Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam,

Nguy cơ sạt lở ở Hòa Bình: Người dân thấp thỏm trong cảnh có nhà nhưng không thể về

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:08:11 07/10/2024 theo đường link https://phunuvietnam.vn/nguy-co-sat-lo-o-hoa-binh-nguoi-dan-thap-thom-trong-canh-co-nha-nhung-khong-the-ve-20241005230033958.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
PV
30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu tại xóm Rằng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, Hòa Bình) phải di dời khỏi nơi cư trú trước nguy cơ sạt lở đất.
Quả đồi cạnh nhà bất ngờ nứt toác, nguy cơ sạt lở cao khiến nhiều hộ dân ở Hòa Bình phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Hàng trăm người dân thấp thỏm trong cảnh sống nhờ chưa biết đến khi nào.
Sống trong nỗi bất an Ngày 9/9, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên tại xóm Rằng, xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) xuất hiện những vết nứt và tiếng nổ lớn tại đồi Ao Ếch phía sau xóm Rằng, có nguy cơ rất cao sạt trượt xuống khu vực cụm dân cư. Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã vận động 14 hộ dân với 61 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao di dời đến nơi an toàn.
Đến ngày 13/9, khu vực xóm Rằng tiếp tục xuất hiện các vết nứt và sụt lún dạng bậc thang, tại điểm lớn nhất có độ cao khoảng 200m và xuất hiện cung trượt dài khoảng 500m với khối lượng đất, đá sạt trượt rất lớn. Chính quyền địa phương đã cho di dời tiếp 16 hộ dân với 65 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Mưa lớn gây sạt lở khiến con đường từ Tỉnh lộ 433 vào xóm Rằng bị chia cắt.
Những hộ dân phải di dời được bố trí sống tạm tại nhà những người thân. Một số khác được chính quyền địa phương bố trí sống tại nhà văn hóa của xóm, cách khu vực có nguy cơ bị sạt lở chừng 500m.
Gần 20 ngày chạy sạt lở, nhưng ông Đinh Văn Sự (57 tuổi, người dân tộc Tày, trú tại xóm Rằng, xã Cao Sơn) vẫn chưa quen được với cuộc sống tại nơi ở tạm là nhà văn hóa xóm Rằng. Ông Sự bảo, mong muốn lớn nhất của ông bây giờ là được trở về nhà của gia đình mình. Tuy nhiên, với nguy cơ sạt lở cao như bây giờ, chẳng biết bao giờ mong ước của ông Sự mới trở thành hiện thực.
Những vết nứt toác chạy dọc đồi Ao Ếch buộc chính quyền địa phương phải di dời người dân để đảm bảo an toàn tính mạng cho họ.
Gia đình ông Sự có 6 khẩu. Ngày 9/9, trước tình trạng quả đồi phía sau nhà có nguy cơ sạt lở, ông Sự cùng 13 hộ dân khác buộc phải di dời người và tài sản. Trong khi con dâu và 2 người cháu về ngoại để tiện việc học hành, người con trai đi làm ăn, thì vợ chồng ông Sự được chuyển đến ở tạm tại nhà văn hóa xóm Rằng. Căn nhà nhỏ nằm dưới chân đồi của gia đình ông giờ chỉ còn 1 con chó cùng đàn gà.
"Từ khi chuyển đến đây, đêm nào tôi cũng chập chờn, khó ngủ. Sinh hoạt nơi đông người lại không được thoải mái. Nhiều khi nghĩ đến những con vật nuôi trong gia đình không được chăm sóc. Bây giờ, tôi chỉ muốn được trở về nhà", ông Sự chia sẻ.
Khu vực nhà văn hóa xóm Rằng được trưng dụng làm nơi lưu trú tạm cho những người dân chạy sạt lở.
Những ngày trước, trời còn mưa, vợ chồng ông Sự không dám qua lại căn nhà cũ. Tuy nhiên, vào những ngày trời nắng, cảm thấy nguy hiểm vơi dần đi, ông Sự cũng nhiều người dân khác quay trở về nhà chăm sóc vật nuôi rồi đến tối lại trở ra nhà văn hóa để ngủ.
Bà Lường Thị Khoáng (61 tuổi, người dân tộc Tày) là một trong số những người đang lưu trú tạm tại nhà văn hóa xóm Rằng. Ngôi nhà nơi 6 người trong gia đình bà Khoáng sinh sống được xếp vào diện đặc biệt nguy hiểm khi nằm ngay dưới chân quả đồi xuất hiện những vết nứt. Bà Khoáng được di dời từ ngày 9/9, sau 2 ngày ở nhờ nhà người thân, bà được đưa ra nhà văn hòa xóm Rằng để lưu trú tạm.
Gần 20 ngày chạy sạt lở, nhưng ông Đinh Văn Sự vẫn chưa quen được với cuộc sống tại nơi ở tạm.
Tài sản đã chuyển ra ngoài hết, nhà cũng không nuôi nhốt vật nuôi gì nên bà Khoáng hầu như không quay trở lại ngôi nhà của gia đình để xem xét tình hình. "Tôi rất sợ bởi trường hợp bất trắc có thể xảy ra bất cứ khi nào", bà Khoáng chia sẻ.
Căn nhà nằm ngay dưới khu vực đang được cảnh báo có thể sạt lở nhưng nhiều ngày nay, ngày nào bà Xa Thị Tèm (69 tuổi, người dân tộc Tày) cũng phải "xé rào" trở về nhà để chăm sóc vật nuôi. "Nhà tôi nuôi 1 con trâu cùng gà, chó, những khi mưa, bất đắc dĩ không thể trở về nhà được thì đành chịu chứ những lúc nắng ráo, tôi cũng phải về nhà cho chúng ăn rồi lại trở ra. Dẫu biết cũng rất nguy hiểm nhưng không thể làm khác được", bà Tèm chia sẻ.
Bà Xa Thị Tèm cho biết bản thân bà không muốn di chuyển ra nơi ở mới.
Khác với nhiều hộ dân sinh sống tại xóm Rằng, căn nhà của gia đình bà Tèm được xây bề thế, rộng rãi. Vậy nên, khi biết được chính quyền địa phương có thể di dời tất cả các hộ dân ở xóm Rằng đến nơi tái định cư mới, bà Tèm không khỏi bùi ngùi.
Bà bảo: "Hàng chục năm nay gia đình tôi sinh sống ở đây, chưa từng thấy xảy ra sạt lở gì. Vậy nên, nếu phải di chuyển đi, chúng tôi thật lòng không muốn. Rồi tới nơi ở mới coi như sẽ lại phải gây dựng lại từ đầu, sẽ rất khổ".
Sát cánh cùng người dân chạy sạt lở Trong những ngày người dân xóm Rằng chạy sạt lở, theo đại diện UBND xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc), Hội LHPN xã đóng một vai trò quan trọng khi chị em đã phối hợp cùng các lực lượng khác của xã di chuyển đồ đạc, của cải, động viên tinh thần của những người dân phải di dời.
Đó cũng là những khoảng thời gian mà chị Lý Thị Toàn (Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Sơn) không thể quên được. Chị Toàn chia sẻ, khu vực xóm Rằng địa hình cao nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở.
Vị trí quả đồi xuất hiện những vết nứt lan rộng.
Tuy nhiên, khoảng ngày 8/9, sau khi trên địa bàn xã liên tiếp có mưa trong nhiều ngày, lực lượng dân quân xã đi kiểm tra thì phát hiện trên ngọn đồi Ao Ếch xuất hiện vết nứt dài và rộng kéo dài hơn 200m, bên trong đất có nước đục chảy ra nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất rất lớn. Thông tin trên được báo cáo với lãnh đạo xã Cao Sơn. Nắm được tình hình, chính quyền xã Cao Sơn đã họp bàn và thống nhất phương án di dời 14 hộ dân với 61 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao di dời đến nơi an toàn.
Lực lượng của xã được huy động tối đa để giúp đỡ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản. Nắm được tinh thần trên, với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Sơn, chị Lý Thị Toàn đã thông báo đến toàn thể chị em hội viên qua nhóm Zalo để tập hợp nhân lực hỗ trợ công tác di dời. Trong tổng số 96 hội viên, ngoài những hội viên cao tuổi hoặc đi làm ăn xa, có 49 hội viên tham gia vào công tác giúp đỡ người dân di dời đồ đạc, tài sản.
Bà Lường Thị Khoáng là 1 trong những người dân đang lưu trí tại nhà văn hóa xóm Rằng.
Chị Toàn chia sẻ thêm, bên cạnh công việc hỗ trợ di dời tài sản, chị em hội viên còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tinh thần của những người phải di dời. "Khi ấy, xuống đến xóm Rằng, nhiều chị em rơi vào tình trạng hoảng hốt, lo lắng khi phải di dời, nhất là những chị em có chồng đi làm ăn xa không có ở nhà. Khi đó, chị em hội viên phải chia nhau ra, nhóm hỗ trợ di dời, nhóm còn lại có nhiệm vụ trấn an, ổn định tinh thần cho người dân", chị Toàn chia sẻ.
Ngày 13/9, 16 hộ dân với 65 nhân khẩu tại xóm Rằng tiếp tục phải di chuyển đến nơi an toàn, hội viên Hội LHPN xã Cao Sơn cũng có mặt đông đảo để hỗ trợ bà con. Theo chị Toàn, do tính chất công việc cấp bách, khối lượng tài sản cần di dời nhiều nên các chị em đều làm xuyên trưa, thời gian nghỉ ngơi ngắn, họ chỉ uống vội chai nước, ăn tạm cái bánh rồi tiếp tục làm.
Chị Lý Thị Toàn (Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Sơn) chia sẻ với PV.
"Khi việc di dời, sắp xếp chỗ ở cho người dân đã được ổn định thì một vấn đề cấp bách đặt ra là vấn đề lương thực, thực phẩm cho bà con. Trong tình hình đó, hội viên Hội LHPN xã Cao Sơn lại tiến hành kêu gọi, vận động người dân, hội viên hỗ trợ để giúp đỡ những người phải di dời", chị Toàn nhớ lại.
Khi cái ăn, chốn ở cho bà con đã xong, chứng kiến cảnh nhiều người dân bàng hoàng, lo sợ, tinh thần không được ổn định tại nơi ở mới, Hội LHPN xã Cao Sơn lại cắt cử người thường xuyên đến những nơi người dân cư trú tạm để động viên, ổn định tinh thần giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sao chép thành công