Nội dung liên quan Huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tin Trong Nước
Báo SGGP Online,
Nghị lực của người mẹ | BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
09:51:35 08/10/2024
theo đường link
https://www.sggp.org.vn/nghi-luc-cua-nguoi-me-post762445.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Không bỏ cuộc Nay A. viết chữ đẹp, được nhiều người khen. Mẹ A. cho biết, cậu đã được tham gia tiết dự giờ cùng các bạn và rất hợp tác, ra về chịu xếp hàng chờ đến lượt và đáng mừng nhất là biết thể hiện nhu cầu lẫn cảm xúc phù hợp. “Với tiến bộ này, tương lai A. sẽ học nghề và làm nghề được”, chị Võ Nhã Hòa - cô giáo đặc biệt của A., Giám đốc Công ty Tư vấn và Ứng dụng giáo dục Tiếp Bước (huyện Bình Chánh, TPHCM) - tin tưởng. 6 năm trước, khi đến với chị Hòa, A. rất lăng xăng, hoạt động liên tục. Muốn gì, cậu lao đến giật và cần ai đó chơi cùng, cậu đánh hoặc đẩy té họ. Dưới sự hướng dẫn của chị Võ Nhã Hòa, nhiều trẻ tự kỷ đã tiến bộ, đi học hòa nhập A. không phải là trường hợp duy nhất! Đã có rất nhiều trẻ bước ra từ ngôi nhà Tiếp Bước để đi học hòa nhập. Kết quả đáng tự hào này cũng như sự tiến bộ từng ngày của những đứa trẻ đặc biệt trong ngôi nhà đầy tiếng khóc cười, tiếng bi bô lẫn những giọt mồ hôi ấy, với chị Hòa, là gia tài lớn nhất, thay cho một cơ ngơi nào đó mà nhiều người cho rằng, chị cũng dễ có được nhưng đã chọn từ bỏ. Đó là những năm 2000, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh, chị Hòa cùng chồng điều hành công ty trang trí nội thất phát đạt, giữa thời buổi thị trường bất động sản sôi động, nhà cửa, chung cư xây dựng nhộn nhịp. Với nhiều ấp ủ về mở rộng và chuẩn hóa doanh nghiệp, chị tiếp tục lấy thêm tấm bằng cử nhân luật. Hành trình ấy đang vững tiến thì đầu năm 2013, chị phát hiện Hy, cậu con trai thứ hai đã hơn 2 tuổi nhưng vẫn chưa nói chuyện được. Hy thích xem tivi và bỏ chạy bất chấp khi ai đó gọi mình. Đưa con đi khám, vợ chồng chị chết lặng khi bác sĩ hỏi ngược: “Ba mẹ có biết là con bị tự kỷ rồi không?”. Nhận một chẩn đoán mang tính định mệnh nghiệt ngã, như bao phụ huynh, chị Hòa trải qua nhiều ngày hoảng loạn, không chấp nhận sự thật. Chỉ trong một tuần, chị cấp tập đưa Hy đi khám thêm 2 nơi. Khi có cùng chẩn đoán và được chồng động viên, chị mới buông xuống nỗi buồn và quyết tâm “tiền bạc có thể kiếm được nhưng thời gian của con thì không lấy lại được”. Hy lúc này học mầm non và hễ không thích bạn là nhào đến cắn. Lòng chị thường tuyệt vọng mỗi khi trường gọi… mắng vốn. Tâm niệm muốn đồng hành cùng con thì phải hiểu được con, nên nơi nào có khóa học liên quan tự kỷ, chị Hòa đều tham gia, khi cùng chồng, lúc có thêm… mẹ chồng. “Nếu con không thể tự đứng trên đôi chân của mình, người lớn phải làm điểm tựa cho con, mà trước tiên, là biết con đang gặp những khó khăn ra sao”, chị trải lòng. 6 tháng kiên trì đưa đón con học mầm non, rồi can thiệp 1-1 và dạy con toàn thời gian, Hy cũng bật tiếng nói đầu tiên. Vài từ bập bẹ của đứa trẻ hơn 3 tuổi đủ khiến bậc sinh thành vỡ òa hạnh phúc. Đi mãi thành đường Hiểu đúng tự kỷ cũng có nghĩa không kỳ vọng con sớm được bình thường, mà chỉ kiên định đồng hành, chọn cho con những điều phù hợp nhất. Sức mạnh để vững vàng trên con đường này là tiến bộ của con, dù ít ỏi, cũng đồng nghĩa đang tịnh tiến đến sự hòa nhập. Đó cũng là lúc chị Hòa hiểu rằng, không ai khác ngoài người mẹ, sẽ theo được suốt dặm dài đời con. Bằng lý lẽ đó, ở tuổi 36, chị quyết định bước lên một lộ trình mới mẻ: theo đuổi tấm bằng đại học ngành giáo dục đặc biệt. Ví như quả ngọt của lựa chọn đúng, chị nhớ lại, năm Hy 6 tuổi, gia đình đứng trước lựa chọn cho con học trường công hay quốc tế. Ưu điểm của trường quốc tế là chăm sóc, dạy nương theo năng lực, tính cách của trẻ. Chị chọn trường công lập, vì điều tiên quyết một đứa trẻ tự kỷ cần chính là nề nếp, nguyên tắc, khuôn khổ. Để dạy một đứa trẻ đặc biệt dù chỉ một kỹ năng thật đơn giản hay một kiến thức thật căn bản cũng phải trải qua hàng tháng, có khi hàng năm trời. Nhưng lối đi, đi mãi sẽ thành đường. Sự đồng hành của chị đã giúp Hy trở thành học sinh giỏi nhất khối lớp 1 và từ đó đến mới đây, “tốt nghiệp” lớp 8, Hy luôn dẫn đầu cả lớp về thành tích học tập. Hy được nhiều gia đình ngưỡng mộ. Chị Hòa và con trai Gia Hy Tham gia rất nhiều hoạt động liên quan đến tự kỷ, chị Hòa mạnh dạn sẻ chia kiến thức và kinh nghiệm đồng hành cùng con với tất cả khó khăn, hạn chế, và còn cả những vô tình thiếu sót khi mải miết khắc phục khó khăn. Hào là con trai đầu của chị. Hơn Hy 8 tuổi nên những năm đầu mẹ đồng hành cùng em chữa chứng tự kỷ, cậu bé Hào đã vào tuổi dậy thì. Một ngày, Hào bỗng dưng nổi nóng: “Tại sao má không thương con?”. Sự bộc phát gắt gỏng khi thấy dường như mọi tình yêu trên đời mẹ dành hết cho em của cậu bé vị thành niên khiến chị Hòa giật mình. Với điều này, gia đình chị cũng đã hiểu rằng, bậc sinh thành dành quá nhiều sự quan tâm cho một đứa con, sẽ vô tình làm đứa con khác tổn thương. Chị ân cần chia sẻ để nhận được cảm thông từ Hào, và cố gắng nhiều hơn để học cách dung hòa. Khi những tiến bộ của Hy trở thành động lực cho rất nhiều phụ huynh, dần dần, chị Hòa thành… “người truyền cảm hứng”. Chị sẵn sàng đón nhận tất cả tâm tư cùng gửi gắm của các bậc sinh thành có con đặc biệt, từ đó, thấm thía tự kỷ là khuyết tật thử thách lòng kiên nhẫn, tình yêu của cha mẹ với con và với chính bản thân mình. Không ít người làm cha mẹ phủ nhận con tự kỷ bằng “cái tôi” cho rằng cả nhà đều khỏe mạnh, con không thể “mắc bệnh lạ”, đến khi chấp nhận thì đã cướp mất cơ hội được hòa nhập của con. Có người vì xấu hổ, giấu cả tình trạng sức khỏe của con. Lại có lắm cha mẹ khó khăn, không thể cho con điều kiện tiếp cận sớm các phương pháp giáo dục đặc biệt… Cảm thông và cũng thấu suốt rằng, bậc sinh thành dẫu có nặng mang bao nỗi niềm thì thiệt thòi vẫn là những đứa trẻ tự kỷ nếu không can thiệp đúng thời điểm và phương pháp, chị Hòa quyết tâm thành lập ngôi nhà chung Tiếp Bước khi vẫn đang là cô sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt hệ vừa học vừa làm của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Nhìn tấm bằng thạc sĩ mới nhận vào năm ngoái, chị Hòa kể: “Xong khóa cử nhân, Hy cũng chuẩn bị vào tuổi dậy thì, tôi cảm thấy vẫn chưa đủ để hỗ trợ và đồng hành cùng con cũng như phụ huynh và những đứa trẻ đặc biệt khác, nên quyết định dành thêm 3 năm chinh phục tấm bằng này”. 3 năm dằng dặc đó, chị miệt mài, ròng rã đi về giữa TPHCM - Hà Nội khi TPHCM chưa có lớp cao học ngành giáo dục đặc biệt. 3 năm đó, lắm lúc chị mỏi mệt và cố nén nỗi phiền muộn riêng mang khi không có ngày nào trọn vẹn dành cho gia đình. Nhưng chị có “đơn thuốc tinh thần” là sự động viên của chồng và người thân, đặc biệt là câu nói của Hy: “Giờ má lo cho các em đi, con không có gì phải lo nữa, để các em cũng có tương lai và cơ hội được hòa nhập”. PHONG THƯ