Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Tính đến thời điểm chúng tôi thực hiện chuyên đề này, đã có hàng chục căn nhà được khánh thành, bàn giao cho người dân theo hình thức "chìa khoá trao tay", trong đó nhiều căn nhà vượt tiến độ Bộ Công an giao nhờ có cách làm quyết liệt, sáng tạo, kịp thời của Công an các địa phương.
Tập trung mọi nhân lực, vật lực để có vị trí đất sớm nhất
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngay khi nhận được công văn của Văn phòng Bộ Công an thông báo chủ trương của Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về hỗ trợ làm nhà cho các hộ dân bị thiệt hại, mất nhà, hỏng nhà bởi thiên tai, Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát số nhà cần hỗ trợ. Qua đó, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà bị sập, đổ hoàn toàn, các hộ dân đang phải tạm trú ngụ trong chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đó là nhà chị Hoàng Thị Huyền ở xóm Văn La 2, xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa và nhà ông Nguyễn Minh Lý ở xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa.
Công an xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn tháo dỡ nhà cũ bị mưa bão gây hư hỏng để giúp người dân làm nhà mới trong đợt 1.
Ngày 16/8, Công an tỉnh Thái Nguyên cử đoàn khảo sát đến hai hộ dân để ghi nhận tình hình và lên phương án xây dựng nhà tạm theo mẫu của Bộ Công an. Lúc này, đường vào hai nơi vẫn đang bị cô lập do mưa ngập, CBCS phải đi đường vòng, tăng bo xe máy kết hợp cuốc bộ, lội nước, việc khảo sát gặp không ít khó khăn. Phải đợi đến ngày 22/8, khi nước rút bớt, nền đất ổn định, Công an tỉnh mới có thể phối hợp chính quyền địa phương khởi công xây dựng đồng thời 2 căn nhà. Để làm nhà xong trước tiến độ, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp chính quyền địa phương tập trung nhân lực, vật lực, với tinh thần quyết tâm cao; thường xuyên giám sát, đôn đốc đơn vị thi công thực hiện việc xây lắp công trình đảm bảo chất lượng tốt nhất, đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở huy động nhân công tại chỗ hỗ trợ dọn dẹp, bàn giao mặt bằng và vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ thi công.
Thượng tá Phạm Thế Anh, Trưởng Công an huyện Định Hoá nhớ lại, khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an thì anh đang dự cuộc họp với lãnh đạo huyện, do Chủ tịch UBND huyện Định Hoá Nguyễn Minh Tú chủ trì. "Ngay lập tức, tôi báo cáo luôn nội dung này, đề xuất lãnh đạo huyện, mời đồng chí Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường xuống các xã cùng làm việc, hướng dẫn các xã làm sao nhanh nhất có thể để có vị trí đất cho Bộ Công an triển khai xây dựng nhà đảm bảo kịp thời. Các xã lập tức vào cuộc nên việc triển khai nhanh chóng, công trình càng có ý nghĩa khi hoàn thành trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc, giúp gia đình có nơi ở an toàn trước khi bão, lũ tràn về", anh kể.
Đồng hành cùng hoạt động của lực lượng Công an, dự Lễ khánh thành, bàn giao nhà cho gia đình chị Hoàng Thị Huyền đúng vào dịp Tết Độc lập vừa qua, đồng chí Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá cho biết, Định Hoá là "Thủ đô gió ngàn" có địa chất phức tạp, trước những cơn bão đã có nhiều hộ dân bị hư hỏng nhà cửa, phải di dời đến nơi an toàn hơn. Nguồn lực địa phương không có nhiều nên huyện phải kêu gọi sự giúp đỡ của các cấp, ngành, do đó, chủ trương làm nhà hỗ trợ của Bộ Công an rất hiệu quả và sát với thực tế, giúp địa phương trong tình huống khẩn cấp có chỗ ở ngay để người dân ổn định cuộc sống.
"Vừa rồi, nếu không có lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt trong việc cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương giúp dân phòng, chống thiên tai thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ. Lực lượng CAND cơ động, phản ứng nhanh, rất kịp thời trong mọi tình huống, luôn đồng hành cùng địa phương và nhân dân đảm bảo ANTT, phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả và nhà mẫu rất chắc chắn, bền đẹp, ổn định trước mắt cho người dân", Phó Chủ tịch huyện Định Hoá đánh giá. Đến nay, Công an tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành 3/3 căn nhà Bộ giao, đều vượt tiến độ.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, rút gọn quy trình, thủ tục
Tại tỉnh Bắc Kạn, Đại tá Hà Văn Tuyên, Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ, kinh nghiệm được đúc rút ra qua lần hỗ trợ người dân làm nhà này là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong triển khai. Việc thực hiện phải cụ thể, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện.
Sự quyết liệt của người đứng đầu Công an tỉnh Bắc Kạn cũng tạo chuyển động tích cực xuống huyện. Thượng tá Luân Lưu Tuyến, Trưởng Công an huyện Pác Nặm cho biết, trước chủ trương của lãnh đạo Bộ, sau khi nhận ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo CBCS rà soát, qua đó có 3 hộ dân cần được hỗ trợ là: gia đình anh Nông Văn Lầu (SN 2003), dân tộc Mông, trú thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, nhà bị sập hoàn toàn, vùi lấp 4 người tử vong; gia đình ông Nông Văn Chẹ (SN 1983) và gia đình anh Hoàng Văn Tu (SN 1990), đều dân tộc Mông, cùng trú thôn Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, bị sạt lở đất gây hư hỏng nhà, hiện nhà không sử dụng được.
Làm nhà ở miền núi, vùng sâu, vùng xa không hề đơn giản. Quá trình làm thời tiết cũng không ủng hộ, liên tục mưa bão, việc vận chuyển nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn, trong khi đa số hộ dân sống ở triền núi, mưa lũ khiến các tuyến đường bị sạt lở, ôtô và xe tắc-tơ không thể vào được, có những gia đình phải vận chuyển từng viên gạch, bao cát bằng xe máy; rồi quá trình đổ móng, đổ nền bị ảnh hưởng do mưa kéo dài... "Song, được sự giúp đỡ của địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của CBCS Công an, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên..., chúng tôi đã hoàn thành 3 căn nhà, vượt tiến độ 17 ngày so với Bộ Công an giao. Quan trọng là người dân kịp thời có căn nhà vững chắc, nếu không, họ phải sống trong lều tạm khi mưa bão sẽ nguy hiểm đến tính mạng", Thượng tá Luân Lưu Tuyến cho hay.
Pác Nặm là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, hiện vẫn còn 1.300 nhà dân có nhu cầu xoá nhà tạm, nhà dột nát. Bên cạnh đó, đây cũng là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, sau những đợt như thế này, người dân bị thiệt hại nặng nề về cả nhà cửa và hoa màu... Xuất phát từ nhu cầu của huyện và điều kiện thực tế ở địa phương, những năm qua, Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Kạn rất quan tâm, ủng hộ cho Pác Nặm, đặc biệt là chủ trương làm nhà.
"Mô hình nhà lắp ghép của Bộ Công an rất phù hợp với điều kiện của người dân ở địa phương, nhất là những hộ nghèo, không có khả năng đối ứng vốn, kinh phí làm nhà hoặc hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong khi việc hỗ trợ vừa đúng đối tượng, vừa triển khai lắp đặt rất nhanh gọn, so với việc thực hiện các quy trình, thủ tục từ các chương trình khác, do vậy lợi ích mà người dân nhận được rất thiết thực, rõ ràng. Qua sự ủng hộ của Bộ Công an đã giúp huyện giải quyết nhiều trường hợp người dân có nhà khang trang, ổn định, an cư, từ đó yên tâm sản xuất, canh tác, nâng cao đời sống. Chúng tôi đánh giá rất cao và rất trân trọng chủ trương của Bộ Công an", Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Trịnh Đức Minh bày tỏ. Hiện, Công an tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành 7/8 căn nhà Bộ giao (theo hai đợt), đều xong trước tiến độ theo quy định.
"Như hỗ trợ làm nhà của người thân trong gia đình mình"
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra hơn 20 đợt lũ quét, sạt lở đất, làm 36 người chết, 20 người bị thương, gây hư hỏng trên 10.000 ngôi nhà, ước tính thiệt hại trên 500 tỷ đồng. Theo Đại tá Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang, ngay khi nắm bắt chủ trương của Bộ trưởng Bộ Công an về hỗ trợ làm nhà cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Công an tỉnh Hà Giang đã đề xuất Bộ hỗ trợ làm nhà đối với các gia đình tại 5 huyện. Theo kế hoạch, đợt 1 hỗ trợ xây dựng 14 nhà tại huyện Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Bắc Quang; đợt 2 hỗ trợ xây dựng 13 nhà và một điểm trường tại huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Quang Bình.
Đại tá Đỗ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cùng lãnh đạo huyện Bắc Quang bàn giao nhà và tặng quà gia đình bà Triệu Mùi Viện.
Quá trình triển khai thi công, tại các địa bàn liên tục xảy ra mưa lớn, kéo dài, sạt lở đất rất nhiều đoạn đường. Tuy vậy, Thượng tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Hà Giang khẳng định, Công an tỉnh đã sát sao chỉ đạo các đơn vị liên quan, tiến hành khảo sát, xác định vị trí và tạo mặt bằng thi công để xây dựng nhà ở mới cho các hộ dân bị nạn tại các địa bàn; yêu cầu Công an các huyện, huy động lực lượng đoàn viên, hội viên, Công an xã giúp dân tăng bo vận chuyển các vật liệu đến nơi tập kết; đôn đốc các đơn vị phối hợp nhà thầu khẩn trương, hoàn thiện nhà cho các hộ dân để kịp tiến độ.
Hiện công tác làm nhà đợt 1 đang rất gấp rút, phần mặt bằng, móng, nền các căn nhà đã xong, việc lắp đặt đang được triển khai. Dù chỉ mới hoàn thiện và bàn giao sớm một căn nhà cho bà Triệu Mùi Viện, trú tại thôn Chu Hạ, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, đúng vào dịp Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam 19/8, tuy nhiên, cách làm của Công an tỉnh Hà Giang là đồng bộ. Dự kiến các căn nhà khác sẽ hoàn thành vào ngày 15/10; còn đợt 2, các mặt bằng đã được lựa chọn, điểm trường cũng đã hoàn thành bản thiết kế, theo kế hoạch, sẽ hoàn thiện nhà cho các hộ dân vào ngày 15/11.
Theo Trung tá Hoàng Hồng Thắng, Trưởng Công an xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, những ngày cùng CBCS Công an xã, Công an huyện và các đơn vị của Công an tỉnh đến nhà các hộ dân sửa chữa, gia cố lại, cùng nhân dân vận chuyển vật liệu xây dựng nhà là những kỷ niệm không bao giờ quên. Tại những nơi các anh đến, tình cảm, sự quan tâm, mong chờ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bà con cứ thôi thúc, khiến mọi mệt mỏi như tan biến, ai cũng thực hiện công việc một cách hăng say "như đang hỗ trợ làm nhà cho người thân trong gia đình mình vậy".
Gia đình bà Triệu Mùi Viện nhiều lần đề nghị "được nấu bữa cơm" mời CBCS Công an xã và lực lượng ANTT ở cơ sở vì mọi người rất vất vả, ngày nào cũng từ sớm đến tối mịt giúp gia đình làm nhà. Nhưng các CBCS đều tìm lý do từ chối, vì các anh đều thấy hoàn cảnh của bà Viện đã quá khó khăn. Vậy nên, sau khi căn nhà được khánh thành, anh em CBCS và bà con hàng xóm bảo nhau cùng "góp gạo, thổi cơm" liên hoan nhà mới cho bà Viện, bữa cơm diễn ra trong không khí phấn khởi, ấm cúng, yên bình, quyến luyến...