Báo Tài nguyên & Môi trường,

Nghệ An - Hà Tĩnh: Mưa lớn, nhiều hồ đập thủy điện xả nước

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 06:03:48 20/09/2024 theo đường link https://baotainguyenmoitruong.vn/nghe-an-ha-tinh-mua-lon-nhieu-ho-dap-thuy-dien-xa-nuoc-380317.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Đình Tiệp - Thành Vinh
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm 18 đến ngày 19/9 đã có mưa lớn kéo dài ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Vì thế, nhiều nhà máy thủy điện ở Nghệ An đã phải xả nước điều tiết, hạ độ cao lòng hồ đối với các hồ thủy điện trên địa bàn. Ngoài ra, tại hai địa phương này hiện nay vẫn đang có mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở nhiều địa phương là rất cao.
Hàng loạt thủy điện xả nước
Ngày 19/9, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh này đang giám sát chặt chẽ việc xả nước điều tiết, hạ độ cao lòng hồ đối với các hồ thủy điện trên địa bàn để đối phó với đợt mưa được dự báo là lớn và còn kéo dài trong những ngày tới.
Cụ thể, hồ chứa thủy điện Bản Cốc (xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) được lệnh xả từ 12h30 ngày 19/9, lưu lượng xả từ 11,16m3/s - 300m3/s. Bao gồm lưu lượng xả qua cửa van, lưu lượng qua tràn và lưu lượng phát điện qua các tổ máy, có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ. Thời gian kết thúc xả khi mực nước hồ không lớn hơn mực nước dưới bình thường ở cao trình 376m và không có khả năng lên trở lại.
Mưa lớn khiến hàng loạt hồ đập thủy điện ở Nghệ An phải xả điều tiết nước.
Hồ chứa thủy điện Châu Thắng (xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu) tăng lưu lượng xả từ 12h30 ngày 19/9. Với lưu lượng xả từ 450m3/s - 1.200m3/s. Bao gồm lưu lượng xả qua cửa van và lưu lượng phát điện qua các tổ máy và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ. Thời gian kết thúc xả cho đến khi hết ảnh hưởng của đợt mưa lớn gây nên.
Trước đó, vào lúc 7h ngày 18/9, hồ chứa thủy điện thủy điện Sông Quang (xã Châu Thôn, huyện Quế Phong) cũng tiến hành xả điều tiết nước. Với lưu lượng xả từ 30 m3/s - 200 m3/s, bao gồm lưu lượng xả qua cửa van, lưu lượng qua tràn và lưu lượng phát điện qua các tổ máy. Thời gian kết thúc xả cho đến khi hết đợt mưa lũ.
Công tác kiểm tra, ứng phó với mưa lũ tại huyện miền núi Kỳ Sơn được triển khai khẩn trường, chặt chẽ.
Còn Thuỷ điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) cũng đã vận hành giảm lũ cho hạ du bắt đầu từ 7h ngày 18/9. Hồ chứa xả với lưu lượng xả qua công trình từ 800 m3/s đến dưới 1000 m3/s. bKhi lưu lượng về hồ giảm dần về dưới 1.000 m3/s và Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo trong 10 ngày tới ở các địa phương trên lưu vực sông Cả không xuất hiện các hình thế thời tiết có thể gây ra mưa, lũ lớn trên lưu vực, Công ty Thủy điện Bản Vẽ vận hành trong điều kiện bình thường.
Vào 19h ngày 18/9, thủy điện Nậm Mô (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cũng vận hành điều tiết nước hồ chứa. Thời gian dự kiến kết thúc xả nước qua đập tràn, cho đến khi lưu lượng nước về hồ giảm về dưới mức 140 m3/s. Lượng nước qua các của van đập tràn với lưu lượng xả dự kiến khoảng 140 m3/s đến 400 m3/s, bao gồm xả qua các của van đập tràn và tổ máy phát điện, cống xả cát và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng về hồ.
Do ảnh hưởng hoàn lưu mưa lớn kéo dài, đất dễ vỡ kết cấu đã gây sạt lở hiều địa điểm tại tuyến đường xã Chiêu Lưu - Na Ngoi, huyện đã chỉ đạo xã Na Ngoi tạm thời không cho người dân đi qua những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Ngày 19/9, Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn đã trực tiếp huy động lực lượng Công an huyện giúp hộ gia đình anh Cụt Văn Sơn và hộ gia đình anh Cụt Văn Mạnh bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu di dời, tháo dỡ nhà đưa các hộ gia đình đến nơi trú ẩn an toàn. Tại đây, Huyện ủy, UBND huyện đã trao cho 4 hộ gia đình đang phải tháo dỡ nhà mỗi hộ 5 triệu đồng để giúp cho các hộ vượt qua khó khăn.
Cũng tại huyện Kỳ Sơn, có 64 hộ tại bản Na Mỳ và 86 khẩu bản Vàng Phao, xã Mường Típ và 75 hộ bản Xốp Phong, xã Mường Ải có nguy cơ sạt lở phải di dời đến nơi ở an toàn. Với tình hình mưa bão tiếp tục kéo dài, UBND huyện Kỳ Sơn đang khẩn trương rà soát, thống kê tình hình thiệt hại và chủ động giúp người dân đến chỗ trú ẩn an toàn.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của bão số 4, ngày 19/9, các vùng biển thuộc huyện Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh có sóng to, gió giật mạnh. Khu vực phía Nam Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tại một số trạm tự động như sau: Hồ Mạc Khê 98,8mm; Kỳ Giang 67,6mm; Kỳ Lâm 66,4mm; Kỳ Thượng 63,4mm; Bàn Nước 61,9mm; Kỳ Phong 60,8mm.
Theo Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái gần bão hòa (trên 85%). Ngành chức năng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất cấp 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất đặc biệt tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên.
Để phòng, chống thiệt hại do bão số 4 gây ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương cập nhật thông tin mưa, lũ, ngập úng trên khu vực; kiểm tra kỹ lưỡng các vị trí có nguy cơ mất an toàn để đảm bảo kế hoạch di dời dân khi cần thiết, đồng thời phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan.
UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, cần dự trữ lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm tại các vùng dễ bị chia cắt do mưa lũ.
Các lực lượng được yêu cầu rà soát, sẵn sàng huy động lực lượng ứng phó thiên tai xảy ra. Đối với đơn vị quản lý hồ chứa, đập thủy điện phải đảm bảo an toàn công trình và điều tiết hồ chứa theo đúng quy trình.
Lốc xoáy xảy ra ở huyện Kỳ Anh khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái (Ảnh: B.T.P).
Liên quan đến ảnh hưởng của bão số 4, vào khoảng 9 giờ 15 phút sáng 19/9, mưa lớn kèm theo lốc xoáy cường độ mạnh đã làm tốc mái và gây hư hỏng nhiều tài sản của 16 hộ dân ở thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh. Rất may không gây thiệt hại về người.
Theo lãnh đạo xã Kỳ Xuân cho biết, trận lốc xoáy càn quét dữ dội, khiến nhiều hộ dân không kịp trở tay ứng phó. Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại, đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.
Sao chép thành công