Báo Tài nguyên & Môi trường,

Ngành khai thác khoáng sản đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội Quảng Bình

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 19:39:57 21/09/2024 theo đường link https://baotainguyenmoitruong.vn/nganh-khai-thac-khoang-san-da-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-quang-binh-380342.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Thanh Tùng - Nguyên Sơn (lược ghi)
(E- magazine) - Những năm qua, ngành chế biến và khai thác khoáng sản Quảng Bình đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản 2010 cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 vừa qua có nhiều điểm mới quan trọng.
Ông Đoàn Ngọc Lâm
phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành TN&MT Quảng Bình
Số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến nay đã phát hiện và đăng ký trên bản đồ được 176 mỏ và điểm quặng - điểm khoáng hóa. Trong đó có 45 điểm quặng kim loại, 1 điểm quặng thuộc nhóm khoáng sản nhiên liệu, 5 điểm nước khoáng - nước nóng và 125 mỏ và điểm quặng khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng.
Khoáng sản kim loại gồm có vàng Xà Khía Lệ Thủy, vàng Khe Nang Tuyên Hóa, mangan Tuyên Hoá, titan Lệ Thủy và một số khoáng sản khác như: Sắt, Wolfram, Chì kẽm, Thiếc, Photphorit… có quy mô nhỏ, trữ lượng không lớn. Khoáng sản không kim loại gồm có đá vôi xây dựng, phân bố tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy; Kaolin thuộc xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới và xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch; Cát trắng tại huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Đá làm vật liệu xây dựng thông thường chủ yếu là đá vôi và đá ryolit, có sự phân bố rộng và trữ lượng lớn…
Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân đã chấp hành tốt các nội dung được ghi trong giấy phép hoạt động khoáng sản, từng bước nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình và ngày một đi vào nền nếp, bảo đảm kỷ cương pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác bảo vệ môi trường đã được các đơn vị từng bước chú trọng quan tâm, đã có những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đoàn Ngọc Lâm cho rằng, công tác quản lý, khai thác khoáng sản cũng còn gặp những khó khăn nhất định. Điển hình như Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định khu vực đấu giá phải là mặt bằng sạch. Như vậy, khi tổ chức đấu giá xong, đơn vị trúng đấu giá mới triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trường hợp đơn vị không thỏa thuận được để giải phóng mặt bằng thì dự án không triển khai được. Do đó, các khu vực đã trúng đấu giá nhưng tỷ lệ đưa vào khai thác chưa cao, dẫn đến hiệu quả thu được thông qua hoạt động đấu giá khoáng sản đạt thấp. Không có quy định trả lại tiền đặt trước trong trường hợp đơn vị trúng đấu giá không thoả thuận được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ thiệt thòi cho các đơn vị trúng đấu giá.
Mặt khác, một số quy định của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP hiện không phù hợp với Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Số lượng doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ khai thác còn hạn chế, một số đơn vị có công nghệ khai thác chưa đảm bảo yêu cầu nên chưa khai thác triệt để nguồn tài nguyên khoáng sản. Hồ sơ, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông, đất san lấp công trình hiện còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp dẫn đến mất cơ hội đầu tư. Ý thức chấp hành pháp luật về kê khai sản lượng khai thác và quy định khác trong hoạt động khoáng sản của một số đơn vị chưa tốt…
Nhằm quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản quốc gia, khắc phục những bất cập của Luật Khoáng sản 2010, tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Dự thảo Luật được đánh giá có nhiều điểm mới như quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản…
Từ thực tế hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thời gian qua, ông Đoàn Ngọc Lâm đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đó là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Cần nhận thức rõ đối tượng đấu giá quyền khai thác khoáng sản là quyền khai thác khoáng sản, không phải là đấu giá giá trị của mỏ khoáng sản, để kịp thời ngăn chặn tình trạng biến tướng thông đồng “thổi giá”, “làm giá” khoáng sản nhằm trục lợi thông qua đấu thầu, đấu giá.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đấu giá tài sản, Luật Địa chất và Khoáng sản theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về trách nhiệm cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ thẩm định trước khi cấp phép, bảo đảm thống nhất giữa các quy định pháp luật liên quan, có cơ chế giám sát về sản lượng khai thác thực tế với số lượng khoáng sản được cấp phép khai thác. Quy định cụ thể trình tự, thủ tục đấu giá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đấu giá tài sản, liên kết các cơ sở dữ liệu khác có liên quan để tăng tính thuận tiện, minh bạch.
Mặt khác, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc các bộ, ban, ngành liên quan cần chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, gắn thực hiện công tác này với hoạt động thống kê, kiểm kê số lượng, trữ lượng khai thác khoáng sản thực tế, bảo đảm công tác thu thuế, phí, lệ phí và bảo vệ môi trường. Quy định trách nhiệm xử lý liên quan đối với cơ quan quản lý nhà nước, ủy ban nhân dân các cấp nếu có biểu hiện buông lỏng trong quản lý, cấp phép, kiểm tra, giám sát, để tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong nhân dân.
Nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản. Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các cơ quan có thẩm quyền chủ động tăng cường thiết lập, duy trì hiệu quả quan hệ phối hợp nhằm kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản, nhất là tại các khu vực giáp ranh, liên quan đến nhiều địa bàn, đặc biệt đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đối với một số vướng mắc trong xác định dấu hiệu tội phạm, nhất là yếu tố thu lời bất chính, các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này theo hướng: làm rõ tính hợp pháp về hoạt động khoáng sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân (giấy phép khai thác khoáng sản, mốc giới khai thác…) và kết quả thực tế đã khai thác, định giá khoáng sản để xác định tính trái pháp luật.
Sao chép thành công