Báo Quân đội Nhân dân,

Những chiến sĩ "sao vuông” trên đỉnh lũ Hoàng Liên Sơn

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 05:45:58 22/09/2024 theo đường link https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/nhung-chien-si-sao-vuong-tren-dinh-lu-hoang-lien-son-795430
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Trong những ngày qua, kết quả quá trình khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai) càng thấy rõ vai trò quan trọng của lực lượng dân quân tự vệ, những người luôn đồng hành với bà con vùng lũ từ những giờ phút đầu đến khi cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Một ngày giữa tháng 9-2024, khi đang lội bộ từ bờ sông Chảy, đoạn qua xã Nậm Lúc, huyện Bảo Hà, tỉnh Lào Cai để vào xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, chúng tôi bắt gặp anh Đặng Văn Bằng, thôn Thải Giàng, xã Nậm Lúc đang gùi trên lưng bao gạo to ngang thân người, 2 bên nách kẹp thêm 2 thùng mỳ tôm. Hỏi ra mới biết, anh đang cùng các chiến sĩ dân quân của xã khẩn trương cơ động vào xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, nơi vừa xảy ra vụ sạt lở đất khiến 18 người chết và mất tích để hỗ trợ các hộ dân đang bị cô lập sau trận lũ lịch sử.
Cán bộ, chiến sĩ dân quân xã Nậm Lúc (Bát Xát, Lào Cai) vận chuyển lương thực tiếp tế cho nhân dân vùng lũ.
Mặc dù nhà anh Bằng cũng bị sạt lở, tài sản bị nước lũ cuốn trôi, vợ con anh đang phải đi “lánh nạn” nhà hàng xóm, nhưng với trách nhiệm của người chiến sĩ dân quân, anh sẵn sàng gác lại công việc gia đình, cùng các lực lượng tham gia hỗ trợ các hộ bị thiệt nặng. Nhìn theo bước chân trần hối hả vượt dốc của chiến sĩ dân quân Đặng Văn Bằng, chúng tôi cảm nhận rõ sự tận tụy, trách nhiệm cùng tác phong làm việc nghiêm túc của người chiến sĩ đứng trong hàng ngũ lực lượng vũ trang.
Chiến sĩ dân quân xã Nậm Lúc tích cực cùng bộ đội thường trực tìm kiếm người mất tích.
Tại Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, mặt trời sắp đứng bóng mà hàng chục cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ của huyện Bắc Hà và bộ đội Trung đoàn 254, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai vẫn cần mẫn dò tìm từng khe nước chảy, đống đổ nát, lật dở từng tấm bê tông, phiến đá tìm kiếm những người mất tích tại đây.
Anh Lý Văn Hà, Thôn đội trưởng thôn Thải Giàng, xã Nậm Lúc hết dùng xẻng xúc đất, khơi thông dòng chảy, lại sử dụng xà beng bẩy những phiến đá to hy vọng tìm được các thi thể đang bị chôn vùi dưới lớp đất dày. Nhà Thôn đội trưởng Lý Văn Hà cũng bị sạt lở, ngập úng, nhà bị nghiêng, có nguy cơ sụp đổ, gia đình đã được bộ đội địa phương di chuyển đến nơi an toàn, nhưng từ hôm thiên tai xảy ra, anh cũng chưa có dịp về nhà nắm tình hình vợ con.
Dân quân xã Bản Cái, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai tiếp nhận hàng cứu trợ người dân vùng lũ.
Không riêng gì Thôn đội trưởng Lý Văn Hà, chiến sĩ dân quân Đặng Văn Bằng, mà ngay từ những giờ phút đầu tiên xảy ra lũ quét, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ dân quân trong tỉnh Lào Cai đã kịp thời có mặt ở tất cả các khu vực người dân cần hỗ trợ, cùng các lực lượng đưa những người còn sống đến nơi an toàn, hỗ trợ sơ cứu người bị thương. Những ngày sau đó, các chiến sĩ “sao vuông” lại cùng bộ đội thường trực tích cực tìm kiếm người mất tích, tiếp tế lương thực cho bà con.
Theo đồng chí Trương Thị Hào, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Lúc, chiến sĩ dân quân đa phần là người địa phương, thông thuộc địa bàn, nên khi xảy ra thiên tai sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong việc hỗ trợ nhân dân sơ tán ra khỏi vùng sạt lở; hỗ trợ bà con di chuyển tài sản, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Còn đồng chí Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà bày tỏ sự trân trọng khi nhắc đến những “chiến sĩ sao vuông” của địa phương: “Cùng với vai trò tham mưu hiệu quả của cơ quan quân sự các cấp, thì lực lượng dân quân tự vệ đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn. Có thể nói, đây là lực lượng luôn đầu tiên có mặt ở hiện trường, tích cực cứu giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai và cũng là những chiến sĩ trở về sau cùng khi cuộc sống của đồng bào trở lại bình thường”.
Đúng như đánh giá của lãnh đạo huyện Bắc Hà, trước đó, chúng tôi cũng được chứng kiến tinh thần gan dạ, sự xả thân quên mình của cán bộ, chiến sĩ dân quân khi vượt lũ tìm kiếm cứu nạn tại bản Phìn Chải 2, xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp 7 người. Trong điều kiện mưa lớn liên tục trút xuống khu vực có người bị nạn, đất đá vẫn sạt trượt khiến công tác tìm kiếm trở nên khó khăn, nhưng dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lù A Lềnh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã A Lù, các chiến sĩ dân quân vẫn kiên trì bám trụ, cùng cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Bát Xát, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 (Quân khu 2) tìm kiếm được 7/7 nạn nhân sau 5 ngày mất tích.
Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ huyện Bát Xát cùng các lực lượng tìm kiếm người mất tích ở bản Phìn Chải 2, xã A Lù (Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Chúng tôi có mặt tại thôn Mà Mù Sử 2, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, nơi xảy ra vụ sạt lở khiến 2 ngôi nhà bị cuốn trôi, 1 người mất tích cũng được chứng kiến tinh thần hết lòng vì nhân dân của cán bộ, chiến sĩ dân quân xã nhà. Nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn mỗi lúc càng thêm khó khăn do thời tiết lúc nắng gắt, khi đổ mưa, lượng đất đá liên tục đổ xuống hiện trường. Nhưng với tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để đưa được nạn nhân về với gia đình, công tác tìm kiếm được các chiến sĩ dân quân tích cực triển khai bằng nhiều biện pháp.
Đồng chí Vương Mạnh Phú, Bí thư Đảng ủy xã Sàng Ma Sáo cho hay, sau khi tiếp cận hiện trường, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn của xã tổ chức mỗi ngày 50 cán bộ, chiến sĩ dân quân cùng các lực lượng tích cực tìm kiếm từ điểm cuối đến khu vực sạt lở. Thực tế, không ít chiến sĩ dân quân của xã có hoàn cảnh rất khó khăn, gia đình cũng bị thiệt hại bởi thiên tai, nhưng khi được huy động đều sẵn sàng gác lại công việc gia đình để hỗ trợ nhân dân chống lũ.
Hay tại xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, theo Thượng tá Lý Tiến Nam, Chính trị viên Ban CHQS huyện Bát Xát, ngay khi xảy ra lũ quét làm 1 người mất tích, dân quân cũng là lực lượng đầu tiên có mặt tại hiện trường, kịp thời hỗ trợ nhiều gia đình trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, đồng thời cùng các lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Thượng tá Lý Tiến Nam khẳng định: “Lực lượng dân quân đóng vai trò hết sức quan trọng khi khi hoạt động theo phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt, khi địa bàn xảy ra lũ quét bị chia cắt, cô lập, thì dân quân luôn là lực lượng đầu tiên lội bộ tiếp cận hiện trường, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con vùng lũ, trực tiếp đi tìm kiếm người mất tích, đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, giúp đỡ người dân sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn”.
Nhắc đến vai trò quan trọng của lực lượng dân quân tự vệ trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai , cũng như các giải pháp nhằm nâng hơn hơn nữa hiệu quả hoạt động của lực lượng này, Đại tá Phạm Hùng Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai cho rằng, Ban CHQS các cấp phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các lực lượng liên quan để tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai… cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ về công tác tổ chức, chỉ huy, điều hành lực lượng; xử lý các tình huống do thiên tai, dịch bệnh gây ra sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế của từng địa phương, cơ sở.
Hằng năm, các cấp, ngành, địa phương tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ kết hợp với diễn tập xử trí các tình huống về thiên tai, cứu hộ, cứu nạn có sử dụng lực lượng dân quân tự vệ tham gia; chỉ đạo dân quân tự vệ tích cực tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai do Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức.
Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo làm tốt công tác bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ được huy động làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hướng tới xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Sao chép thành công