Nội dung liên quan Huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước, Phường Ngọc Lâm
Báo Nhân Dân,
Nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
05:40:12 06/10/2024
theo đường link
https://nhandan.vn/nhieu-hoat-dong-chao-mung-ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do-post835077.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Sáng 5/10, huyện Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thanh Trì (6/10/1954-6/10/2024) và đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình Carnaval áo dài với chủ đề "Duyên dáng Áo dài Hà Nội". (Ảnh QUỲNH HOA) Ðồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dự và trao Bằng công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ngày 6/10/1954, Trung đoàn 88 Tu Vũ thuộc Ðại đoàn 308 - Ðại đoàn Quân tiên phong về tiếp quản Thanh Trì. Công tác tiếp quản quận lỵ Văn Ðiển hoàn thành và một cuộc mít-tinh mừng chiến thắng được tổ chức ngay tại ga Văn Ðiển. Văn Ðiển là quận lỵ đầu tiên được giải phóng ở ngoại thành Hà Nội. Về xây dựng nông thôn mới, năm 2023, huyện Thanh Trì đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 20 chỉ tiêu kinh tế-văn hóa-xã hội. Tất cả 15 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao giai đoạn 2021-2025. Thu nhập bình quân đầu người đạt 77,6 triệu đồng/năm. * Chiều 5/10, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội gặp mặt 91 đại biểu đại diện văn nghệ sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong bày tỏ mong muốn, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo tiếp tục phản biện, đóng góp cho thành phố để sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, người dân hạnh phúc, thành phố kết nối toàn cầu. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm đến hoạt động của các tôn giáo và Mặt trận Tổ quốc để ngôi nhà chung của Thủ đô ngày càng phát triển, đoàn kết hơn nữa. * Sáng 5/10, quận Long Biên (Hà Nội) tổ chức khánh thành và gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cho dự án "Xây dựng tuyến đường 40m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư Ngọc Thụy" với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Ðây là một trong những dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trọng điểm thành phố giao quận Long Biên thực hiện. Dự án được xây dựng đồng bộ, khớp nối nút giao thông Nguyễn Văn Cừ (phường Ngọc Lâm) và nút giao thông ngã năm (phường Ngọc Thụy); đồng thời, xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng đường Cổ Linh (vượt qua đường Nguyễn Văn Cừ) với bề rộng 12m; hoàn trả cầu đường sắt quốc gia tuyến Hà Nội-Lạng Sơn. Tuyến đường có chiều dài khoảng 1,52 km, bề rộng mặt cắt ngang 40m, kết nối các tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch qua các cầu Nhật Tân, Ðông Trù, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. * Sáng 5/10, tại Hoàng thành Thăng Long, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình đồng diễn dân vũ và Carnaval Áo dài "Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển" năm 2024, với chủ đề "Duyên dáng Áo dài Hà Nội". Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội, do Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 1.014 năm Thăng Long-Hà Nội, 94 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh nhấn mạnh, hình ảnh những người phụ nữ Thủ đô trong tà áo dài, cầm cờ hoa cùng nhân dân Hà Nội hân hoan đón mừng đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô vào mùa thu tháng mười 70 năm về trước để lại dấu ấn không phai mờ về khát vọng hòa bình, tinh thần, ý chí của Hà Nội. Áo dài là một phần không thể thiếu trong hành trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc, phụ nữ Việt Nam. Ðiểm nhấn của chương trình là màn đồng diễn dân vũ với áo dài của 1.014 phụ nữ Thủ đô trên nền nhạc liên khúc "Người Hà Nội-Tiến về Hà Nội-Hà Nội những công trình"; trao giải Cuộc thi Thử thách "Check in Hanoi" với áo dài 2024; màn diễu hành áo dài của hơn 1.000 đại biểu từ Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hướng về Quảng trường Ba Ðình, qua các phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, đường Ðộc Lập, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng Thủ đô hòa bình, văn hiến, văn minh, hiện đại.