Chuyên trang Pháp luật và Xã hội - Báo KTĐT,

Nhiều bệnh nhân nguy kịch vì chủ quan với vết thương nhỏ

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 07:32:53 08/10/2024 theo đường link https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhieu-benh-nhan-nguy-kich-vi-chu-quan-voi-vet-thuong-nho-397245.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca bệnh uốn ván nặng, đòi hỏi phải áp dụng các phương pháp điều trị hồi sức tích cực, thậm chí phải lọc máu. Chi phí điều trị cho những ca bệnh này vô cùng tốn kém, và nguy cơ tử vong rất cao.
Cấp cứu cho bệnh nhân uốn ván. Ảnh: BVCC
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.V.G, nam giới, 49 tuổi, làm nghề thợ mộc ở Bắc Ninh, nhập viện ngày 17/9/2024 với các triệu chứng cứng hàm, khó há miệng, khó thở và đi lại khó khăn. Bệnh nhân được chẩn đoán uốn ván toàn thể kèm suy hô hấp.
Nguyên nhân được xác định là do 2 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân bị máy bào gỗ cắt vào ngón tay. Do chủ quan, bệnh nhân chỉ tự xử lý vết thương và đắp lá tại nhà mà không đi tiêm phòng uốn ván. Khi nhập viện, vết thương đã hoại tử đen và nghi có dị vật.
Sau 2 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân ngày càng nặng, phải thở máy, lọc máu, dùng kháng sinh liều cao. Bệnh nhân hiện trong tình trạng nguy kịch với nhiều biến chứng nghiêm trọng như sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, suy gan thận cấp, tiêu cơ vân cấp và vô niệu.
Trường hợp khác là bệnh nhân N.V.M, nam giới, 56 tuổi, ở Hải Dương, nhập viện ngày 27/9/2024 với các triệu chứng cứng hàm, khó ăn nuốt, tăng trương lực cơ toàn thân. Nguyên nhân là do 1 tuần trước, bệnh nhân có nhọt ở ngón chân cái nhưng vẫn lội nước bẩn trong đợt mưa bão, dẫn đến vi khuẩn xâm nhập qua vết thương. Bệnh nhân chưa từng được tiêm phòng uốn ván.
Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân có tiến triển khả quan hơn, không phải thở máy. Tuy nhiên vẫn còn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn tử vong vì có thể xảy ra các biến chứng suy hô hấp, bội nhiễm trên cơ địa nhiều bệnh nền.
Bệnh nhân L.V.T, nam giới, 56 tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội, nhập viện ngày 30/9/2024 với các triệu chứng cứng hàm, khó há miệng, nuốt sặc, khó thở và co cứng chân tay. Ba tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân đi chân đất làm ruộng và dẫm phải đinh gỉ. Bệnh nhân chỉ tự uống kháng sinh mà không tiêm phòng uốn ván.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được tiêm vaccine và kháng huyết thanh uốn ván, cùng với việc cắt lọc và rửa vết thương. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Qua 3 trường hợp trên, các bác sĩ nhấn mạnh rằng không thể chủ quan với những vết thương hở ở tay, chân, tai nạn trong quá trình lao động, sinh hoạt như bị dao cứa, dẫm phải đinh nhọn, sắt, thép, va chạm vào các dị vật bẩn, hoặc tay chân đang có vết thương hở lại dầm trong nước bẩn, tiếp xúc với bùn đất bẩn.... Cả 3 bệnh nhân nêu trên đều chủ quan tự chữa, sơ cứu ở nhà, mà không hề biết là mình đã bị nhiễm vi khuẩn uốn ván. Chỉ khi đã vào giai đoạn toàn phát thì mới đi khám trong tình trạng nặng, tiên lượng khó khăn, bệnh nặng đe dọa tính mạng.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Vi khuẩn này sống trong môi trường đất bẩn và xâm nhập vào cơ thể qua vết thương, sản sinh ra ngoại độc tố gây co cứng cơ và co giật.
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván bao gồm nông dân, công nhân chưa được tiêm phòng và thường xuyên tiếp xúc với môi trường bẩn, cũng như trẻ sơ sinh mà mẹ không được tiêm phòng trong thai kỳ...
Để phòng ngừa uốn ván, việc quan trọng nhất là tiêm phòng vaccine, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao. Khi bị thương, cần nhanh chóng sát trùng vết thương đúng cách và đến cơ sở y tế để được tiêm phòng kháng huyết thanh uốn ván. Trong lao động và sinh hoạt, cần hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và sử dụng các biện pháp bảo hộ như đi ủng, găng tay.
Khi mắc bệnh, bệnh nhân cần được điều trị khẩn cấp tại các cơ sở y tế có trung tâm hồi sức tích cực. Việc điều trị bao gồm theo dõi sát sao tình trạng hô hấp, dùng thuốc an thần để khống chế co giật, xử lý vết thương, trung hòa độc tố bằng kháng huyết thanh, sử dụng kháng sinh phổ rộng, hỗ trợ thở máy và chăm sóc dinh dưỡng.
Minh Nhật
Sao chép thành công