liên kết chuối 175ha/250 hộ...
Thị trường nông sản ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thị trường ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao thì việc ứng dụng khoa học - công nghệ từ sản xuất, chế biến đến phân phối là giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết bài toán tăng giá trị cho nông sản Việt Nam.
Tâm An
Bạn thấy bài viết này thế nào? Kém Bình thường Hứa hẹn ★★★
Tốt ★★★★
Rất tốt
Sao chép thành công