Báo Vnexpress,

Những lần Israel phớt lờ Mỹ giữa căng thẳng Trung Đông

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 03:30:35 06/10/2024 theo đường link https://vnexpress.net/nhung-lan-israel-phot-lo-my-giua-cang-thang-trung-dong-4800451.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Khi căng thẳng với các đối thủ ở Trung Đông leo thang, Israel nhiều lần phớt lờ sức ép xuống thang của Mỹ, thậm chí khiến Washington bất ngờ.
Sau khi Iran khai hỏa khoảng 200 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel đêm 1/10, chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ buộc Tehran trả giá vì "sai lầm lớn", làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh toàn diện giữa hai cường quốc khu vực, tàn phá khu vực Trung Đông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những ngày qua đã nỗ lực ngăn cuộc xung đột vượt tầm kiểm soát, dù khẳng định họ ủng hộ quyền tự vệ của Israel. Dấu hiệu rõ ràng nhất là việc ông Biden tuyên bố Mỹ không ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
Ngày 4/10, Tổng thống Mỹ cho biết thêm các quan chức của ông đang tìm cách ngăn Israel nhắm vào cơ sở dầu khí của Iran, điều có thể khiến giá dầu thế giới tăng vọt. "Nếu ở vị trí của họ, tôi sẽ nghĩ tới các phương án khác thay vì tấn công mỏ dầu", ông Biden nói.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có làm theo lời khuyên của ông Biden để tiến hành đòn trả đũa kiềm chế vào Iran, ngăn nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện hay không. Lịch sử cho thấy Mỹ đã nhiều lần bị đồng minh Israel phớt lờ khi lò lửa Trung Đông tăng nhiệt những tuần qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/10/2023. Ảnh: AFP
Đầu tháng 9, đặc phái viên Nhà Trắng Amos Hochstein gặp quan chức quân đội Israel tại một hầm trú ẩn ở Tel Aviv, thúc giục họ không phát động chiến dịch quy mô lớn chống Hezbollah ở Lebanon. Ông kêu gọi họ nỗ lực đạt được thỏa thuận nhằm đẩy nhóm vũ trang mà Iran hậu thuẫn ra khỏi biên giới phía bắc.
Vài giờ sau cuộc gặp của Hochstein với Thủ tướng Netanyahu, hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah phát nổ trên khắp Lebanon. Ngày hôm sau, loạt bộ đàm của nhóm tiếp tục phát nổ, khiến ít nhất 39 người chết và hàng nghìn người bị thương.
Hezbollah và Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công, nhưng Tel Aviv không thừa nhận cũng không bác bỏ. Loạt vụ nổ đã khiến căng thẳng giữa Hezbollah và Israel leo thang lên cấp độ nguy hiểm hơn.
Israel sau đó tiến hành loạt vụ không kích vào các vị trí của Hezbollah, khiến hơn 500 người thiệt mạng trong ngày đẫm máu nhất ở Lebanon suốt hai thập kỷ.
Trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 25/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot công bố đề xuất chung của Pháp và Mỹ về lệnh ngừng bắn tạm thời trong 21 ngày giữa Israel và Hezbollah "để tạo điều kiện tiến hành đàm phán".
Các quan chức Mỹ nói rằng phía Israel hoan nghênh các nỗ lực ngoại giao liên quan xung đột với Hezbollah. Tuy nhiên, họ đã bị dội một gáo nước lạnh khi Thủ tướng Netanyahu bác thông tin Israel nhất trí với đề xuất ngừng bắn này.
Ngày 26/9, văn phòng của ông Netanyahu tuyên bố Thủ tướng đã chỉ đạo lực lượng Israel "tiếp tục dốc toàn lực chiến đấu". Một phát ngôn viên Nhà Trắng tỏ ra bực bội nói với phóng viên rằng Israel đã được thông báo và nhận thức đầy đủ về mọi nội dung trong đề xuất ngừng bắn.
Ngày 27/ 9, Thủ tướng Netanyahu từ phòng khách sạn ở New York ra lệnh không kích hạ sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. Giới chức Mỹ cho biết Israel chỉ thông báo với họ về cuộc tập kích vào Nasrallah khi các chiến đấu cơ đã xuất kích.
Việc Thủ tướng Netanyahu phê chuẩn đòn tấn công từ lãnh thổ Mỹ mà không báo trước với Nhà Trắng và sau đó thậm chí công khai bức ảnh ông đang ra lệnh cho quân đội ném bom vào hầm ngầm của Nasrallah đã cho thấy khác biệt ngày càng tăng giữa Israel với Mỹ.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn cách hơn một tháng, ông Biden và các trợ lý nhận ra mình giống như người ngoài cuộc khi tìm cách kiềm chế đồng minh thân thiết nhất ở Trung Đông mà Washington ủng hộ nhiệt thành cả về chính trị và quân sự.
Kể từ khi xung đột Gaza bùng phát gần một năm trước, ông Biden đã nhiều lần gọi mối quan hệ Mỹ - Israel là không thể lay chuyển. Tuy nhiên, mối quan hệ gần 50 năm giữa ông và Thủ tướng Netanyahu đã dần xấu đi, khi hai người xuất hiện nhiều bất đồng về chương trình nghị sự và mục tiêu trong các cuộc xung đột. Ông Biden đã không nói chuyện với ông Netanyahu kể từ ngày 21/8, theo những người am hiểu vấn đề.
"Giới lãnh đạo Israel có vẻ đang xem Mỹ như gã hay cằn nhằn hoặc người qua đường, không hiểu được những đòi hỏi của tình hình thực tế", Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nói.
Israel oanh tạc khu vực biên giới Lebanon ngày 30/9. Ảnh: AFP
Những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Israel trong chiến sự Gaza chỉ mang lại kết quả hạn chế, theo các nhà phân tích. Ở Lebanon, khả năng Mỹ ghìm cương Israel thậm chí còn thấp hơn.
Trong năm qua, nhiều quan chức cấp cao Mỹ đã liên tục công du khắp Trung Đông để ngăn cuộc chiến chống Hamas ở Gaza của Israel leo thang thành xung đột lớn hơn. Quan chức Mỹ chỉ ra thỏa thuận cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza, rút một số quân của Israel khỏi dải đất là bằng chứng cho thấy Tel Aviv sẵn sàng lắng nghe những cảnh báo của họ.
Tuy nhiên, khi Israel tận dụng cơ hội để mở chiến dịch trên bộ tấn công Hezbollah nhằm đẩy lùi nhóm này khỏi biên giới phía bắc, ông Netanyahu nhiều lần coi nhẹ những lời cảnh báo từ phía Mỹ.
Động lực khiến Israel thay đổi trong quan hệ với Mỹ xuất phát từ những tổn hại mà Tel Aviv phải gánh chịu sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023, cũng như quyết tâm duy trì nền tảng ủng hộ trong nước của Thủ tướng Netanyahu. Ông Netanyahu tin rằng người Israel ủng hộ các hành động quân sự quyết liệt để tạo ra hậu quả lâu dài cho đối thủ của họ.
"Cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 đã thay đổi mọi thứ. Chúng tôi đang đối phó với một Israel mới không ngừng theo đuổi các mục tiêu an ninh của họ, thay vì quan tâm tới cảm xúc của người Mỹ", David Schenker, cựu trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề Cận Đông trong chính quyền Donald Trump, nói.
Đồng thời, bối cảnh chính trị ở Mỹ cũng đã thay đổi. Ông Netanyahu biết rằng chính quyền ông Biden đang đối mặt nhiều thách thức khi cuộc bầu cử tổng thống cận kề.
"Bạn sẽ không tìm ra một nhà đàm phán Mỹ nào tạo được sức ép đáng kể với Israel, đặc biệt là trong vấn đề Iran, khi chỉ còn vài tuần nữa sẽ đến cuộc bầu cử quan trọng", Aaron David Miller, cựu quan chức Bộ Ngoại giao về vấn đề Trung Đông, nói.
Sau khi Israel biến quyết định hạ sát Nasrallah thành "sự đã rồi", các quan chức cấp cao Mỹ phải chấp nhận thực tế và nhanh chóng điều chỉnh các bình luận công khai, nói rằng họ hoan nghênh hành động của Tel Aviv.
Khi Israel bắt đầu triển khai bộ binh qua biên giới Lebanon ngày 1/10, chính quyền ông Biden tin rằng chiến dịch của Israel sẽ chỉ được tiến hành ở quy mô và thời gian hạn chế, nhằm tránh một cuộc chiến nữa bùng phát ở Lebanon.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ban đầu mô tả đây là cuộc tấn công "giới hạn, cục bộ" nhằm vào các vị trí của Hezbollah ở miền nam Lebanon. Tuy nhiên, tới nay, các đơn vị Israel vẫn tiến sâu hơn vào lãnh thổ nước láng giềng và chưa có ý định dừng lại.
Thùy Lâm (Theo WSJ, TOI
Sao chép thành công