Báo điện tử Đại biểu nhân dân,

Nghiên cứu thấu đáo để xây dựng Luật Học tập suốt đời

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 06:17:56 02/10/2024 theo đường link https://daibieunhandan.vn/nghien-cuu-thau-dao-de-xay-dung-luat-hoc-tap-suot-doi-post391984.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân
Trong nền kinh tế tri thức và bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc học tập suốt đời càng trở nên quan trọng. Đã đến lúc xây dựng luật về học tập suốt đời, song các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… cho rằng, cần nghiên cứu một cách thấu đáo cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học, thực tiễn… để đưa ra các chính sách phù hợp, khả thi.
Thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập
Đúng vào ngày đầu tiên của Tuần lễ Hưởng ứng Học tập suốt đời năm 2024, ngày 1.10, Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đã họp góp ý đề xuất khung Luật Học tập suốt đời. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời, sự kiện này thực sự có ý nghĩa.
“Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử, từ trăn trở “ai cũng được học hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các chủ trương, đường lối lớn của Đảng ta những năm qua. Trong các văn kiện từ Đại hội IX đến Đại hội XI, Đảng nhất quán chủ trương thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi người đều có thể được học tập suốt đời ”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trần Hiệp
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.
Luật Giáo dục 2019 ra đời đã thể chế hóa các quan điểm và chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, tạo hành lang pháp lý để phát triển giáo dục Việt Nam theo hướng mở, liên thông, tạo cơ hội học tập bình đẳng và suốt đời cho mọi người dân.
Trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định xây dựng luật về học tập suốt đời như là một giải pháp để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo, thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Vũ Thị Tú Anh đề xuất một số định hướng chính sách cần được thể chế hóa trong Luật Học tập suốt đời. Ảnh: Trần Hiệp
Như vậy có thể thấy, xây dựng Luật Học tập suốt đời chính là thực hiện một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực học tập suốt đời, thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập của Chính phủ và ngành giáo dục; thể hiện ý chí, cam kết chính trị của Việt Nam trong việc nhìn nhận học tập suốt đời như một “quyền con người mới” trong thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng, xây dựng luật này sẽ rất khó. Bởi đây là luật mới, đối tượng tác động rất rộng (con người từ bậc học mầm non đến khi kết thúc cuộc đời); phương thức đa dạng, chương trình phong phú; mong muốn thuộc chi phối của nhiều đối tượng; liên quan tới nhiều quy định pháp luật khác... “Trước vấn đề mới và khó như thế, cần có phương pháp và cách thức phù hợp, phát huy trí tuệ tập thể”.
Học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm công dân
PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, khẳng định việc sớm có Luật Học tập suốt đời sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để thúc đẩy các hoạt động học tập suốt đời, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng tốt hơn những thách thức của thời đại mới. Song, để xây dựng được luật này và triển khai vào thực tế, thực hiện mục tiêu học tập suốt đời trong bối cảnh hiện nay, cần có những giải pháp cụ thể và toàn diện.
PGS.TS Tô Bá Trượng cho rằng, điều quan trọng đầu tiên phải nâng cao nhận thức cho mọi người về học tập suốt đời. Ảnh: Trần Hiệp
Trước hết, “phải nâng cao nhận thức cho tất cả đối tượng trong xã hội từ người dân bình thường đến các cấp lãnh đạo từ địa phương đến trung ương. Tất cả các đối tượng này nhận thức được vai trò, tác dụng của học tập suốt đời, họ mới đóng góp với khả năng, nhiệm vụ của mình trong việc thi hành luật và tự giác, chủ động trong học tập”, PGS.TS Tô Bá Trượng nhấn mạnh.
Giám đốc EAS Việt Nam Bùi Phương Việt Anh cũng rất ủng hộ việc xây dựng Luật Học tập suốt đời, bởi nó sẽ tạo ra những thay đổi rất lớn trong tương lai. Nhưng phải quyết tâm rất cao, thực sự đồng lòng, thực hiện đúng cách và có lộ trình rõ ràng. “Đầu tiên phải nhận thức đúng về vai trò của học tập suốt đời, từ đó chuyển biến thành chính sách”.
Từ chính sách về học tập suốt đời của các quốc gia và thực tiễn thực hiện, Luật sư Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Trường đại học Anh quốc Việt Nam, khuyến nghị, Luật Học tập suốt đời cần quy định việc thiết lập hệ thống và cơ sở hạ tầng học tập suốt đời, bao gồm cả việc thành lập các cơ sở đào tạo và trung tâm học tập cộng đồng ở cả cấp quốc gia và địa phương do Nhà nước đầu tư và cho phép tư nhân đầu tư thành lập các trung tâm học tập suốt đời bằng các thủ tục, điều kiện đơn giản.
Luật sư Nguyễn Kim Dung đưa ra một số khuyến nghị để xây dựng Luật Học tập suốt đời phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ảnh: Trần Hiệp
Luật cũng cần đưa ra các quy định về hỗ trợ tài chính cho các chương trình học tập suốt đời để khuyến khích mọi người dân tham gia; cho phép và định hướng việc phát triển các chương trình học tập linh hoạt, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người học. Có chính sách thuế ưu đãi hoặc các khoản tài trợ từ chính phủ để thu hút khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn vào việc phát triển nguồn nhân lực thông qua việc cung cấp các dịch vụ học tập suốt đời…
Xây dựng Luật Học tập suốt đời là cần thiết và cấp bách, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật này sẽ không chỉ bổ trợ cho hệ thống giáo dục quốc dân mà còn mở rộng cơ hội học tập cho mọi người, giúp giải quyết những thách thức hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, “xây dựng Luật Học tập suốt đời để cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành có trách nhiệm tạo cơ hội, điều kiện để cho ai cũng được học như mong muốn của Bác Hồ; cao hơn nữa là phải học, việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm công dân”.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị sớm thành lập Ban Nghiên cứu xây dựng Luật Học tập suốt đời để tiến hành nghiên cứu các vấn đề trọng tâm như: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; xác định các chính sách để thúc đẩy học tập suốt đời; đánh giá tác động, tính khả thi và nguồn lực thực hiện; lấy ý kiến chuyên gia, các đối tượng tác động…
Nhật Linh
Sao chép thành công