Nội dung liên quan Phường Phương Canh, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước
Báo SGGP Online,
Nhớ mãi vị Chủ tịch UBND đầu tiên của thủ đô
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
09:50:57 08/10/2024
theo đường link
https://www.sggp.org.vn/nho-mai-vi-chu-tich-ubnd-dau-tien-cua-thu-do-post762566.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Trong trái tim của người dân Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng được nhớ mãi, không chỉ bởi ông là vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội đầu tiên và đảm nhận cương vị này lâu nhất trong lịch sử, mà còn bởi phẩm cách đặc trưng về tài năng, đức độ của một người lãnh đạo là công bộc của dân - như lời Bác Hồ căn dặn. Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đầu tiên, đứng chào người dân trong Ngày Giải phóng thủ đô 10-10-1954 Người được giao trọng trách đứng đầu thủ đô Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16-1-1912 tại làng Hòe Thị (xã Xuân Phương, nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Trong thời gian học tập ở Đại học Y Hà Nội, ông tích cực tham gia các phong trào yêu nước, trở thành một trong những hạt nhân cách mạng thời bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp, tại cơ sở chữa bệnh của mình, bác sĩ Trần Duy Hưng đã cứu giúp và chở che nhiều cán bộ Việt Minh, tự nguyện làm cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhiều người dân Hà Nội thời đó yêu quý, kính trọng bác sĩ Trần Duy Hưng bởi sự đức độ, tấm lòng bao dung, nhân hậu của người thầy thuốc, sẵn sàng cưu mang và cứu giúp dân nghèo. Mùa thu lịch sử năm 1945, Bác Hồ đến thăm nhà và giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội cho bác sĩ Trần Duy Hưng. Trong bối cảnh đất nước vừa giành độc lập, phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và sự phá hoại của bọn phản động, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Duy Hưng đã vận động các tầng lớp nhân dân tham gia sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, bác sĩ Trần Duy Hưng cùng Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ; và đến năm 1954, ông là Thứ trưởng Bộ Y tế. Kháng chiến chống Pháp thành công, ngày 10-10-1954, ông trở về tiếp quản thủ đô với trọng trách là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản. Ngày 4-11-1954, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội (sau này là Chủ tịch UBND TP Hà Nội), cho đến năm 1977. Sau ngày giải phóng, cơ sở hạ tầng của Hà Nội xuống cấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong bối cảnh đó, bác sĩ Trần Duy Hưng không ngừng nỗ lực đưa ra các quyết sách táo bạo nhằm khôi phục và phát triển Hà Nội; không ngừng nỗ lực để xây dựng một thủ đô văn minh, giàu bản sắc, đưa Hà Nội trở thành lá cờ đầu về năng suất lúa, về phát triển công thương nghiệp, về phong trào 5 xung phong và 3 sẵn sàng. Luôn đau đáu về Hà Nội Dù ở cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng vẫn đến Trường Đại học Bách khoa để học về kiến trúc và cải tạo đô thị. Đây là điều giúp cho ông trong việc định hướng mục tiêu xây dựng Hà Nội. Bà Trần Ánh Tuyết (sinh năm 1943), con gái bác sĩ Trần Duy Hưng kể: “Có lần đi qua bãi Phúc Tân, bố tôi có nói, bãi Phúc Tân về sau sẽ là thành phố ven sông. Pháp có sông Seine, Nga có sông Volga, đều là dòng sông chảy giữa thủ đô, tại sao mình không có sông Hồng chảy giữa Hà Nội. Ông yêu và tự hào về Hà Nội vô cùng, nói về Hà Nội bằng sự say sưa, nhiệt huyết”. Theo lời kể của bà Trần Ánh Tuyết: Người đầu tiên động viên và khuyến khích tôi học sư phạm là bố tôi. Tôi nhớ mãi lời bố nói: “Con chọn sư phạm là bố ưng nhất, vì ngoài nghề bác sĩ của bố là cứu người thì nghề dạy học là chăm người. Chăm người và cứu người là hai việc rất gắn bó với nhau”. Ngày khai giảng của các trường Hà Nội, không kể trường xa trường gần, bác sĩ Trần Duy Hưng đều đến dự. Điều đặc biệt là, khi đến dự lễ, ông không bao giờ đi cổng chính, trống giăng, cờ mở, giới thiệu long trọng mà đi cổng sau và lặng lẽ ngồi ở hàng ghế phía dưới lặng lẽ quan sát. Bác sĩ Trần Duy Hưng mang nét hào hoa, phong nhã rất đặc trưng của người Hà Nội, thích chơi hoa tươi, nghe nhạc, chơi đàn violin và giỏi thêu thùa. “Bố tôi luôn đau đáu về Hà Nội, lúc nào cũng nghĩ làm thế nào cho Hà Nội được nên thơ, giữ được bản sắc. Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Đấy là điều quan trọng mà bố luôn căn dặn chúng tôi phải nhớ”, bà Tuyết tự hào nói. Sống giản dị và liêm khiết, đến lúc sắp tuổi về hưu, bác sĩ Trần Duy Hưng tự viết đơn xin nghỉ và chia sẻ với con gái: “Bố nghĩ rằng, phải để những thế hệ trẻ kế tiếp chứ mình không nên giữ khư khư hàm Chủ tịch Hà Nội này”. Nhậm chức ở tuổi 33, bác sĩ Trần Duy Hưng được Bác Hồ và Đảng tin tưởng giao phó vai trò Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong suốt hơn 20 năm, trở thành người giữ cương vị này lâu nhất trong lịch sử Hà Nội. Ông được nhìn nhận là học trò xuất sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển văn minh, giàu bản sắc của thủ đô Hà Nội. Ngày 7-10, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2024), đoàn đại biểu TP Hà Nội do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm trưởng đoàn đã dâng hương tưởng niệm cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng tại nhà lưu niệm ở quận Nam Từ Liêm. Cùng ngày, UBND TP Hà Nội tổ chức khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đối với dự án đầu tư xây dựng Khu liên cơ quan Vân Hồ (ở số 52 phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng); ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)”. NGUYỄN QUỐC