Hình ảnh tại họp báo.
Nam miền Bắc
Nam miền Bắc
Nữ miền Nam
(PLVN) - Trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội tăng khá so với cùng kỳ; đảm bảo cân đối chi ngân sách. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định; công nghiệp tăng khá; phát triển văn hóa, thể thao được quan tâm đẩy mạnh.
Xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực
Chiều 3/10, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý III/2024. Chánh Văn phòng, Người phát ngôn UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng chủ trì họp báo.
Tại họp báo, thông tin về một số kết quả chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội 9 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Tú – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết, trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn TP tăng khá so với cùng kỳ; đảm bảo cân đối chi ngân sách. Trong đó, tổng thu NSNN trên địa bàn TP thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương TP Hà Nội thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 là 68.439 tỷ đồng, đạt 46,7% dự toán đầu năm, tăng 17,1% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư xã hội tăng khá, Quý III/2024 đạt 143.928 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm đạt 351.849 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tang 9%). Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 5.611 nghìn tỷ đồng, tăng 5,16%; tổng dư nợ đạt 4.072 nghìn tỷ đồng, tăng 12,59%.
Xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực, kim ngạch xuất khẩu Quý III/2024 đạt 5.611 triệu USD, tăng 28,8%; 9 tháng đầu năm đạt 14.447 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,2%), trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 20,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,8%.
Kim ngạch nhập khẩu Quý III năm 2024 đạt 10.918 triệu USD, tăng 10,9%; 9 tháng đầu năm đạt 30.465 triệu USD, tăng 13% (cùng kỳ giảm 12,6%), trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 14,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,5%.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ và mục tiêu cả năm, CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,97% (cùng kỳ tăn 1,21%); 9 tháng đầu năm tăng 4,88% (cùng kỳ tăng 1,22%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, chỉ có nhóm hàng giảm giá là bưu chính viễn thông.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định; công nghiệp tăng khá. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Quý III/2024 tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 3,0%); 9 tháng đầu năm tăng 5,4% (cùng kỳ tăng 2,6%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Quý III/2024 đạt 214,330 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% (cùng kỳ tăng 10,7%); 9 tháng đầu năm đạt 619,694 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% (cùng kỳ tăng 10,5%).
Ông Nguyễn Ngọc Tú thông tin tại họp báo.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt khá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, TP thu hút 1.540,4 triệu USD vốn FDI, trong đó có 197 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.111,5 triệu USD; 143 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 220,7 triệu USD và 178 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 208,1 triệu USD.
TP Hà Nội đã ký ban hành 23 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC), TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi/bổ sung, TTHC bị bãi bỏ theo phương án ủy quyền giải quyết TTHC (bao gồm: công bố danh mục 172 TTHC, ban hành mới theo Quyết định công bố của Bộ chủ quản: 19 TTHC; sửa đổi, bổ sung 142 TTHC, bãi bỏ 117 TTHC). Ban hành 15 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC. Các Quyết định công bố danh mục TTHC sau khi ban hành, đã được công khai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng Giao tiếp điện tử của Hà Nội và các địa điểm để người dân dễ tiếp cận khi thực hiện TTHC.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh, kết quả thể hiện qua Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của Hà Nội năm 2023 đạt 83,57%, là năm thứ 6 liên tiếp đạt trên 80%, tăng 9 bậc so với năm 2022, xếp thứ 21/63 tỉnh, TP. Chỉ số Cải cách hành chính - PAR INDEX năm 2023 đạt 91,43 điểm (tăng 1,85 điểm), xếp thứ 03/63 tỉnh, TP, giữ nguyên thứ bậc so với năm 2022. Bên cạnh kết quả cải thiện xếp hạng của các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội năm 2023 mặc dù tăng 0,06 điểm, đạt 43,96/80 điểm nhưng giảm 03 bậc so với năm 2022, xếp thứ 15/63 tỉnh, TP.
Phát triển văn hóa, thể thao được quan tâm đẩy mạnh. TP đã tập trung triển khai phát động và tổ chức các chương trình hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) thu hút đông đảo sự quan tâm, tham gia của Nhân dân.
Cùng với đó, hạ tầng khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp được chú trọng; chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững. An sinh xã hội được bảo đảm.
Đã hoàn thành, trình Thủ tướng phê duyệt 2 quy hoạch lớn của Thủ đô
Thông tin về công tác quy hoạch; xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, vành đai… gắn với phát triển đô thị; công tác quản lý trật tự xây dựng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, UBND TP đã phê duyệt thêm 13 đồ án quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, nâng tổng số đồ án quy hoạch phân khu được duyệt lên thành 19/29 đồ án; đã phê duyệt tổng số 89 nhiệm vụ, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng.
Cùng với đó, TP đã phê duyệt cập nhật Danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các Kế hoạch phát triển nhà ở của TP giai đoạn 2021-2025 (Đợt 3); hoàn thành thi công, lắp đặt thiết bị, thử nghiệm tích hợp hệ thống đoạn trên cao (Nhổn – Cầu Giấy) dài 8,5km thuộc Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 8/8/2024; đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km dự kiến đến 2027 hoàn thành.
TP tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; hoàn thành dự án Đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân...
Đặc biệt, ông Nguyễn Ngọc Tú cho biết, đến nay, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong Quý IV/2024, TP sẽ thực hiện công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng kế hoạch thực hiện 2 quy hoạch ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt.
Đến nay, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 đối với 18/18 huyện, thị xã (trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội) theo đúng tiến độ, là căn cứ để tiến hành thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh của Thủ đô.
Thực hiện Dự án xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai TP, đến nay, TP đã cơ bản thực hiện hạng mục đo đạc trên 27/27 địa bàn. Công tác đo đạc ngoại nghiệp đã hoàn thành 475/489 xã, phường, thị trấn; còn lại 14 phường, xã đang tiếp tục thực hiện công tác đo đạc. Công tác đo đạc nội nghiệp đã lập bản đồ 308/489 xã, phường thị trấn (còn lại 181 xã, phường thị trấn).