Nội dung liên quan Tỉnh Bình Phước, Tin Trong Nước

Báo Công An Nhân Dân,

Phía sau hành trình trở lại Việt Nam của Công Phượng

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 11:49:12 29/09/2024 theo đường link https://cand.com.vn/so-tay-the-thao/phia-sau-hanh-trinh-tro-lai-viet-nam-cua-cong-phuong-i745561/
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Công Phượng quyết định trở về Việt Nam, sau lần thứ 3 xuất ngoại bất thành. Nhưng so với 2 lần trước đó, anh không quay về V.League mà đến… hạng Nhất. Quyết định ấy đương nhiên tạo nên sự tranh cãi lớn nơi người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Bước lùi của Công Phượng?
Công Phượng không có lý do gì để ở lại Yokohama FC. Khác với Đặng Văn Lâm với 2 năm ít được thi đấu tại Cerezo Osaka, trường hợp của Công Phượng ở Yokohama FC hoàn toàn khác. Nếu như Văn Lâm được trải qua môi trường tập luyện rất chuyên nghiệp, với sự đầu tư lớn vào hệ thống Ban huấn luyện, cơ sở vật chất thì ngân sách thấp hơn tới 3-4 lần của Yokohama FC - một đội bóng thường xuyên ngấp nghé việc lên, xuống hạng, trở thành rào cản phát triển các cầu thủ.
Không chỉ với Công Phượng, những cầu thủ Nhật Bản hay ngoại binh của Yokohama FC cũng cảm nhận rõ đầu tư khiêm tốn, ở một vị thế vừa phải nơi CLB này. Chuyện Yokohama FC thường xuyên chia tay cầu thủ cũng đến từ tham vọng và sự đầu tư của họ chỉ dừng lại ở một mốc trung bình đến thấp so với mặt bằng các CLB hàng đầu của J.League.
Công Phượng quyết định đến Bình Phước.
“Công Phượng sẽ chẳng học hỏi được điều gì cả tại Yokohama FC, nếu chỉ tập luyện chay mà không thi đấu”, một nhà môi giới có liên quan giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản khẳng định. “Chuyện anh ta chỉ thi đấu đúng 3 trận suốt 2 năm và không có một lần nào ra sân tại J.League 1 hay 2 là rào cản cho sự phát triển. Thật khó để đòi hỏi Công Phượng duy trì phong độ cao, chứ đừng mong cậu ấy tiến bộ trong sự nghiệp”.
Quả thực, Công Phượng cũng đã phải rời Yokohama FC. Lần thứ 3 trong sự nghiệp kéo dài 10 năm qua, chân sút sinh năm 1995 không thành công ở nước ngoài, ít nhất ở góc độ ra sân thi đấu và khẳng định bản thân. Từ Mito Hollyhock (2016), Incheon United, Sint Truidense (2019) và giờ đây là Yokohama FC (2023, 2024), tổng số trận đấu của Công Phượng ở nước ngoài, tính tại giải VĐQG chỉ là 16 lần! Con số này bằng đúng số trận trong 1 mùa giải V.League gần nhất mà Công Phượng còn thi đấu trong màu áo HAGL cách đây 2 năm. Nhìn sang Thái Lan, khi Theerathon Bunmathan từng vô địch J.League 1 với Yokohama F Marinos; Sasalak lên ngôi K.League 1 với Jeonbuk thì Công Phượng – niềm hy vọng số 1 của bóng đá Việt Nam thật sự khiến người hâm mộ Việt Nam thất vọng.
Câu hỏi vốn dĩ đã đau đáu trong suốt hơn 1 năm qua chính là Công Phượng có quay trở về Việt Nam chơi bóng, sau một thời gian quá dài “mất tích” tại Yokohama FC. Sau cùng, Công Phượng trở về thật. Nhưng anh lại quyết định đến với giải hạng Nhất! Việc khoác áo Bình Phước thay vì V.League khiến nhiều người đặt dấu hỏi về một bước lùi đối với tiền đạo này. Bởi sau 10 năm chinh chiến ở 6 CLB khác nhau từ V.League đến các giải châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc thì Công Phượng lại chấp nhận xuống hạng Nhất – hạng thấp nhất mà sự nghiệp của anh từng trải qua!
Vì sao lại là đội hạng Nhất?
Thực tế, có một chi tiết cho thấy bước lùi của Công Phượng. Đó là giá trị của anh trong mắt các CLB tại V.League không còn đủ lớn để họ sẵn sàng chi ra một khoản tiền khổng lồ hòng có được anh. Đa số những nhà môi giới từ nội lẫn ngoại đều cho rằng mức lót tay mà Công Phượng được hưởng chỉ dao động ở con số từ 4-5 tỷ đồng/năm, tức là tương đương với một số tuyển thủ trẻ đang lên hay những ngôi sao bước vào diện xế chiều như Đình Trọng, Việt Anh.
Tuy nhiên, Công Phượng lại đưa ra một lời để nghị với mức lót tay tương đương với các tuyển thủ quốc gia Việt Nam thuộc hàng đỉnh cao hiện tại như Hoàng Đức, Quang Hải. Theo đó, anh đề nghị 3 năm hợp đồng kèm lót tay 24 tỷ đồng được thanh toán 1 lần. Tuy nhiên, màn “chào giá” của Công Phượng đã không được ông Nguyễn Đức Thuỵ – người tiếp cận với anh đầu tiên, đồng thuận. Ông Nguyễn Đức Thuỵ sau đó quyết định rút lui khỏi thương vụ đàm phán. Để rồi sau đó, Công Phượng nhận được tín hiệu đến từ ông Yusuke Adachi, nguyên Giám đốc kỹ thuật VFF và hiện là Giám đốc điều hành CLB Bình Phước.
Sự ra mặt của ông Adachi cùng một vài cái tên khác cũng đến từ Nhật Bản đã khiến Yokohama FC chấp nhận chia tay chân sút Việt Nam trước 1 năm hợp đồng. Ngay lập tức, ông Adachi liên tục trao đổi với Công Phượng về kế hoạch phát triển của CLB Bình Phước. Bản thân tiền đạo Việt Nam bị thuyết phục hoàn toàn bởi môi trường bóng đá được định hướng xây dựng theo mô hình Nhật Bản, bao gồm hoạt động và xây dựng học viện đào tạo trẻ.
Nên nhớ với Công Phượng, môi trường bóng đá Nhật Bản có ảnh hưởng sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà Công Phượng đặt biệt danh cho con trai mình là Mito (đội bóng nước ngoài đầu tiên mà Phượng chơi bóng). Cũng chẳng phải tự dưng anh đưa cả gia đình sang Nhật Bản sinh sống trong 2 năm như vậy.
Một yếu tố nữa chính là câu chuyện thu nhập. Theo đó, Công Phượng dự kiến nhận khoảng 20 tỷ đồng trong vòng 3 năm với Bình Phước. Con số này cũng được cả hai quy định theo từng mùa giải, với từng mục tiêu mà đôi bên bắt tay hướng đến. Theo tìm hiểu, Công Phượng có thể nhận khoảng 6,5 tỷ đồng ở mùa giải đầu tiên, khi Bình Phước chơi cho hạng Nhất. Nhưng con số này sẽ tăng lên nếu như cả hai cùng nhau góp mặt tại V.League 2025/2026.
Bên cạnh đó, ngoài yếu tố kể trên, Bình Phước cũng hậu thuẫn rất nhiều trong dự định kinh doanh thương hiệu cà phê của Công Phượng. Thêm một chi tiết cũng rất quan trọng để Công Phượng quyết định về Việt Nam. Đó là vợ con anh đồng ý trở về nước cùng chân sút này. Điều đó càng giúp cho tiền đạo sinh năm 1995 có thêm động lực để về Việt Nam chơi bóng, ngay cả khi đó chỉ là giải hạng Nhất Quốc gia.
Vì sao là số áo 70?
Ngày 24/9, Công Phượng đã có buổi tập đầu tiên cùng Bình Phước. Theo kế hoạch, anh sẽ có trận ra mắt CLB có biệt danh "Những chiến binh xanh" vào ngày 19/10, khi đội bóng này thi đấu ở Cúp Quốc gia trước đối thủ Trẻ TP.HCM.
Công Phượng đã chọn mặc chiếc áo số 70 trong màu áo đội bóng mới. Đây là số áo khá "lạ" với Công Phượng. Bởi khi còn thi đấu ở HAGL hay trong màu áo các ĐTQG, Công Phượng thường được ưu ái mặc áo số 10, từ đó cầu thủ này cũng hay được gọi với biệt danh CP10.
Tuy nhiên nếu để ý, đây là dụng ý của Công Phượng. Bởi Bình Phước chính là đội bóng thứ 7 trong sự nghiệp chuyên nghiệp của cầu thủ này. Một phép tính nhân rất đơn giản cũng sẽ giải thích rõ lựa chọn nơi chân sút này: 7 (đội bóng) x10 (số áo thường thấy) = 70!
Sao chép thành công