Nội dung liên quan Nga, Tin Quốc Tế

Báo Quân đội Nhân dân,

Quân sự thế giới hôm nay (26-9): Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400 để được mua F-35

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:21:33 26/09/2024 theo đường link https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-26-9-tho-nhi-ky-tu-bo-s-400-de-duoc-mua-f-35-796090
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Quân sự thế giới hôm nay (26-9) gồm có những nội dung chính sau: Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400 để được mua F-35, công ty Nga bán thành công 1.000 UAV, Quân đội Đức đặt mua 19 hệ thống phòng không mặt đất Skyranger 30.
Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400 để được mua F-35
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang có những bước tiến quan trọng trong các cuộc thảo luận với Mỹ về kế hoạch ngừng sử dụng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 để được phép mua chiến đấu cơ F-35 và có thể khôi phục lại vị thế đối tác cấp 3 trong chương trình sản xuất loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 này.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 được chuyên chở bằng máy bay vận tải. Ảnh: BulgarianMilitary
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35 vào tháng 7-2019 khi nước này bắt đầu tiếp nhận các linh kiện cho hệ thống tên lửa S-400. Washington đã sử dụng chương trình F-35 để gây áp lực buộc Ankara phải tuân thủ chính sách của NATO là hạn chế doanh thu vũ khí cho ngành quốc phòng Nga.
Mặc dù chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từng bóng gió về khả năng mua máy bay chiến đấu của Nga như Su-35 hoặc Su-57, nhưng tính khả thi của lựa chọn này vẫn còn chưa rõ ràng. Tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, việc tham gia vào các cấu trúc quân sự phương Tây, và sự phụ thuộc nặng nề vào phương Tây về chuyển giao công nghệ, thương mại, ủng hộ chính trị và quân sự, đều là những trở ngại đáng kể cho vấn đề này.
Theo tin tức độc quyền của hãng truyền thông Hy Lạp Kathimerini, Mỹ đã đưa ra một đề xuất chi tiết để giải quyết vấn đề gây tranh cãi về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Đề xuất này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ giữ các tên lửa trên lãnh thổ của mình nhưng trên thực tế sẽ chuyển quyền kiểm soát chúng cho Mỹ.
Tiêm kích F-35 do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất. Ảnh: BulgarianMilitary
Các cuộc thảo luận dường như đã đạt được nhiều tiến triển hơn so với những gì đã diễn ra trước đó. Các quan chức cấp cao của Mỹ đã đề xuất chuyển các hệ thống tên lửa S-400 của Nga đến khu vực do Mỹ kiểm soát tại căn cứ Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Phương án này nhằm giúp cho Ankara tránh khỏi bị mất mặt trên trường quốc tế, đồng thời đảm bảo rằng không có điều khoản nào trong hợp đồng của họ với Nga bị vi phạm.
Sau khi đàm phán thành công với Washington, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ chuyển ưu tiên từ việc mua máy bay chiến đấu F-16 sang mua F-35 do ít hạn chế xuất khẩu hơn đối với loại máy bay này.
Công ty Nga bán thành công 1.000 UAV bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây
Công ty khởi nghiệp Integrated Robotics Technologies (IRT) của Nga đang có những bước tiến lớn trên thị trường máy bay không người lái (UAV), đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tăng cao khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo Defense News, riêng trong năm 2023, IRT đã bán được hơn 1.000 UAV mà không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Một trong những loại UAV được sử dụng tại Ukraine. Ảnh: BulgarianMilitary
Là công ty có trụ sở tại Cộng hòa Bashkortostan ở đông nam Liên bang Nga, IRT là một ví dụ điển hình cho thấy các công ty Nga đang thích ứng với nền kinh tế thời chiến. Mặc dù sản xuất UAV cho quân đội, IRT vẫn chưa phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ban đầu, công ty tập trung vào việc phát triển UAV cho các hoạt động dân sự, chẳng hạn như kiểm tra đường ống năng lượng và giám sát đất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi chiến sự bắt đầu diễn ra ở Ukraine, IRT đã chuyển hướng kinh doanh sang tiếp thị những chiếc UAV này như một công cụ theo dõi hoạt động đối phương và tấn công.
Các sản phẩm của IRT khá đa dạng. Từ UAV "kamikaze" giá rẻ, dùng một lần, được trang bị chất nổ để tấn công mục tiêu chính xác, cho đến những UAV hiện đại có thời gian bay lên tới 20 giờ và bao phủ phạm vi hơn 1.600 km với ảnh chụp có độ phân giải cao. Ban đầu được tạo ra để sử dụng trong công nghiệp, nhưng những chiếc UAV công nghệ cao này hiện đã được sử dụng trong các hoạt động quân sự. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cản trở các doanh nghiệp Nga trong việc mua các linh kiện thiết yếu cho UAV, chẳng hạn như thiết bị điện tử hiện đại và các vật liệu chuyên dụng. Tuy nhiên, các công ty của Nga như IRT đã có những cách thức sáng tạo để vượt qua các hạn chế này.
Được thành lập vào tháng 9-2021, IRT là công ty hàng đầu trong thị trường UAV của Nga. Công ty tập trung vào các kỹ sư trẻ tài năng và thuê khoảng 20 nhân viên. Mặc dù là công ty tư nhân, IRT đã nhận được nhiều khoản tài trợ và hợp đồng từ chính phủ. Mối quan hệ chặt chẽ của họ với chính quyền đã dẫn đến các chương trình mới nhằm thúc đẩy sản xuất UAV, chẳng hạn như các trung tâm nghiên cứu và nhà máy mới.
Quân đội Đức đặt mua 19 hệ thống phòng không mặt đất Skyranger 30
Quân đội Đức sẽ tiếp nhận 19 hệ thống phòng không mặt đất di động Skyranger 30 mới từ nay cho đến năm 2028, với hệ thống đầu tiên dự kiến được bàn giao vào cuối năm nay. Hệ thống phòng không tiên tiến này đã được Công ty sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức lần đầu tiên giới thiệu trong một sự kiện diễn ra tại Zurich, Thụy Sĩ.
Xe chiến đấu gắn hệ thống phòng không mặt đất di động Skyranger 30. Ảnh: ArmyRecognition
Skyranger 30 là một hệ thống phòng không tối tân được tích hợp vào một tháp pháo có thể gắn trên nhiều loại xe khác nhau, bao gồm cả xe bọc thép bánh lốp Boxer cơ động cao mà Quân đội Đức đang sử dụng. Hệ thống mô-đun này được thiết kế để phát hiện, theo dõi và vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không như máy bay không người lái, máy bay trực thăng, và máy bay chiến đấu.
Đặc biệt, hệ thống này nhằm mục tiêu đối phó với hoạt động của các loại UAV trong chiến tranh hiện đại, như những gì đang diễn ra ở Ukraine. Sau khi cho ngừng hoạt động hệ thống pháo phòng không Gepard, quân đội Đức đã xác định được lỗ hổng năng lực trong hệ thống phòng không của mình và việc cho ra mắt Skyranger 30 nhằm mục đích giải quyết vấn đề này.
Sức mạnh của Skyranger 30 nằm ở cơ cấu pháo ổ xoay 30mm mạnh mẽ, một phiên bản cải tiến của dòng pháo được sử dụng trên máy bay chiến đấu Viggen của Thụy Điển. Với tốc độ bắn khoảng 1.250 viên/phút, vũ khí đáng gờm này có thể bắn đạn nổ được thiết kế để phát nổ giữa không trung nhằm đạt hiệu quả tối đa chống lại máy bay không người lái và các mục tiêu trên không khác.
Hệ thống phòng không Skyranger 30 có tầm bắn hiệu quả lên tới 3km và có thể tấn công các mục tiêu trên không ở độ cao lên tới khoảng 3.000m. Điều này cho phép Skyranger 30 phát huy hiệu quả trong các hoạt động phòng thủ từ tầm ngắn đến tầm trung, chống lại các mối đe dọa như UAV, máy bay trực thăng và máy bay bay thấp. Ngoài pháo ổ xoay, Skyranger 30 còn được trang bị bệ phóng tên lửa phòng không Stinger.
Skyranger 30 cũng được trang bị các công nghệ bảo vệ tiên tiến, bao gồm hệ thống ROSY, cho phép xe nhanh chóng triển khai khói để che khuất khỏi sự phát hiện của đối phương. Ngoài ra, Skyranger 30 còn được tích hợp hệ thống radar Spexer 2000M, có khả năng theo dõi đồng thời hơn 300 mục tiêu di động, cung cấp khả năng nhận biết tình huống toàn diện cho người chỉ huy.
Việc mua sắm hệ thống Skyranger 30 cho thấy nỗ lực đẩy nhanh hiện đại hóa của quân đội Đức. Quân đội nước này đã ký một thỏa thuận khung với Công ty sản xuất vũ khí Rheinmetall để cung cấp tới 49 hệ thống Skyranger 30. Đơn đặt hàng ban đầu gồm 19 xe chiến đấu trị giá 650 triệu Euro (gần 724 triệu USD).
TRUNG THÀNH (Tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
Sao chép thành công