Báo Thanh Niên,

Những cảm xúc rất đặc biệt mỗi ngày làm việc...

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 03:07:08 03/10/2024 theo đường link https://thanhnien.vn/nhung-cam-xuc-rat-dac-biet-moi-ngay-lam-viec-185241001152622066.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, khi còn nhỏ chỉ quanh quẩn ở vùng nông thôn, kiến thức về ngành công tác xã hội gần như con số không. Khi tôi nghỉ hè năm học lớp 9, gia đình đã xảy ra một biến cố lớn, nhận thức của tôi cũng bắt đầu thay đổi từ đây. Chỉ trong vòng 1 tháng từ đứa trẻ có đầy đủ bố mẹ, chị em yêu thương mà tôi lại trở thành đứa trẻ mồ côi cả bố lẫn mẹ. Tôi đứng trước nguy cơ phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi các em của mình. Và rồi phép màu xảy ra, tôi cùng hai em được Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng đón về nuôi dưỡng. Nhớ lại khoảnh khắc đó thật sự rất nhiều cảm xúc, tôi phải tập quen với một môi trường hoàn toàn mới, ngôi nhà thứ hai này không dễ chút nào. Lúc đó, nhận thức về ngành công tác xã hội trong tôi đã bắt đầu xuất hiện mơ hồ. Cũng chính vì mình là một người được xã hội giúp đỡ mà trong lòng tôi có vài suy nghĩ muốn theo con đường làm nghề này.
Tác giả chăm sóc các cụ già
ẢNH: NVCC
Sau 3 năm tôi sống ở trung tâm, giai đoạn tôi chuẩn bị chọn ngành học tôi đã phân vân giữa ngành công tác xã hội và văn học. Nhưng lúc ấy tôi lại đưa ra quyết định học ngành văn. Trong quá trình học tôi tham gia rất nhiều chương trình hoạt động của sinh viên, có khoảng thời gian tôi tham gia Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2019 ở H.Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Khi tham gia những hoạt động như thế tôi lại có nhiều sự đồng cảm hơn với những hoàn cảnh khó khăn. Tôi dường như cảm thấy bản thân mình vẫn còn may mắn hơn một số em vì tôi còn có sức khỏe, tri thức để theo đuổi lý tưởng sống của mình. Lúc đó, tôi chỉ hy vọng mình có thể giúp được các em nhiều hơn.
Giai đoạn tôi tốt nghiệp đại học cũng là lúc cả nước ta đang chống lại đại dịch Covid-19. Tôi bắt đầu mông lung về công việc sắp tới của mình, sự yêu thích về văn học của tôi cũng không còn nhiệt huyết như trước. Tôi bắt đầu nghiên cứu về những công việc trong ngành công tác xã hội, sau đó tôi có tâm sự và xin ý kiến từ các thầy cô đang quản lý mình. Như một cơ duyên, các thầy cô chia sẻ trung tâm của tôi đang chuẩn bị tuyển thêm công tác xã hội viên. Thế là tôi bắt đầu nghiên cứu và học thêm một số chứng chỉ trong ngành công tác xã hội.
Mọi thứ diễn ra khá nhanh chóng, đúng lúc các cán bộ khác ở trung tâm bị nhiễm Covid-19, tôi đã được ban giám đốc chấp thuận vào đây làm việc. Giai đoạn đầu thử việc ngay lúc dịch bệnh căng thẳng nhất như thử thách bản thân tôi. Nhưng đúng là nghề chọn người thì phải, tôi cảm thấy mình lại yêu thích công việc này.
Từ một đứa trẻ được nuôi dưỡng mà tôi lại trở thành một công tác xã hội viên làm việc tại trung tâm, vừa là thuận lợi cũng nhiều khó khăn. Phòng tôi làm việc là Phòng Quản lý, chăm sóc người cao tuổi, người tâm thần. Việc tiếp xúc nhiều với các cụ già lớn tuổi, những đối tượng tâm thần nhẹ ban đầu không được quen thuộc cho lắm. Nhưng tôi quan niệm rằng, mình chỉ cần thật lòng yêu thương sẽ cảm nhận được mà yêu quý mình. Ở đây, các cụ già không những ăn đủ no, mặc đủ ấm mà được nhân viên chúng tôi coi như người thân để chia sẻ. Lắng nghe câu chuyện của họ, mình mới có thể hiểu được tại sao bản tính của họ lại hình thành như thế. Như ca sĩ Tăng Duy Tân tham gia trong chương trình thực tế "2 ngày 1 đêm" có nói câu: "Nếu muốn tìm tiếng cười cả ngày chỉ có vào trại tâm thần thôi".
Theo như công việc của tôi làm thì nó lại có phần đúng. Những người tâm thần mà tôi đang chăm sóc, tâm lý của họ không ổn định nên sẽ có những câu hỏi rất ngây ngô mà mình bất giác cười. Nhưng sâu xa trong họ đều sẽ có một câu chuyện riêng, đôi khi những cán bộ như tôi lại giống như những người bạn của họ ngồi đó, nắm tay họ đi để cùng nói chuyện nó cũng như một biện pháp để chữa lành tâm hồn của họ.
Công việc chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều trường hợp khác nhau đòi hỏi tôi làm việc phải tận tâm, cẩn thẩn, nhạy bén và nhanh nhẹn. Mỗi ngày được tiếp xúc với nhiều mảnh đời khiến tôi lại cảm thấy yêu cuộc sống của mình nhiều hơn. Trong thâm tâm tôi luôn chỉ mong bản thân có thể giúp một chút sức nhỏ của mình cho xã hội.
Nhiều người khi nghe câu chuyện của tôi, họ bảo tôi phải có tâm lắm mới làm như vậy. Nhưng bản thân tôi lại thầm cảm ơn vì đã có cơ hội phục vụ các cụ, những người kém may mắn hơn mình. Họ đang cho tôi công việc để nuôi sống bản thân và cũng đang cho tôi những cảm xúc rất đặc biệt mỗi ngày làm việc.
Sao chép thành công