Nội dung liên quan Huyện Đại Từ, Tỉnh Thái Nguyên, Tin Trong Nước
Báo Quân đội Nhân dân,
Ngày Thương binh toàn quốc - tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
10:50:25 05/10/2024
theo đường link
https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/lich-su-quan-doi-nhan-dan-viet-nam/ngay-thuong-binh-toan-quoc-tiep-noi-truyen-thong-uong-nuoc-nho-nguon-cua-dan-toc-viet-nam-797312
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược, rất nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và hy sinh. Vấn đề cứu chữa, chăm sóc thương binh và chôn cất liệt sĩ rất được coi trọng. Ở các xóm ấp, thôn xã bà con đứng ra thành lập các tổ giúp binh sĩ bị nạn hoạt động rất có hiệu quả. Đầu năm 1946, Tổng hội giúp binh sĩ bị thương được thành lập, hệ thống xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm Chủ tịch danh dự. Nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ bộ đội được phát động, đáng chú ý nhất là cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”. Mở đầu cuộc vận động, chiều 17-11-1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức buổi lễ “Mùa đông binh sĩ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ đã đến dự. Ngay tại buổi lễ, Người đã đem chiếc áo len duy nhất của mình để góp vào quỹ vận động “Mùa đông binh sĩ”. Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành, Bắc Ninh. Ảnh tư liệu Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19-12-1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn. Trước tình hình trên Đảng và Nhà nước ta quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh - liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh - liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Ngày 26-2-1947, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 240/NĐ thành lập Phòng Thương binh để giúp kế hoạch và đôn đốc, kiểm soát ban thương binh các khu, đây là cơ quan chỉ đạo công tác thương binh đầu tiên của cả nước. Để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến, quý trọng thương binh - những người đã cống hiến một phần xương máu cho Tổ quốc, tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh Thực hiện chỉ thị của Người, tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một hội nghị với sự tham dự của đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã quyết định đề nghị lấy ngày 27-7 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Ngày 17-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh. Người viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy... Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh” [1] . Bức thư của Người đã được Ban tổ chức trịnh trọng đọc trước cuộc mít tinh trọng thể có khoảng 2.000 người dự vào ngày 27-7-1947 tại Đại Từ, Thái Nguyên. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, đồng bào ta đã phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" sôi nổi xung phong ủng hộ, giúp đỡ, chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ. Đó là một nguồn động viên, cổ vũ các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu đối diện với hiểm nguy, tiêu diệt quân thù. Từ đó đến nay, ngày 27-7 hằng năm đã trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp toàn quân và toàn dân ta thực hiện chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách. Qua đó, để giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và những người có công với nước. Biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. LÊ VĂN CỬ [1] Hồ Chí Minh Toàn tập , tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr.204. * Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.