Nội dung liên quan Thị trấn Bát Xát, Huyện Bát Xát, Tỉnh Lào Cai, Tin Trong Nước
Báo Tuổi Trẻ Online,
Nữ sinh đậu Trường ĐH Xây dựng, cả nhà chứa chan nước mắt lo ước mơ không thành
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
23:31:06 07/10/2024
theo đường link
https://tuoitre.vn/nu-sinh-dau-truong-dh-xay-dung-ca-nha-chua-chan-nuoc-mat-lo-uoc-mo-khong-thanh-20241006124101809.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngày nhận giấy báo tin đỗ Trường đại học Xây dựng Hà Nội, Vũ Thị Ngoan khóc sưng cả mắt. Cô khóc vì đã gần chạm đến ước mơ, và khóc vì có thể ước mơ ấy không thành. Bố mẹ cô cũng không cầm được nước mắt… Vũ Thị Ngoan - tân sinh viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội - lo lắng không theo nổi 4 năm đại học vì hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: VŨ TUẤN Người bố tội nghiệp, nuôi cả hai anh trai tâm thần Ông Vũ Mạnh Bảo làm phụ xây nuôi hai con học chuyên nghiệp và cả hai anh trai bị tâm thần - Ảnh: VŨ TUẤN Ông Vũ Mạnh Bảo, bố Ngoan, vội vã nhảy lên chiếc xe buýt từ thành phố Lào Cai về thị trấn Bát Xát. Hàng xóm mới gọi điện báo tin họ thấy gạo, nước để trên bàn cho anh trai ông Bảo vẫn còn nguyên, không thấy bóng dáng người anh. Ông Bảo vuốt mồ hôi, lưng áo bết lại như trát vữa vì mồ hôi và bụi xi măng: "Ông anh tôi bị tâm thần, cứ đi lang thang suốt ngày, hôm nào tỉnh thì về, có hôm phải đi tìm". Ông Bảo là con út trong gia đình 10 anh chị em. Bố mẹ mất để lại cho ông căn nhà lụp xụp ở góc hồ Ná Luộc với hai người anh trai đều bị tâm thần. Một người chỉ thích đi lang thang suốt ngày ngoài đường. Người kia ở nhà khua chân múa tay một mình cả ngày. Ông Bảo trước khi đi làm luôn để lại một bát gạo, hai gói mì, mớ rau, và hôm nào "tươm" lắm thì có thêm vài miếng thịt rọi hay mấy hạt lạc rang. Anh trai ông hôm nào tỉnh táo thì tự nấu ăn, hôm nào không tỉnh thì hàng xóm nấu giùm. Có hôm quá giờ không thấy người anh trai, hàng xóm gọi điện để ông Bảo đi tìm. "Một anh của tôi thì được trợ cấp 860.000 đồng mỗi tháng, còn một anh thì chưa được. Chúng tôi vừa chăm hai anh, vừa nuôi con ăn học cũng "bí" lắm!" - ông Bảo tâm sự. Phần thức ăn bố mẹ Ngoan để dành cho bác mỗi sáng trước khi đi làm - Ảnh: VŨ TUẤN Ngày trước, hai vợ chồng ông Bảo đều làm phụ hồ. Ngày công người khỏe được trả hơn 200.000 đồng, người yếu (như vợ ông) thì không được giá đó. Tháng nào ít mưa, đều việc thì được chừng 20 công. Tháng mưa dầm dề, hai vợ chồng tranh thủ dầm mưa lên đồi kiếm ít củi. Hơn năm trước, vợ ông Bảo ốm một trận liệt giường. Bà không làm được việc nặng nữa đành xin trông trẻ ở thị trấn Bát Xát, mỗi ngày được trăm nghìn đồng. Số tiền ít ỏi của gia đình này phải gánh sáu miệng ăn. Mà nghề phụ xây ráo mồ hôi là hết tiền. "Lúc cháu nói đỗ đại học, gia đình lo lắm! Mẹ cháu bảo "hay là con đừng đi học đại học, đi học nghề thôi…" thì chỉ thấy cháu nó khóc. Thương con quá chúng tôi cố gắng vay mượn cho cháu đến trường", ông Bảo nói. Con đậu đại học, cả nhà chứa chan nước mắt Cô tân sinh viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội Vũ Thị Ngoan chỉ chọn suất cơm 20.000 đồng trong căng tin ký túc xá. "Em còi nên cũng không cần ăn nhiều lắm!", Ngoan cười, đôi mắt buồn thiu. Ngày nhận được tin vui đỗ đại học cũng là ngày Ngoan khóc sưng mắt. Hai con bò trước đây cô vẫn dắt đi chăn quanh hồ Ná Luộc đã phải bán đi để lo tiền cho anh trai cô đi học năm trước. Một con lúc đó đang có chửa, nếu cố thêm dăm tháng bố mẹ cô cũng có thêm một khoản. Lúc cần tiền nộp học phí, chẳng vay mượn được ở đâu, bố mẹ cô vẫn phải bán. Năm nay đến lượt cô đỗ đại học, nhà chẳng còn gì. Mẹ cô khuyên cô đi học nghề. Ngoan thương mẹ nhưng nước mắt cứ chảy ra. Mẹ cô cũng không cầm được nước mắt. Bữa cơm tối hôm ấy cả nhà lặng lẽ ăn. Ngoan không bỏ cuộc, mới đầu năm học đã đi bán phở Vũ Thị Ngoan ước mơ học ngành xây dựng để đỡ đần bố đang làm phụ xây - Ảnh: VŨ TUẤN Ngoan lầm lũi vào các nhóm tìm việc làm trên mạng xã hội cố kiếm một công việc để đỡ bố mẹ. Cô đến ba quán ăn ở Bát Xát và cả thành phố Lào Cai, chủ quán nhìn cô nhỏ nhắn đều lắc đầu. Biết chuyện, thầy cô Trường THPT số 1 Bát Xát và chính quyền thị trấn đến nhà Ngoan động viên, tiếp sức đến trường cho cô gái nhỏ. Hôm sau, ông Bảo xin nghỉ làm đến gõ cửa hết nhà anh em, người quen để vay tiền. Thế rồi đến ngày con nhập trường, bố mẹ Ngoan cũng chạy vạy được hơn 20 triệu đồng, vừa đủ tiền cho cô nộp học phí. Cả 12 năm học, cô học trò nghèo gầy ốm cố gắng từng ngày để học tốt. Cô mơ ước đỗ Trường đại học Xây dựng Hà Nội, phần vì thương bố mẹ làm nghề phụ xây, phần vì cô yêu những phép toán, những bản vẽ, những đường véc tơ lực. Đặt chân đến Hà Nội, Ngoan đi tìm việc ngay. Cô được nhận phụ việc trong một quán phở gần trường. Mỗi giờ công được trả 22.000 đồng, nhưng công việc khá vất vả. Ngoan phải đến trước 6h sáng. Đến đầu giờ chiều, hết khách, hết phở Ngoan mới tháo đôi găng tay cao su đầy bọt nước rửa bát về ký túc xá. Thế nhưng nhà trường thông báo lịch học mới, một tuần có hai buổi sáng, cô không đi làm được. Bà chủ quán gọi cô lại, cộng sổ rồi cho cô nghỉ để người khác làm thay. Hai người bác của Vũ Thị Ngoan vẫn cần được gia đình chăm sóc - Ảnh: VŨ TUẤN Ngoan hy vọng vài tuần nữa, khi lịch học tập ổn định, cô sẽ tiếp tục đi tìm việc làm. Ngoan biết lúc cô đi học, bố cô đã mang sổ đỏ đến ngân hàng rồi. Ngoài các khoản chu cấp cho anh em Ngoan đi học, bố Ngoan còn gánh thêm cả khoản gốc, lãi hằng tháng nữa. Cô chỉ hy vọng kỳ tới cô tiết kiệm được một khoản đỡ đần bố mẹ nộp học phí. Nếu được như vậy, cô không phải xin bảo lưu kết quả để đi làm công kiếm tiền nộp học nữa. Học sinh giỏi lớp chọn không dám chọn trường vì quá nghèo Cô giáo Ngô Thị Minh Diệu - giáo viên Trường trung học phổ thông số 1 Bát Xát (Lào Cai) - cho hay Vũ Thị Ngoan là học sinh duy nhất ở lớp chọn mà đến năm cuối cấp không dám chọn trường. Ngoan là học sinh giỏi toán cấp tỉnh, khi các bạn khác hào hứng chọn trường, bày tỏ dự định học trường này, trường kia thì Ngoan chỉ ngồi một góc. Cô học sinh không dám chọn trường vì không biết có đủ tiền nộp học phí hay không. "Chúng tôi đến tận nhà làm "công tác tư tưởng" với bố mẹ Ngoan. Nhà em Ngoan nghèo quá nên em không dám chọn trường vì sợ gia đình không nuôi nổi. Sau khi nghe nhà trường, chính quyền địa phương động viên thì gia đình cũng cố gắng để Ngoan đi học chuyên nghiệp. Nhưng vì hoàn cảnh còn quá khó khăn nên chúng tôi cũng mong em ấy nhận được sự giúp đỡ để học tập tốt, ra trường và có công việc ổn định" - cô giáo Ngô Thị Minh Diệu nói. Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…). Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ " - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ. Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007. Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ. Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.