Báo Quân đội Nhân dân,

Quan tâm, thực hiện tốt chính sách đối với gia đình bộ đội bị thiệt hại do thiên tai

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 10:47:39 23/09/2024 theo đường link https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-tam-thuc-hien-tot-chinh-sach-doi-voi-gia-dinh-bo-doi-bi-thiet-hai-do-thien-tai-795658
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào các địa phương thuộc địa bàn Quân khu 3, gây nhiều thiệt hại cho người dân, trong đó có cả gia đình cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Quân khu 3 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, thống kê thiệt hại, tích cực hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần đối với hạ sĩ quan, binh sĩ (HSQ, BS) và thân nhân của HSQ, BS. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với Trung tá Nguyễn Quang Hiển, Phó trưởng phòng Chính sách, Cục chính trị Quân khu 3 để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân HSQ, BS tại ngũ áp dụng trong những trường hợp nào và được giải quyết theo nguyên tắc nào?
Trung tá Nguyễn Quang Hiển: Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 6-4-2016 của Chính phủ quy định thân nhân của HSQ, BS tại ngũ, gồm: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của HSQ, BS phục vụ tại ngũ.
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) và các đơn vị đóng quân trên địa bàn gia cố đê tại xã Việt Dân, thị xã Đông Triều sau bão số 3. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG
Khoản 1 Điều 6 nghị định trên quy định thân nhân của HSQ, BS tại ngũ được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp sau: Khi nhà ở của HSQ, BS tại ngũ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế thì được trợ cấp mức 3.000.000 đồng/lần; thân nhân của HSQ, BS tại ngũ ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần; chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại điểm a khoản này được thực hiện không quá 2 lần/năm đối với một HSQ, BS; chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại điểm b khoản này được thực hiện không quá 2 lần/năm đối với mỗi thân nhân của HSQ, BS; thân nhân của HSQ, BS tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.
Về nguyên tắc giải quyết, khoản 3 Điều 5 Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BQP ngày 8-5-2024 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP nêu rõ: Khi nhà ở của HSQ, BS tại ngũ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế thì được trợ cấp không quá 2 lần/năm đối với mỗi HSQ, BS; khi thân nhân của HSQ, BS tại ngũ ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện theo quy định được trợ cấp không quá 2 lần trong một năm đối với mỗi thân nhân của HSQ, BS.
PV: Trước thiệt hại do bão số 3 gây ra, để kịp thời hỗ trợ, động viên HSQ, BS tại ngũ và thân nhân bị thiệt hại; thực hiện tốt chủ trương, chính sách trên thì Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 3 đã hướng dẫn các đơn vị tiến hành rà soát, thống kê ra sao, thưa đồng chí?
Trung tá Nguyễn Quang Hiển: Ngay khi bão qua, Phòng Chính sách đã tham mưu cho Cục Chính trị có điện chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát, tổng hợp những trường hợp gia đình quân nhân, trong đó có gia đình của HSQ, BS bị thiệt hại do bão số 3. Thực hiện công điện, các cơ quan, đơn vị tổ chức cho HSQ, BS mượn điện thoại gọi điện về nhà hỏi thăm và nắm tình hình thiệt hại của gia đình, tiến hành sinh hoạt, kê khai cụ thể các trường hợp gia đình quân nhân bị thiệt hại do bão, tổng hợp, báo cáo về Cục Chính trị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão khiến một số khu vực thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và TP Hải Phòng bị mất điện dài ngày, mạng truyền thông rất yếu nên hiện vẫn còn nhiều cán bộ, HSQ, BS làm nhiệm vụ trong những khu vực này chưa thể liên lạc được với người thân; một số đơn vị đang tập trung tối đa lực lượng tham gia khắc phục hậu quả sau bão cũng chưa có thời gian rà soát, chưa thể tổng hợp, báo cáo đầy đủ.
PV Vậy đồng chí cho biết kết quả rà soát, thống kê đến thời điểm hiện tại.
Trung tá Nguyễn Quang Hiển: Hiện đã có 23/33 cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát sơ bộ ban đầu, báo cáo về Cục Chính trị và chúng tôi tổng hợp được hơn 800 trường hợp gia đình quân nhân, trong đó có khoảng 100 gia đình HSQ, BS bị thiệt hại do bão số 3. Tuy nhiên, trong số đó, nhiều gia đình bị thiệt hại nhưng chưa đến mức được hưởng trợ cấp khó khăn đột xuất theo các quy định nêu trên. Ngoài ra, do những nguyên nhân đã nêu ở trên nên một số đơn vị đứng chân trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và TP Hải Phòng, đặc biệt là Sư đoàn 395 có số lượng HSQ, BS đông nhất Quân khu 3 vẫn chưa rà soát, tổng hợp, báo cáo xong do đang tập trung làm nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Do đó, công tác rà soát vẫn đang được chúng tôi chỉ đạo triển khai bảo đảm đến 100% quân nhân trong những ngày tới.
PV: Trường hợp được hưởng trợ cấp khó khăn đột xuất thì mất bao lâu để thân nhân HSQ, BS nhận được trợ cấp này?
Trung tá Nguyễn Quang Hiển: Những trường hợp gia đình HSQ, BS đủ điều kiện hưởng trợ cấp khó khăn đột xuất theo quy định sẽ được chỉ huy các đơn vị hướng dẫn làm những thủ tục cần thiết như: Bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất, giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (nếu có). Khi đủ các giấy tờ xác minh theo quy định, cấp ủy, chỉ huy các cấp tổng hợp, báo cáo ngay với cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Trường hợp HSQ, BS chưa thể xin được xác nhận của cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ huy các đơn vị vẫn đề nghị cấp trên xem xét, giải quyết chế độ cho quân nhân nhưng yêu cầu quân nhân phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ sau. Trong thời gian không quá 2 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị từ cấp dưới, cấp trung đoàn và tương đương phải hoàn thành việc xem xét, quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất cho HSQ, BS. Căn cứ điều kiện cụ thể, các đơn vị cử cán bộ đến gia đình HSQ, BS bị thiệt hại để động viên và chi trả trợ cấp. Trường hợp không thể đến gia đình, chỉ huy đơn vị sẽ chi trả trợ cấp cho HSQ, BS nhưng phải gọi điện thông báo để thân nhân HSQ, BS nắm được.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
TRƯỜNG SƠN (thực hiện)
-------
Tâm tình - Kiến nghị
Chu đáo, thắm tình đồng chí, đồng độ
Lũ lụt và sạt lở gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản đối với người dân các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang. Đây cũng là nơi định cư của rất nhiều gia đình sĩ quan, QNCN, hạ sĩ quan, binh sĩ của Sư đoàn 316, Quân khu 2. Cùng với cử cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân và chính quyền các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở, Sư đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát, thống kê những trường hợp gia đình quân nhân bị thiệt hại để kịp thời hỗ trợ, động viên, báo cáo cấp trên và thực hiện chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ theo các quy định. Kết quả rà soát đến thời điểm hiện tại, toàn Sư đoàn có 65 gia đình của sĩ quan, QNCN, hạ sĩ quan, binh sĩ bị thiệt hại do mưa lũ.
Bộ đội Sư đoàn 316, Quân khu 2 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh:TRẦN HÀO
Để kịp thời động viên các đồng chí có gia đình bị thiệt hại do thiên tai, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 316 yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác động viên tư tưởng, không để xảy ra hiện tượng thoái thác nhiệm vụ, đảo, bỏ ngũ. Đối với những gia đình bị thiệt hại nặng, Sư đoàn giải quyết phép đặc biệt cho các đồng chí này về giúp đỡ gia đình khắc phục hậu quả thiên tai, khi đi có cán bộ là chỉ huy đơn vị đi cùng để bảo đảm an toàn, kết hợp nắm tình hình động viên và cùng giúp đỡ gia đình ổn định đời sống bước đầu sau lũ. Ngoài động viên về tinh thần, Sư đoàn và các đơn vị cũng gửi những món quà nhỏ để động viên, hỗ trợ quân nhân và gia đình nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đối với những đồng chí đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai mà gia đình chịu thiệt hại, Sư đoàn cử cán bộ về các gia đình quân nhân để động viên, giúp đỡ khắc phục hậu quả, sau đó thông tin kịp thời đến cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ để mỗi quân nhân yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đại tá LÂM DŨNG TIẾN - (Phó chính ủy Sư đoàn 316, Quân khu 2)
------
Rà soát, động viên kịp thời
Cùng với công tác giúp đỡ người dân, chính quyền địa phương chuẩn bị ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân cũng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác hậu phương Quân đội. Cơ quan chức năng đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thống kê, rà soát, thẩm định những gia đình quân nhân bị thiệt hại do bão gây ra. Đối với các gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của bão số 3, chỉ huy các đơn vị phải liên hệ trực tiếp với gia đình để nắm bắt tình hình thiệt hại và có các biện pháp động viên kịp thời. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn Vùng có 177 gia đình quân nhân, 161 gia đình thân nhân, trong đó có 41 gia đình thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ bị thiệt hại do bão số 3 nhưng rất may không có thương vong về người.
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.
Sao chép thành công