Báo Dân Việt | Đọc Tin Tức Online Nhanh Mới Nhất 24h,

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Chuyện buồn ghi ở nơi vừa mất người vừa mất của (Bài 1)

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:19:46 14/10/2024 theo đường link https://danviet.vn/nong-dan-kiet-suc-sau-bao-lu-lich-su-chuyen-buon-ghi-o-noi-vua-mat-nguoi-vua-mat-cua-bai-1-20241007095757859.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Trần Quang - Phạm Minh
Sau bão lũ lịch sử, người dân vừa bị thiệt hại nặng đang trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Lũ rút đi, mọi tài sản, trang trại, ruộng vườn, hoa màu gần như mất trắng, nhiều nông dân không biết bắt đầu làm lại từ đâu.
Bình luận
LTS: Một tháng sau bão lũ lịch sử, dù đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân nhưng đến nay nhiều nông dân tại các tỉnh miền Bắc vẫn gặp nhiều khó khăn. Các hộ dân, trang trại bị thiệt hại nặng đang từng bước khôi phục lại sản xuất nhưng vẫn thiếu thốn đủ bề.
Để khôi phục sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, người dân rất mong Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương sớm triển khai các gói hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời để tiếp sức giúp bà con yên tâm tái thiết sản xuất.
Trận lũ dữ lịch sử vừa qua không chỉ cuốn trôi hàng vạn con gà cùng tài sản trị giá tiền tỷ mà còn cướp đi người cháu rất mực yêu thương của anh Trương Công Minh ở xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Anh Trương Công Minh ở xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn, TP.Thái Nguyên chia sẻ những khó khăn, thách thức mà gia đình anh đang phải đối mặt sau trận bão lũ lịch sử.
Thiệt hại chưa từng có
Sau lũ bộn bề công việc nhưng anh Trương Công Minh vẫn ngồi trước hiên nhà uống nước. Thấy khách đến nhà hỏi chuyện bão lũ, anh Minh lắc đầu, đưa ánh mắt thất thần nhìn về phía hông nhà, nơi dòng lũ vừa đi qua đã cuốn trôi hết mọi thứ của gia đình anh.
"Chúng tôi ở đây đã qua nhiều thế hệ nhưng chưa năm nào lại xuất hiện trận lũ to như năm nay. Trận lũ nặng nhất từ năm 1959, nước cũng chỉ lên đến bờ ruộng rồi rút nhưng lũ năm nay không chỉ lên nhanh chưa từng có mà nước cũng rút rất chậm, gây ra hậu quả tổn thất rất nặng nề cho chúng tôi", anh Minh nói.
Anh Trương Công Minh bên trang trại vừa bị lũ cuốn trôi 1 vạn gà của gia đình. Ảnh: T.Q
Nhắc lại chuyện đau lòng của gia đình, anh Minh lại muốn rơi nước mắt nên ngoảnh mặt đi. "Chuyện đã qua rồi, cháu tôi đã được an táng xong xuôi nên vợ chồng tôi không muốn nhắc lại nữa, đau lòng lắm".
Tối 7/9, bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc nhưng tại xã Cao Ngạn chỉ chịu sức gió vừa phải nên cây cối, nhà cửa, hoa màu của bà con không bị ảnh hưởng nhiều nên gia đình anh Minh và bà con ở địa phương yên tâm hơn.
Nhưng hết bão mới là lúc tai họa ập đến. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn khủng khiếp nhiều ngày kèm theo các cơn lũ xả về từ các đập thủy điện làm cho nước sông Cầu dâng cao chóng mặt, khiến bà con ở các xóm ven sông không kịp trở tay.
"Mưa lớn từ ngày mùng 8 đến sáng ngày 9/9, nước lũ từ thượng nguồn đổ về liên tục nên vợ chồng anh ra trại chạy đồ, gà nhưng không kịp, đến chiều tối cùng ngày nước lũ lên đến quá nửa trại, vợ chồng anh chỉ kịp bám cạnh cửa leo lên nóc trại để thoát thân.
Anh Minh bên trong chuồng gà bỏ trống sau khi xảy ra lũ. Ảnh: TQ
Thấy cô chú sang chạy lũ mãi không về, hai cháu lấy thuyền nhỏ đội đèn bơi sang để hỗ trợ, nào ngờ thuyền vừa đến giữa dòng bị lũ chảy xiết lật úp. Một cháu cố bơi bám vào ngọn cây keo, cháu còn lại bị lũ cuốn trôi. Lúc đó thấy có tiếng con gào khóc gọi vọng sang từ phía nhà cách đó vài trăm mét, anh Minh nhìn ra dòng lũ vẫn thấy ánh đèn lấp ló trên mặt nước nhưng anh vừa bơi ra được vài mét thì ánh sáng mất dần.
"Lúc đó trời tối, nước lũ lớn và xiết vô cùng nên thấy mọi thứ đều vô vọng. Tôi bơi được một đoạn thì đuối sức may với được ngọn keo mới thoát chết", anh Minh nhớ lại.
Vừa mất cháu, vợ chồng anh Minh vừa phải chứng kiến đàn gà hơn 1 vạn con chuẩn bị đến tuổi xuất bán lần lượt bị nước lũ nhấn chìm và cuốn trôi.
Hàng loạt máy móc, thiết bị chăn nuôi của anh Minh bị ngâm nước hư hỏng nặng khó có khả năng phục hồi. Ảnh: TQ
Trong đêm ngày mùng 9 và rạng sáng ngày 10/9, hai vợ chồng và cháu anh Minh phải bám trụ trên nóc trang trại, vừa chịu đói, rét nhìn về phía ngôi nhà trên đồi cao cách trại khoảng vài trăm mét ra hiệu kêu cứu nhưng do nước lũ chảy cuồn cuộn nên không ai dám đưa thuyền sang ứng cứu. Gia đình anh phải chờ nhiều giờ, sau khi nước lũ rút dần, một số thanh niên khỏe mạnh ở làng mới liều mình đưa thuyền sang đưa được mọi người về nhà. Mấy ngày sau, có người trong làng vớt được đứa cháu anh Minh dưới dòng nước cách nhà vài trăm mét.
Mong mỏi chờ hỗ trợ
Hôm chúng tôi đến, trên bàn thờ nhà anh Minh vẫn còn nghi ngút khói hương. Nói chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, anh Minh liên tục kêu than: "Mọi người hay động viên nhau sau thiên tai còn người còn của nhưng tôi vừa mất người vừa mất của. Sau lũ chúng tôi "trắng tay" thật rồi!
Vừa nói chuyện với chúng tôi, anh Minh lại ngước nhìn đàn gà hơn 20 con còn may mắn sống sót được vợ chồng anh vớt về sau lũ. Đến nay đã 1 tháng trôi qua nhưng các con gà may mắn thoát chết vẫn còn hoảng loạn bay lung tung.
Đàn gà mấy chục con của anh Minh may mắn thoát nạn sau lũ vẫn còn hoảng loạn. Ảnh: TQ
Dẫn chúng tôi sang thăm trại, anh Minh cho biết, sau lũ cả chục ngày vợ chồng anh vẫn như người mất hồn, vì lũ rút đi mọi thứ đều tan hoang, mất hết gà, toàn bộ máy móc, thiết bị chăn nuôi cũng bị cuốn trôi, ngâm trong nước khó có khả năng phục hồi.
Nhưng được sự động viên của các đoàn từ thiện, chính quyền địa phương đến hỗ trợ, trao quà, tiếp sức, vợ chồng anh mới có thêm động lực để gượng dậy dọn dẹp chuồng trại, mong sớm được nhà nước hỗ trợ vốn, con giống, vật tư để hồi phục lại chăn nuôi. Tuy vậy, đến nay đã hơn 1 tháng, mọi thủ tục, hồ sơ, giấy tờ đã được gia đình hoàn thiện, anh cũng ký đi ký lại gần chục lần nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ nên chuồng trại dọn xong đành bỏ không.
"Theo thống kê, gia đình được hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng nhưng chúng tôi đã ký đi ký lại nhiều lần vẫn chưa nhận được hỗ trợ để tái đàn trở lại. Nếu Nhà nước hỗ trợ quá chậm sẽ càng khiến người dân thêm kiệt sức, khó có khả năng phục hồi chăn nuôi", anh Minh nói và cho biết, hiện, gia đình anh vẫn còn nợ khoảng nửa tỷ đồng nên rất muốn ngân hàng sớm khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay vốn ưu đãi để anh đầu tư mua sắm máy móc, con giống hồi phục chăn nuôi.
Sau lũ, nhiều trang thiết bị chăn nuôi của anh Minh bị hư hỏng nên vợ chồng anh rất mong nhận được hỗ trợ sớm để mua sắm, đầu tư chăn nuôi trở lại. Ảnh: TQ
Theo anh Minh, bão lũ năm nay quá lớn, tàn phá nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân rất nặng nề nên Nhà nước cần có cách chính sách hỗ trợ khẩn cấp mới có thể tiếp sức cho bà con đúng lúc, đúng chỗ, kịp thời khôi phục sản xuất hiệu quả.
Sao chép thành công