Báo Tuổi Trẻ Online,

Ngắm Hà Nội vươn mình qua những công trình, hạ tầng hiện đại

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 13:03:59 05/10/2024 theo đường link https://tuoitre.vn/ngam-ha-noi-vuon-minh-qua-nhung-cong-trinh-ha-tang-hien-dai-20241002134502031.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hà Nội đang chuyển mình từng ngày với những công trình hạ tầng được đầu tư bài bản, hiện đại.
Đô thị Hà Nội ngày càng trở nên hiện đại, phát triển - Ảnh: HỒNG QUANG
Những năm qua, diện mạo Hà Nội thay đổi nhanh chóng. Hàng loạt công trình giao thông, đô thị hiện đại được xây dựng.
Thành phố đang chuyển mình từng ngày để sánh ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, luôn là mục tiêu được Trung ương và chính quyền thành phố chú trọng. Hà Nội hiện đóng vai trò là đầu mối giao thông quan trọng, giúp tăng cường kết nối các tỉnh thành, các vùng kinh tế.
Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng hệ thống giao thông của Hà Nội được phát triển đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống.
Những cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hồng, sông Đuống, đường vành đai, đường trên cao rộng rãi, những tuyến đường sắt đô thị đang dần hình thành, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và mang đến diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc.
Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng được khánh thành năm 2015. Cây cầu và đường dẫn có tổng chiều dài 8,93km. Phần cầu chính rộng 33,2m với 8 làn xe chạy. Kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi. Cầu Nhật Tân là mảnh ghép quan trọng của tuyến vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách từ trung tâm thủ đô đến sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: HỒNG QUANG
Cầu Vĩnh Tuy được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó cầu Vĩnh Tuy 1 hoàn thành năm 2010 và giai đoạn 2 khánh thành năm 2023. Cây cầu nối quận Hai Bà Trưng và Long Biên đồng thời là cửa ngõ kết nối trung tâm thủ đô với nhiều tuyến đường quan trọng như quốc lộ 5, quốc lộ 1, vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hiện cầu Vĩnh Tuy đã xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch với 8 làn xe chạy - Ảnh: HỒNG QUANG
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh, giúp giải tỏa ùn ứ giao thông liên tỉnh từ hướng Hải Phòng, Quảng Ninh đi các tỉnh tây và tây bắc Hà Nội. Đây cũng là cây cầu có mặt cắt ngang rộng nhất Việt Nam với 54,5m chia thành: 8 làn xe cơ giới, 2 làn xe máy và 2 dải vỉa hè dành cho người đi bộ - Ảnh: HỒNG QUANG
Đường Võ Nguyên Giáp dài 12km nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài. Tuyến đường được đầu tư hơn 6.700 tỉ đồng, được coi là “con đường ngoại giao” khi thường xuyên có các đoàn khách quốc tế đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Điểm đặc biệt của con đường này là mặt cắt ngang rộng 80-100m, cùng dải phân cách giữa được phủ kín 5 tầng cây xanh - Ảnh: HỒNG QUANG
Đường vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở gồm hợp phần đường trên cao 4 làn xe và đường dưới thấp 8-10 làn xe. Con đường giúp giải tỏa áp lực giao thông cho 4 quận trung tâm có dân cư rất đông đúc là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Toàn tuyến trên cao có 8 nhánh lên xuống - Ảnh: HỒNG QUANG
Nút giao Cổ Linh kết nối nhiều trục giao thông quan trọng phía đông thành phố là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - quốc lộ 1 - đường Cổ Linh - cầu Thanh Trì - Ảnh: HỒNG QUANG
Vành đai 3 với tuyến cao tốc trên cao vừa phục vụ giao thông nội đô vừa phục vụ giao thông liên vùng. 7 tuyến cao tốc kết nối 4 hành lang kinh tế Bắc Bộ đều lấy Hà Nội làm tâm, hướng vào vành đai 3. Nhu cầu vận tải liên tỉnh từ các tỉnh phía nam đi phía bắc, phía tây và ngược lại quá cảnh qua Hà Nội chủ yếu đều thông qua tuyến này - Ảnh: HỒNG QUANG
Đường trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long dài 5,3km. Công trình được xây dựng với quy mô 4 làn xe chuẩn cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. Đây là đoạn đường trên cao duy nhất tại Hà Nội được thiết kế vận tốc 100km/h. Ngoài ra, đường đô thị dưới thấp cũng là một trong những tuyến phố nội đô đẹp nhất Hà Nội với 8-12 làn xe chạy - Ảnh: HỒNG QUANG
Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km được vận hành chính thức từ đầu tháng 8 và đoạn đi ngầm tiếp tục thi công - Ảnh: HỒNG QUANG
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km. Đây được coi là tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam với 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp. Con đường đóng vai trò kết nối Hà Nội với các cực tăng trưởng của vùng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... Tốc độ tối đa cho phép trên tuyến là 120km/h - Ảnh: HỒNG QUANG
Đại lộ Thăng Long dài gần 30km, rộng 140m, là tuyến thuộc cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, nối Hà Nội với các quận huyện phía tây và Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngày nay, một phần con đường đang dần được coi là đường nội đô bởi loạt dự án đô thị đang phát triển dọc tuyến - Ảnh: HỒNG QUANG
Những công trình, hạ tầng động lực thay đổi bộ mặt thủ đô Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị hành chính quốc gia.
Theo nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Đến nay, nhiều dự án quy mô lớn đã được đầu tư xây dựng. Những công trình này không chỉ tạo nên những tuyến phố cảnh quan kiến trúc hiện đại, điểm nhấn đô thị, mà còn trở thành động lực tăng trưởng kinh tế cho thành phố.
Quận Cầu Giấy tập trung nhiều trụ sở công ty công nghệ, trường học, cơ sở kinh doanh... với mật độ dân số đông đúc. Điểm nhấn tại khu vực này là khu phố công nghệ Duy Tân và tòa nhà Landmark 72 (cao nhất Hà Nội) nằm trên đường Phạm Hùng - Ảnh: HỒNG QUANG
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một trong sáu bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng trong quân đội. Công trình có diện tích 38,6ha tại quận Nam Từ Liêm, dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 11-2024 và miễn phí vé trong 2 tháng - Ảnh: HỒNG QUANG
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với điểm nhấn trung tâm là sân vận động hơn 4 vạn chỗ ngồi. Công trình được khánh thành năm 2003, khi đó xung quanh vẫn chủ yếu là đồng ruộng. Sau hơn 20 năm, quỹ đất quanh nơi này được thay bằng nhà cao tầng mọc lên san sát - Ảnh: HỒNG QUANG
Tổ hợp thương mại nằm trên đường Võ Chí Công với vốn đầu tư trên 600 triệu USD từ tập đoàn Hàn Quốc. Tổ hợp này bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ cao cấp và văn phòng hạng A. Trong đó, trung tâm thương mại thuộc hàng lớn nhất Việt Nam với diện tích sàn 222.000m2 - Ảnh: HỒNG QUANG
Cao ốc trùng điệp tại khu vực Mỹ Đình. Trong ảnh là trục đường Lê Quang Đạo và trụ sở mới của Bộ Ngoại giao - Ảnh: HỒNG QUANG
Trung tâm R&D mới của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công trình là minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao - Ảnh: HỒNG QUANG
Những năm qua, Hà Nội cũng chứng kiến sự phát triển của các đại đô thị với quy mô lớn với hạ tầng, đường sá hoàn chỉnh. Những đô thị này tạo nên một không gian hiện đại, bài bản, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hàng trăm nghìn người - Ảnh: HỒNG QUANG
Trong hình là lô đất đang xây dựng khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Dự án được khởi công từ giữa năm 2023 ở quận Cầu Giấy với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD - Ảnh: HỒNG QUANG
Trục đường Nguyễn Chí Thanh - Văn Cao từng được bình chọn là con đường đẹp nhất Việt Nam khi có 3 hồ nước lớn xung quanh là hồ Tây, hồ Thủ Lệ và hồ Ngọc Khánh. Ngày nay, con đường là nơi đặt nhiều trụ sở cơ quan, tòa nhà văn phòng với tháp Lotte Center cao thứ 2 Hà Nội - Ảnh: HỒNG QUANG
Cung thiếu nhi mới của Hà Nội được xây dựng trên khu đất gần 40.000m2 tại công viên hồ điều hòa CV1 và được khánh thành cuối tháng 9 vừa qua. Cung thiếu nhi gồm hai khối nhà, trong đó khối nhà A có nhà hát, rạp phim, câu lạc bộ nghệ thuật. Khối nhà B có thư viện, tháp thiên văn, nhà thi đấu, bể bơi... - Ảnh: HỒNG QUANG
Sao chép thành công