Nội dung liên quan Huyện Mang Thít, Tỉnh Vĩnh Long, Tin Trong Nước
Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật,
Những lò gạch kể chuyện
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
14:49:39 30/09/2024
theo đường link
https://www.nguoiduatin.vn/nhung-lo-gach-ke-chuyen-20424092916242961.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Những lò gạch kể chuyện Văn Công Hùng Tôi vừa có chuyến đi, gọi là du khảo cũng được, với một số ông chủ du lịch lớn của nước ta, nghe, ngẫm và ngắm, lại rút ra được những chuyện rất nhỏ, hay chính xác là những chi tiết rất nhỏ, để thành việc lớn. Như chuyện... gạch tham gia vào du lịch. Đi trên du thuyền La Marguerite của công ty Focus travel, chúng tôi lênh đênh trên dòng sông Cổ Chiên nổi tiếng và ghé huyện Mang Thít Vĩnh Long, giờ như là thủ phủ của... lò gạch. Vĩnh Long thuộc trung tâm đồng bằng sông Cửu Long nằm giữa 2 con sông Tiền- sông Hậu, và 2 con sông nhánh Cổ Chiên, Mang Thít. Không chỉ nổi tiếng bởi những vườn trái cây chuẩn miệt vườn miền Tây mà còn nổi danh với nhiều địa điểm du lịch văn hóa tinh thần nổi bật. Ở cù lao An Bình có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như: Chùa Tiên Châu, Nhà cổ Cai Cường, Nhà sàn ông Mười Đầy, Vườn trái cây 6 Tấn,... Nhưng cũng Vĩnh Long, lâu nay có người nói vui, chỉ biết có 2 đặc sản là thủ tướng Võ Văn Kiệt và... vú sữa, nhưng té ra tỉnh này có công sinh rất nhiều hào kiệt, lãnh tụ cho đất nước. Nhưng giờ họ biết thêm, tỉnh này có nguồn cung cho du lịch, và nguồn thu cho tỉnh, là... gạch nữa. Ngành sản xuất gạch ngói xuất hiện ở tỉnh này từ đầu thế kỷ 19, đầu thế kỷ 21 đã có 2.284 miệng lò, chủ yếu tập trung ở Mang Thít. Và lúc này người ta mới thấy té ra nếu cứ phát triển làm gạch ngói kiểu này thì càng làm càng lỗ, càng làm càng gây hại. Bèn có một chủ trương phá các lò gạch, hoàn thổ để làm nông nghiệp. Có hẳn quy định cứ mỗi lò gạch phá đi, chủ lò gạch sẽ được trợ cấp một khoản tiền, đâu như tùy tình hình cụ thể, sẽ được hỗ trợ từ 2 tới 10 triệu đồng. Ảnh: Văn Công Hùng Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt kể, ông tìm cách liên hệ bằng được lãnh đạo tỉnh, chỉ để đề xuất 1 việc, giữ lại các lò gạch để... làm du lịch. Và rồi lại có kế hoạch giữ lò gạch, như cánh trẻ bây giờ gọi là... quay xe ấy, các chủ lò gạch lại còn được hỗ trợ để tiếp tục làm gạch như được hỗ trợ khi phá. Và giờ quả là, các lò gạch đang có sức hút du lịch rất đáng kể. Có hẳn một đề án di sản đương đại Mang Thít, xây dựng trên ý tưởng khai thác các lò gạch truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít làm nền tảng, làm điểm nhấn để phát triển du lịch cũng như bảo tồn nghề truyền thống của cộng đồng. Sẽ có một "Vương quốc gạch gốm" Mang Thít thành quần thể di sản đương đại. Hiện nay đã có 649 lò gạch của dân được giữ lại để bảo tồn. Và quả là, hôm nay khi chúng tôi vào, đã gặp một... thiên la địa võng lò gốm, đẹp mê hồn. Mọi người tíu tít check in. Lại nhớ những di tích Chăm cũng đang là những tụ điểm khai thác du lịch của một số tỉnh "trời cho" có di tích này. Ngoài chuyện tín ngưỡng, tâm linh, câu chuyện về một nền văn hóa, một thời đại văn minh... vân vân, thì có sự hấp dẫn từ những bí ẩn của những viên gạch Chăm. Tới giờ, dẫu khoa học đã phát triển đến như thế, các nhà khoa học có những phòng thí nghiệm y hệt đời sống Chăm của thời kỳ ấy, thì những viên gạch Chăm vẫn là bí ẩn, cách người ta dùng gạch xây tháp vẫn là bí ẩn, vẫn chưa giải mã được. Thì những bí ẩn của viên gạch Chăm ấy, của cách xây tháp ấy, là những câu chuyện du lịch. Lại cũng nhớ, bà chủ khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" ở Củ Chi là chị Tuyết Nga đã có dựng lại ở đấy mấy khu "ngày xưa", những ngôi làng xưa, có làng Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Và tất nhiên có đường làng lát gạch. Và đấy là câu chuyện du lịch. Tôi có được mời làm giám đốc văn hóa và truyền thông ở khu ấy mấy năm, một trong những việc tôi làm là xây dựng câu chuyện về con đường làng lát gạch ấy để hướng dẫn viên thuyết minh. Rằng là những cặp đôi trong làng lấy nhau thì đều vừa tự nguyện vừa "phải làm", là nộp cho làng một ít gạch để làng làm đường, hoặc trực tiếp lát gạch một đoạn đường làng. Nó vừa là một thể thống nhất của các đường làng, ngõ làng, nhưng lại cũng mang dấu ấn của từng cặp đôi ấy, làm kỷ niệm đời này sang đời khác. Nó là một nét văn hóa Việt rất thú vị. Vấn đề của du lịch bây giờ chính là các "câu chuyện du lịch". Điểm nhấn chính là ở đấy. Cũng ví dụ ở ngay khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" tôi vừa kể, rất ít dùng bê tông. Nếu phải bê tông thì dùng những viên bê tông có lỗ, và chỉ xếp chứ không dùng xi măng kết dính. Chị Tuyết Nga, người đàn bà rất giỏi giang tôi nhắc trên, bảo phải để cho đất nó thở. Và tôi cũng đã chuyển tải ý tưởng ấy vào thành bài cho hướng dẫn viên giới thiệu với khách. Và họ thán phục, rồi chia sẻ, và tôn trọng, đề cao ý tưởng ấy. Thì ở đây, tôi đang thấy những lò gạch kể chuyện. Và có rất nhiều chuyện để những lò gạch tự kể, từ màu sắc, những cái lò gạch trầm mặc với nắng mưa, có cả cây bám rễ lòa xòa, tới khi nhìn nó trong một tổng thể, ta hình dung như đang ở một xứ sở cổ tích nào đấy, rồi vào bên trong, bao nhiêu câu chuyện mở ra trong lòng những cái lò gạch ấy. Và, từ cái lò gạch cô đơn nồng ấm của làng Vũ Đại, nơi mà khi nghĩ tới anh Chí, Thị Nở liếc cái bụng của mình rồi nhìn lơ ngơ vào cái lò gạch bỏ hoang ấy, tới những cái lò gạch xếp hàng bên dòng sông Cổ Chiên, như những cái lò hạt nhân hoang phế, như một liên kết văn hóa, như một câu chuyện của những viên gạch, những lò gạch. Tất nhiên, song song với những câu chuyện hấp dẫn đã và sẽ có, vẫn có những chuyện cần phải giải quyết, như môi trường chẳng hạn, như các cây cầu hiện có trên sông khiến các tàu rất khó di chuyển bình thường vì nước vùng này lên xuống theo giờ, và cả ngay nơi cập bến nữa, cũng không thể cố định và hiện đại được... Nhưng nghe mấy chuyên gia nói, họ đã có phương án cả rồi...