Báo Thanh Niên,

Những bước ngoặt cuộc đời của cô gái khuyết tật bẩm sinh

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 08:48:55 07/10/2024 theo đường link https://thanhnien.vn/nhung-buoc-ngoat-cuoc-doi-cua-co-gai-khuyet-tat-bam-sinh-185241006155501547.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Đó là tâm sự của chị Lê Thúy Hằng, Phó ban thanh niên Hội người khuyết tật TP. Hà Nội . Bị khuyết tật bẩm sinh, trải qua những ngày đầy tự ti, nhưng chị đã bứt phá vươn lên, trở thành người truyền cảm hứng cho cộng đồng. "Hằng thọt" - nỗi tự ti đeo bám suốt quãng đời học sinh Chị Lê Thúy Hằng (35 tuổi) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Hải Hà, H.Hải Hậu, tỉnh Nam Định . Bị khuyết tật bẩm sinh (thọt một bên chân) nên sự tự ti đeo bám chị suốt thời thơ ấu.
"Cảm nhận đầu tiên về sự thiếu may mắn của mình là vào những ngày đầu cắp sách đến trường, tôi bị các bạn gọi với biệt danh "Hằng thọt". Tôi càng ý thức sâu sắc về sự thiệt thòi của bản thân, đỉnh điểm là lần đầu tiên tôi mặc chiếc váy yêu thích mẹ tặng đến trường. Nhìn thấy tôi, đám bạn hò hét trêu đùa: "A ha, hôm nay bạn Hằng thọt mặc váy đi học các bạn ơi!". Và đó cũng là lần cuối cùng tôi mặc váy", chị Hằng chia sẻ.
Chị Lê Thúy Hằng
ẢNH: NVCC
Những lời trêu đùa từ bạn bè khiến chị Hằng càng tự ti và mặc cảm hơn về bản thân. Mỗi lần ra đường, chị không dám nhìn xung quanh, bởi rất sợ những ánh mắt dò xét của mọi người, sợ cả những cái nhìn thương hại. "Tôi tự khép mình lại, trở thành con người rụt rè, ngại giao tiếp. Cũng vì thế mà tôi không có nhiều bạn", chị kể.
Mặc dù bị xa lánh, bị nhiều ánh mắt kỳ thị từ những người xung quanh, nhưng nhờ tình yêu thương từ bố mẹ, thầy cô và từ những người bạn thân ít ỏi của mình, chị đã có động lực để tiếp tục sống.
"Tôi dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học. Trong suốt những năm học cấp 1, cấp 2, cấp 3, cô bé "Hằng thọt" rụt rè luôn là một trong những học sinh top đầu của lớp, luôn đạt được danh hiệu học sinh khá, giỏi. Hơn thế, tôi còn là 1 trong 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó giành được học bổng từ Quỹ học bổng của Nhật. Tôi nhận ra, tri thức chính là con đường duy nhất để tôi khẳng định bản thân, chứng minh cho mọi người thấy: một người khuyết tật cũng sẽ trở thành người có ích cho xã hội và tôi sẽ không là gánh nặng của gia đình, của bố mẹ", chị Hằng trải lòng. Và chị ước mơ không chỉ có thể nuôi sống được bản thân mình mà sẽ giúp đỡ được bố mẹ, sẽ phụ giúp được gia đình.
Những bước ngoặt cuộc đời Năm 18 tuổi, với mong muốn bước ra khỏi vùng an toàn, chị Hằng xin bố mẹ thi vào đại học. "Mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Bà thương đứa con nhỏ bé, bất hạnh của mình, bà sợ bão giông sẽ đến với cuộc đời tôi, còn tôi thì quá mỏng manh để đương đầu với bão tố", chị Hằng nhớ lại.
Gia đình chị lúc đó rất khó khăn, không thể cùng một lúc cho 2 anh em chị Hằng học đại học. Thương em gái, anh trai chị Hằng quyết định ngừng học để nhường cơ hội cho chị được theo đuổi ước mơ. "Sự hy sinh này là động lực cho tôi đi tiếp và sống tốt những ngày tháng khó khăn sau này. Đây cũng là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời tôi", chị Hằng chia sẻ.
Vượt qua mặc cảm, nỗ lực vươn lên, chị Hằng (áo dài trắng) đang làm Phó ban thanh niên Hội người khuyết tật TP.Hà Nội
ẢNH: NVCC
Không phụ sự tin tưởng, ủng hộ và hy sinh của gia đình, chị Hằng đã trúng tuyển vào khoa kế toán, hệ cao đẳng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và tốt nghiệp với 3 năm liền giành được học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Nhưng chưa bằng lòng, chị quyết định học tiếp đại học và đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống
"Tôi đăng ký học liên thông vào buổi tối để ban ngày có thời gian đi làm kiếm tiền. Tôi rất lo lắng, rằng với ngoại hình khiếm khuyết như thế này, liệu có doanh nghiệp nào dám nhận, nhưng nỗi sợ không làm tôi bỏ cuộc", chị tâm sự.
Ban đầu, chị Hằng nộp hồ sơ vào các công ty tuyển nhân viên hành chính văn phòng, kế toán, nhưng không nơi nào gọi phỏng vấn. Sau đó, với sự tự tin, quả quyết khi đi phỏng vấn tại một công ty kinh doanh, chị đã được nhận làm việc. Vừa học, vừa làm rất mệt, trong khi chân đi tập tễnh, cân nặng có 40kg, nhưng chị Hằng vẫn nhủ lòng: "Mình đã làm được, mình đã có thể tự nuôi sống được mình".
Sau đó chị được nhận làm kế toán của Hội người khuyết tật Q.Ba Đình và được tín nhiệm bầu làm Phó ban thanh niên Hội người khuyết tật TP.Hà Nội; Chủ tịch Hội người khuyết tật P.Cống Vị (Q.Ba Đình). Và nhờ cơ duyên đó, chị Hằng đã tích cực tham gia các hoạt động dành cho người khuyết tật, luôn xung phong tham gia các hoạt động ý nghĩa như: đào tạo dạy nghề, tập huấn các kỹ năng dành cho người khuyết tật...
"Cố lên các cháu, cộng đồng đang cần mình" Bằng sự đồng cảm với những người cùng hoàn cảnh, chị Hằng đã lên kế hoạch và tổ chức các hoạt động giúp các bạn thanh niên khuyết tật nâng cao kiến thức, kỹ năng, đào tạo nghề nhằm giúp các bạn tự tin và tìm được một công việc phù hợp.
Chị Hằng (đứng bên phải Thủ tướng Phạm Minh Chính), tham gia Chương trình đối thoại với Thủ tướng Chính phủ
ẢNH: NVCC
Chị Hằng cùng Hội Người khuyết tật Q.Ba Đình và các cơ quan, tổ chức đã tổ chức thành công nhiều hoạt động như: Tọa đàm về dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật; Hội nghị đổi mới các giải pháp chuyển đổi số để đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng và phát triển cho người khuyết tật; tổ chức các chương trình hỗ trợ học nghề, tập trung hướng đến hỗ trợ trẻ người khuyết tật với việc vận động Quỹ học bổng "Chắp cánh ước mơ"; tổ chức khám chữa bệnh cho người khuyết tật,...
Với nỗ lực của mình, chị vinh dự 3 lần được UBND Q.Ba Đình tặng danh hiệu lao động tiên tiến. Những sự ghi nhận đó đã tiếp thêm động lực và sức mạnh để chị tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp và truyền cảm hứng, để xã hội có cái nhìn khác về người khuyết tật; xóa dần các rào cản dành cho người khuyết tật trong quá trình hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ người khuyết tật có thêm nhiều đóng góp cho xã hội.
Tháng 3 năm 2023, chị Hằng có cơ hội được đại diện thanh niên khuyết tật tham gia Chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với thanh niên. "Bác Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ ân cần hỏi thăm chúng tôi. Cuối hội nghị, bác nói: "Cố lên các cháu, cộng đồng đang cần mình!". Câu nói của bác nhắc nhở tôi phải phấn đấu và cống hiến hơn nữa trong hành trình hỗ trợ cộng đồng", chị Hằng bày tỏ.
Chia sẻ về tương lai của mình, chị Hằng nói: "Tôi luôn muốn dốc hết sức trẻ và nhiệt huyết của mình dành cho các hoạt động của thanh niên, đặc biệt là thanh niên khuyết tật. Trong những hành trình tiếp theo của mình, tôi hiểu rằng, mình sẽ cần học tập, rèn luyện nâng cao tri thức hơn nữa, để có thể theo kịp sự phát triển của xã hội và đồng hành cùng người khuyết tật vượt qua các rào cản để trở nên tự tin hơn, hạnh phúc hơn".
Chị Lê Thúy Hằng là 1 trong 38 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt 2024 vào ngày 7.10 tại Hà Nội. Chương trình do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
Sao chép thành công