Nội dung liên quan Phường Hà Khánh, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh, Tin Trong Nước
Báo Giao Thông - Tin tức 24h qua, Tin nóng mới nhất hôm nay,
Nhiều ca nhiễm khuẩn, biến chứng sau lũ lụt
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
10:00:52 04/10/2024
theo đường link
https://www.baogiaothong.vn/nhieu-ca-nhiem-khuan-bien-chung-sau-lu-lut-192241003230406793.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hệ thống y tế ghi nhận nhiều ca nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng do nhiễm khuẩn từ môi trường ô nhiễm sau bão lũ, ngập lụt. Nhiễm bệnh khi dọn dẹp sau lũ Tại Khoa Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, sau đợt mưa bão vừa qua ghi nhận sự gia tăng bệnh nhân nhập viện điều trị liên quan đến bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei và các bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhiễm trùng da, đường tiêu hóa… Một ca điều trị tại bệnh viện do nhiễm khuẩn từ môi trường ô nhiễm sau ngập lụt. Điển hình trường hợp anh P.V.K (45 tuổi, trú tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long) được gia đình đưa đến khám trong tình trạng người mệt mỏi, sốt cao kéo dài nhiều ngày không dứt. Được biết, do ảnh hưởng của bão số 3, nơi ở của gia đình anh K bị ngập nước kèm bùn bẩn, sình lầy. Sau khi tham gia dọn dẹp nhà cửa, anh K bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt cao liên tục, mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, anh K mắc bệnh whitmore do nhiễm khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm gây ra. Cũng mắc căn bệnh nguy hiểm này, cuối tháng 9, tại Lào Cai ghi nhận 1 bệnh nhân trú ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Trước đó, bệnh nhân dọn bùn đất sau lũ, không sử dụng đồ bảo hộ, có tổn thương xây xát ngoài da. Một ngày sau đó, bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, sau đó tăng dần, đau nhức cơ khớp toàn thân, mụn mủ rải rác 2 chân, lưng. Bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám và điều trị, do diễn tiến nặng nên được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Nhiều ca nhiễm khuẩn nguy hiểm Nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hơn 1 tuần, sức khỏe anh T.V.Đ (SN 1971, trú tại TP Yên Bái) đang dần phục hồi. Trước đó, anh Đ được chuyển cấp cứu từ Yên Bái trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết không xác định, suy gan, suy thận nặng, thở máy. Ca bệnh nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Theo lời người thân của anh Đ, suốt thời gian vừa qua, gia đình sống trong vùng bão lũ, toàn bộ nhà ngập sâu trong nước lũ. Sau đó, anh Đ tham gia dọn dẹp phòng chống lũ, tiếp xúc nhiều với nước, bùn đất. Trước khi vào viện khoảng 1 tuần, anh Đ thấy đau mỏi cơ toàn thân, sốt rét. Sau đó, anh Đ đi khám phát hiện suy thận, phải nhập viện. Tình trạng bệnh nặng hơn kèm sốt nên Đ được đặt nội khí quản và chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại đây, anh Đ được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết có sốc, nhiễm Leptospira (bệnh xoắn khuẩn vàng da), viêm phổi, viêm tụy cấp, suy thận cấp, xơ gan. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận 5 bệnh nhân trong cùng 1 gia đình ở Thái Nguyên với biểu hiện sốt, mệt mỏi; trong đó có 1 ca nặng phải nhập Khoa Cấp cứu bởi men gan tăng cao, suy thận cấp và giảm tiểu cầu. Tất cả đều được xác định nhiễm xoắn khuẩn vàng da. BS Phạm Thanh Bằng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: Loại xoắn khuẩn này thâm nhập vào cơ thể người qua những vết xước ở da, niêm mạc khi tiếp xúc với nước bị nhiễm. Bệnh hay gặp vào mùa mưa do xoắn khuẩn lan theo dòng nước. Trận lũ lụt do bão Yagi vừa qua tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán của vi khuẩn này. Không chủ quan với whitmore Theo PGS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, tại Trung tâm thời gian qua tiếp nhận và điều trị nhiều ca whitmore. Đây là bệnh có diễn biến đa dạng, phức tạp và dễ bỏ sót. Chính vì vậy bệnh nhân có thể tử vong do viêm phổi, nhiễm trùng máu và sốc nhiễm khuẩn. Để giảm thiểu nguy cơ mắc whitmore, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc trực tiếp với đất nước bẩn, ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, vết trầy xước, chảy máu; hoặc người có nhiều bệnh lý nền... "Việt Nam là vùng dịch tễ lưu hành whitmore. Đặc biệt, sau thời gian bão lũ, người dân phải sống chung với bùn, đất, nước dài ngày sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, khi người bệnh bị sốt, có các ổ viêm, áp-xe nhiều nơi cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc whitmore, đặc biệt người có bệnh nền đái tháo đường. Việc phát hiện whitmore sớm rất quan trọng trong lộ trình, phác đồ điều trị, giảm thiểu nguy cơ tử vong", BS Cường nói. Theo BS Lương Xuân Kiên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, sau mưa bão, vô số các vi sinh vật, rác bẩn, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn thực phẩm, làm gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng. Vi khuẩn có thể gây nhiều bệnh dịch qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nguy cơ lây nhiễm càng cao với những người có vết trầy xước trên da. Khi nhiễm vi khuẩn, cần đặc biệt lưu ý với những người có bệnh lý nền, mạn tính, nếu không điều trị kịp thời, tích cực sẽ dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. "Để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn sau mưa lũ, người dân đảm bảo việc vệ sinh cá nhân hằng ngày; không nên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, trầy xước chảy máu; ăn chín, uống sôi… Khi có biểu hiện bất thường cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời", BS Kiên khuyến cáo.