Báo Giáo dục & Thời đại,

Phụ đạo học sinh yếu: Mong mỏi chế độ phù hợp

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 14:41:16 14/10/2024 theo đường link https://giaoducthoidai.vn/phu-dao-hoc-sinh-yeu-mong-moi-che-do-phu-hop-post703709.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hiếu Nguyễn
Theo dõi báo trên
GD&TĐ - Bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu là nhiệm vụ thường xuyên của trường phổ thông.
Cô Nguyễn Thị Bích Huy và học trò Trường Tiểu học & THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên). Ảnh: NVCC
Hiện chế độ với giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi được Bộ GD&ĐT quan tâm trong dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Các nhà giáo làm nhiệm vụ phụ đạo học sinh yếu cũng có mong mỏi này.
Bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà Nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn, học sinh có điểm đầu vào rất thấp, Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) luôn có khá đông học sinh cần phải phụ đạo. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, năm học 2024 - 2025, trong số 177 thí sinh dự thi vào trường, 100% có điểm thi môn Tiếng Anh dưới trung bình.
Với môn Toán, chỉ có 4 trong số 177 học sinh đạt điểm trung bình. Chất lượng đầu vào quá thấp là một khó khăn, áp lực đối với việc nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường. Đây cũng là lý do khiến số lượng học sinh cần phụ đạo hằng năm của nhà trường khá lớn.
“Những năm trước, thầy cô được phân công dạy phụ đạo cho học sinh đều không có chế độ hỗ trợ vì trường không có kinh phí. Thầy cô nhà ở xa, di chuyển vất vả, nên nếu có giờ phụ đạo là xác định sau giờ dạy buổi sáng phải ở lại trường. Việc vận động học sinh đi học phụ đạo cũng khó khăn”, thầy Minh chia sẻ.
Từ thực tế đó, Ban Giám hiệu Trường THPT Mường Chiềng dự kiến có những thay đổi trong công tác phụ đạo từ năm học này, nhằm “lấp lỗ hổng” kiến thức cho học sinh từ đầu. Theo đó, việc phụ đạo sẽ tiến hành ngay đầu năm học với cả khối 10, 11; khối 12 có kế hoạch riêng.
Trước mắt, học sinh khối 10 được phụ đạo 2 môn Toán, Ngữ văn; khối 11 ôn tập thêm 2 môn mà học sinh sẽ lựa chọn thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường đã họp với cha mẹ học sinh, đề xuất hỗ trợ kinh phí mỗi buổi học phụ đạo, ôn tập (3 tiết học) và nhận được sự đồng thuận. Mức thu dù thấp, nhưng nếu được triển khai sẽ bảo đảm một chút chế độ động viên, khích lệ thầy cô.
“Có thể nói, những trường đầu vào thấp thường có số lượng học sinh phải học phụ đạo nhiều, giáo viên sẽ vất vả. Mong rằng sẽ có chính sách hỗ trợ thầy cô, dù chỉ là ít ỏi”, thầy Minh bày tỏ mong mỏi.
Nhiều năm tham gia cả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém, cô Nguyễn Thị Bích Huy - Trường Tiểu học & THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên) cho biết: Những học sinh học lực trung bình yếu trở xuống thuộc diện phải phụ đạo; do đó số lượng nhiều hay ít tùy vào kết quả học tập mỗi lớp.
“Bản thân tôi, mỗi năm phải phụ đạo khoảng 50 học sinh. Thời gian phụ đạo học sinh yếu kém thường vào thời điểm gần đến các kỳ thi cuối kỳ, mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tháng”, cô Huy chia sẻ.
Cô Nguyễn Kiều Hạnh - Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho rằng: Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém là 2 công việc quan trọng, song song của mỗi giáo viên khi đứng lớp. Không phải mặt bằng chung của lớp, trường nào cũng như nhau. Với lớp có ít học sinh năng khiếu, nhiều học sinh yếu kém thì công tác phụ đạo càng quan trọng, cần thiết.
“Tại Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa, cần phụ đạo thường là các học sinh nhận thức chậm ở 2 môn Toán, Tiếng Việt. Kỹ năng đọc, viết, tính toán của các em còn hạn chế. Số lượng học sinh phải phụ đạo ở mỗi lớp không nhiều. Bản thân tôi, mỗi năm thường phụ đạo 2 - 3 học sinh.
Thời gian phụ đạo bắt đầu từ đầu năm học và kéo dài đến khi học sinh nắm được các yêu cầu cần đạt của môn học. Việc kèm, phụ đạo cho các em khi ở lớp thường diễn ra trong mỗi tiết dạy, đầu giờ hoặc giờ ra chơi và kết hợp chặt chẽ với phụ huynh trong quá trình tự học của các em khi ở nhà”, cô Hạnh cho hay.
Học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ). Ảnh: NTCC
Những trăn trở Từ thực tiễn, cô Nguyễn Kiều Hạnh nhìn nhận, dạy học phụ đạo còn có những khó khăn. Theo đó, thời lượng mỗi tiết học là 35 phút, nhận thức của học sinh không đồng đều, thực hiện dạy học phân hóa đối tượng nên khó có thể dành nhiều thời gian cho học sinh yếu, kém. Vào giờ ra chơi, đầu tiết học, học sinh hay mất tập trung. Một số phụ huynh bận công việc, đi làm xa nên việc phối hợp hỗ trợ, quản lý học sinh tự học còn gặp khó khăn.
“Tham gia phụ đạo học sinh yếu kém là thực hiện nhiệm vụ của giáo viên đứng lớp, trên tinh thần tự nguyện. Mục đích muốn hỗ trợ để các em tiếp thu, nắm được kiến thức theo yêu cầu cần đạt của chương trình, đồng thời nâng cao chất lượng học tập của lớp mình chủ nhiệm. Đây là hoạt động cần thiết, nên mong sẽ có quy định về chế độ cho giáo viên đảm nhận thêm công tác phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu kém”, cô Hạnh bày tỏ.
Với cô Nguyễn Thị Bích Huy, khó khăn trong phụ đạo học sinh đến từ việc giờ phụ đạo thường trái buổi, học sinh tham gia ít đầy đủ bởi nhiều lý do: Nhà xa, đi lại khó khăn; có em phải ở nhà phụ bố mẹ; có em vì học yếu nên ngại, lười học mà không đến lớp… Giáo viên dạy phụ đạo học sinh yếu kém không được hưởng chính sách, chế độ gì thêm.
Theo thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị, bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu lâu nay là nhiệm vụ thường xuyên của trường phổ thông. Bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Phụ đạo học sinh yếu nhằm đảm bảo chất lượng đại trà.
Riêng với phụ đạo học sinh yếu, các nhà trường có cách làm đa dạng, phong phú, nhờ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, vì không có quy định cụ thể nên mỗi địa phương, nhà trường có cách làm khác nhau, tùy vào chất lượng thực tế của học sinh. Cũng có những hạn chế phát sinh ở một số trường, như: Không đánh giá chính xác năng lực học sinh, tổ chức phụ đạo đại trà và thu tiền của phụ huynh; bỏ bê, không quan tâm đến học sinh yếu...
Nhấn mạnh quan điểm đổi mới giáo dục nhằm mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực, đánh giá học sinh trên tinh thần mới, thầy Lê Văn Hòa cho rằng, hoạt động phụ đạo học sinh cũng phải tiếp cận theo góc nhìn mới, thực hiện theo phương thức mới.
“Những năm gần đây, sự phân hóa về chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông đã thấy rõ. Những trường có thương hiệu, hoặc ở vị trí địa lý thuận lợi thường có chất lượng đầu vào rất tốt. Ngược lại, không ít trường chật vật với việc tuyển sinh và đây chính là nhóm trường cần quan tâm dạy phụ đạo nhất.
Theo tôi, cần có quy định cụ thể trong đánh giá, để gắn trách nhiệm của giáo viên với kết quả giáo dục, giảng dạy học sinh. Làm như vậy sẽ phát huy trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và tránh khuynh hướng cái gì cũng trông chờ ở Nhà nước. Đối với hoạt động dạy phụ đạo, Bộ GD&ĐT cho phép nhà trường thực hiện thu tiền phụ huynh với mức phù hợp, để vừa huy động trách nhiệm phụ huynh, vừa gỡ khó cho cơ sở giáo dục và không làm phát sinh thêm biên chế”, thầy Lê Văn Hòa nêu quan điểm.
Thầy trò Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình). Ảnh: NTCC
Cần công bằng về chế độ Liên quan đến chế độ đối với giáo viên dạy phụ đạo, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang đề cập đến dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý; trong đó nhấn mạnh quy định quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy.
Cụ thể, theo dự thảo, dạy trực tuyến, liên trường được tính 1 tiết tương đương. Báo cáo viên tại lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên do hiệu trưởng hoặc cấp có thẩm quyền tổ chức, báo cáo tại hoạt động ngoại khóa, dạy hoạt động trải nghiệm quy mô khối lớp hoặc quy mô trường; dạy trực tuyến theo kế hoạch giáo dục của nhà trường cho 2 lớp trở lên cùng thời điểm… được tính 1,5 tiết.
Giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh tham gia hội khỏe phù đổng, hướng dẫn học sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật hay cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường 1 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 2 tiết định mức. Giáo viên dạy môn chuyên tại các lớp chuyên trong trường chuyên 1 tiết dạy môn chuyên được quy đổi bằng 3 tiết định mức.
Bày tỏ đồng tình với các nội dung trên, ông Trần Tuấn Khanh cũng băn khoăn khi văn bản này chưa đề cập đến quy định với giáo viên phụ đạo cho học sinh yếu kém. Thực tế trong một đơn vị trường học, số học sinh yếu kém từng môn học, lớp học vẫn tồn tại. Những em này rất cần sự hỗ trợ từ giáo viên bộ môn, hoặc giáo viên chủ nhiệm. Việc phụ đạo cho học sinh học lực yếu, kém thuộc trách nhiệm của nhà trường theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Như vậy, nếu giáo viên bỏ công sức tự nguyện, hoặc theo sự phân công của nhà trường mà không được quy đổi tiết dạy thì bị thiệt thòi. Từ đó, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang đề xuất giáo viên dạy phụ đạo học sinh yếu kém theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, được quy đổi 2 tiết (hoặc ít nhất 1,5 tiết học).
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Bích Huy mong mỏi giáo viên phụ đạo học sinh yếu được quy đổi ra số tiết để động viên, khích lệ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đảm bảo chất lượng dạy phụ đạo. Trường hợp giáo viên dạy vượt số tiết so với định mức thì tính tiền dạy thừa giờ theo quy định. Cùng đó, các nhà trường cần xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ thật cụ thể; trong đó có mục chi bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém sao cho phù hợp.
Ở góc độ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, thầy Giang Ngọc Ảnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Mỹ Lộc (Thái Thụy, Thái Bình) đồng tình với việc nên quy đổi định mức tiết dạy phụ đạo học sinh yếu như với bồi dưỡng học sinh giỏi.
“Hiện nhà trường không thể chi hỗ trợ cho giáo viên phụ đạo vì không có quy định. Số học sinh phải phụ đạo của nhà trường cũng không nhiều”, thầy Ảnh chia sẻ và cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của nhà trường, giáo viên trong phụ đạo học sinh, tránh chung chung.
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Một trong số đó là dự thảo đã quan tâm đến vấn đề dạy bồi dưỡng học sinh giỏi ở nhà trường. Cụ thể, giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi theo kế hoạch giáo dục của nhà trường 1 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 2 tiết định mức.
Tuy nhiên, với giáo viên phụ đạo cho học sinh yếu kém không có quy định rõ ràng. Hiện nay, đa số giáo viên dạy phụ đạo trên tinh thần tự nguyện; phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động này.
Sao chép thành công