Nội dung liên quan Phường Bửu Long, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai, Tin Trong Nước
Tin nóng an ninh trật tự 24h - Báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh,
Phá bỏ kiến trúc cổ - cách ứng xử thô bạo với quá khứ
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
08:32:48 23/09/2024
theo đường link
https://congan.com.vn/doi-song/pha-bo-kien-truc-co-cach-ung-xu-tho-bao-voi-qua-khu_167600.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(CATP) Mấy hôm nay, trên mạng xã hội đã có không ít bài viết kêu gọi "hãy cứu căn biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh". Nhưng có lẽ vì thảm cảnh bão lũ vẫn còn đó, lòng người chưa thể nguôi ngoai nên những tiếng kêu cứu trên vẫn thật yếu ớt, chưa gây nên sự đồng cảm sâu sắc trong cộng đồng hay với những người hoài cổ yêu quý di sản văn hóa lịch sử. Di họa của cơn bão số 3 còn đó nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Nghe câu chuyện về căn biệt thự cổ kia sắp bị phá bỏ, số phận của nó thật mong manh, đang chờ tính từng ngày đếm ngược, chỉ trong 1 - 2 tháng nữa là kết thúc. Theo tìm hiểu, đây là căn biệt thự của Đốc phủ Võ Hà Thanh xây dựng vào năm 1924, tọa lạc tại phường Bửu Long (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Nó được đánh giá là căn biệt thự với lối kiến trúc cổ đẹp nhất Đồng Nai. Và nghe đâu nó còn gắn với một câu chuyện thật nhân bản qua một trận bão lụt. Năm ấy, 1952, nước sông Đồng Nai và sông Bé dâng cao, cả đô thị Biên Hòa chìm trong biển nước, ông Võ Hà Thuật (con trai Đốc phủ Võ Hà Thanh) đã mở cửa cho gần 100 đồng bào lên tầng 2 lánh nạn, lo ăn, lo uống, chờ cho đến khi nước rút. Như vậy, tuổi căn biệt thự đến hôm nay chẵn 100 năm - một con số rất đẹp, ấn tượng. Nhưng vị trí của nó đang nằm trong dự án ven sông Đồng Nai nên người ta buộc phải phá bỏ. Kết cục như vậy thật nuối tiếc, xót xa! Kiến trúc cổ của căn biệt thự Đốc phủ Võ Hà Thanh Việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mới là tất yếu, không có gì bàn cãi. Chúng ta không thể đòi hỏi một đời sống hiện đại mà vẫn cứ giữ không gian sống của 100 năm trước. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không thể kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa cổ xưa với hiện đại hay dung hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích vật chất và giá trị tinh thần. Đó chính là bài toán, là vấn đề đòi hỏi những người quản lý phải có đủ tâm, đủ tầm trong cái nhìn hoạch định - xây dựng, phát triển và gìn giữ các giá trị di sản văn hóa của tiền nhân. Nếu như chỉ cần đập hết cái cũ để xây dựng mới thì dễ quá, đâu cần phải vắt óc suy nghĩ, làm như thế ai cũng làm được! Nếu như cứ tư duy ấy, cách làm ấy, rồi địa phương nào cũng thay nhau làm thì thử hỏi đất nước này sẽ còn lại bao nhiêu di sản, bao nhiêu kiến trúc cổ xưa? Chúng ta luôn tự hào nước Việt này mấy ngàn năm văn hiến. Vậy cái gì làm nên văn hiến khi mà các di tích lịch sử cứ bị xâm hại, "bức tử"? Rõ ràng các di sản vật thể và phi vật thể đã làm nên một bản sắc Việt với bề dày lịch sử, với chiều sâu văn hóa. Nó không chỉ là những thứ mà khi cần thì chúng ta lôi ra ca ngợi cho hay, nó chính là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tiếp tục nhắc nhở cho con cháu chúng ta ở tương lai. Nếu như biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh lại cùng chung số phận bi thảm như những căn biệt thự thời Pháp thuộc khác trên đất nước này thì đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động về thái độ ứng xử, cách tiếp cận đối với di sản hay những gì thuộc về quá khứ, thậm chí đối với cái đẹp và nghệ thuật. Số phận của căn biệt thự cổ này không khác gì câu chuyện về Dinh Thượng Thơ mấy năm trước. Còn nhớ năm 2018, khi Dinh Thượng Thơ (số 59 - 61 Lý Tự Trọng, Q1, TPHCM) có tuổi đời gần 160 tuổi suýt chút nữa bị đập bỏ để xây mới. Số phận của nó cũng "ngàn cân treo sợi tóc" khi "lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Văn phòng UBND TPHCM tại cuộc họp báo ngày 02/5/2018 đã cho biết Dinh Thượng Thơ không phải là di tích nên không được bảo tồn" (trích từ Báo Tuổi Trẻ đăng ngày 03/5/2018). May thay, dạo ấy báo, đài lên tiếng mạnh cùng với nhiều trí thức kiến nghị bảo tồn mà Dinh Thượng Thơ được cứu cho tới hôm nay. Do đó, chúng ta - những người hiểu biết không thể thấy mà ngoảnh mặt làm ngơ, phó mặc cho số phận đối với biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh lần này. Tôi không rành về câu chuyện quy hoạch ven sông Đồng Nai như thế nào, nhưng tôi nghĩ nếu những nhà quản lý quy hoạch thực sự để tâm đến di sản cha ông để lại thì họ sẽ đưa ra hàng chục phương án giải quyết. Đơn cử, chỉ cần nắn tuyến lệch đi một tí mà giữ lại căn nhà này làm điểm nhấn ven sông thì không chỉ cảnh quan đẹp mà còn có thể thu lợi về mặt kinh tế bằng nhiều cách. Không chừng chính nơi đây sẽ trở thành một điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch đổ về nhân sự việc mà mọi người đang biết đến này. Thiết nghĩ TPHCM từng làm được, làm tốt, thuận lòng nhân dân thì chẳng có lý do gì mà Đồng Nai không làm được.