Báo Nhân Dân,

Quảng Bình ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 05:17:58 01/10/2024 theo đường link https://nhandan.vn/quang-binh-uu-tien-nguon-luc-dau-tu-ha-tang-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post833972.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Trước đây ở tỉnh Quảng Bình mỗi khi nhắc đến tên các địa danh như Cà Roòng huyện Bố Trạch, Chút Mút huyện Lệ Thủy... nghe xa xôi, cách trở, hầu như ai cũng không muốn đến. Thế nhưng bây giờ, các tuyến đường rộng mở đã nối gần bản xa, điện lưới quốc gia cũng đã lên tận vùng biên giới. Cuộc sống đồng bào đã có nhiều đổi thay.
Hạ tầng đi trước
Ngược đường 20 Quyết thắng, lên với đồng bào Ma Coong, ở xã Thượng Trạch, chúng tôi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đinh Cu đón bằng cái bắt tay rất chặt.
Anh nói, tuyến đường 20 Quyết thắng vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh cho nâng cấp nên đi lại bớt khó khăn hơn. Sáng ở vùng biên giới Thượng Trạch nhưng xế trưa đã có thể ăn cơm ở thành phố Đồng Hới, điều mà trước đây bà con ở vùng sâu này không dám mơ ước.
Cũng chỉ mới đây thôi, điện lưới được kéo lên trung tâm xã Thượng Trạch đã giúp đồng bào mở mang nhiều thứ nhưng quan trọng nhất là nhiều loại máy, phương tiện phục vụ sản xuất bắt đầu xuất hiện ở Thượng Trạch. Đây chính là điểm khởi đầu vững chắc giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bố Trạch Trần Nam Trung cho biết thêm, ở xã biên giới Thượng Trạch, muốn đến các bản đều phải thông qua tuyến đường 20 Quyết thắng xuyên vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, vì thế từ trung tâm xã đến các bản thường rất xa vì phải đi vòng.
Thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719), huyện Bố Trạch đầu tư tuyến đường từ bản Cà Roòng 1 đi bản Bụt, đường từ bản Bụt đến bản Nôồng...
Các tuyến đường liên bản này kết nối với nhau đến trung tâm xã mà không phải đi đi vòng hàng chục cây số.
Đường nội bản ở xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch được xây dựng khang trang
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đinh Cu, các tuyến đường liên bản hoàn thành giúp cho việc đi lại của bà con nói chung, học sinh nói riêng thuận lợi hơn rất nhiều.
Cũng nhờ đó, chủ trương sáp nhập các điểm trường lẻ được thực hiện khá tốt. Các tiềm năng về kinh tế lâm nghiệp cũng được khai thác tốt hơn.
Với người dân huyện Lệ Thủy, địa danh Chút Mút khi mới nghe qua đã không muốn đến, bởi lẽ đó là một bản nhỏ vùng biên thuộc xã Lâm Thủy, tận cuối con đường 16- tuyến đường huyết mạch trong hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại nối đông và tây Trường Sơn.
Chút Mút vừa xa ngái vừa cách trở và… cuối cùng. Tên đầy đủ của bản là Eo Bù-Chút Mút vừa tượng thanh vừa tượng hình.
Trước đây, từ trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy đến với bản Eo Bù- Chút Mút phải mất một ngày đường, với nhiều loại phương tiện, kể cả đi bộ. Vì thế, vùng đất biệt lập giữa rừng Trường Sơn này càng xa xôi cách trở hơn.
Giờ thì đường lên Chút Mút giờ đã được nhựa và bê-tông hóa phằng lỳ, rộng thanh thang, nối Quảng Bình với Savannakhet của nước bạn Lào.
Đoạn từ ngã ba Tăng Ký trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây rẽ lên biên giới để vào Eo Bù-Chút Mút dài chừng 20 km vừa mới hoàn thiện, uốn lượn mềm mại theo con suối Rào Reng.
Vậy là, cho dù nằm ở điểm mút của con đường nối đông tây Trường Sơn tại nơi eo thắt nhất cả nước là Quảng Bình song bản Eo Bù- Chút Mút không còn xa.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống đồng bào
Trong cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình 1719 của tỉnh Quảng Bình đến nay, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được giải ngân khá nhất với 80,4%.
Điều đó cho thấy, với một địa phương nguồn lực còn hạn chế như Quảng Bình thì việc tranh thủ nguồn vốn của Trung ương là điều hết sức quan trọng, nhất là trong đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước sinh hoạt và các công trình dân sinh khác.
Bản Sắt mới ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh được quy hoạch và xây dựng ở nơi an toàn nhằm phòng tránh thiên tai
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện đầu tư 12 công trình nước sinh hoạt tập trung, 12 dự án định canh định cư tập trung và 18 dự án định canh định cư xen ghép, 57 công trình giao thông nông thôn, 18 trường học, 3 chợ, 24 nhà văn hóa và sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ đầu tư 102 công trình cho các thôn, bản tập trung đông dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Chứt)...
Tháng 6/2022, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Nghị quyết số 8-NQ/TU về phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu cho rằng, lần đầu tiên, Tỉnh ủy ban hành một nghị quyết chuyên đề riêng về vùng đồng bào dân tộc thiểu số với kỳ vọng sẽ tạo ra những đổi thay mạnh mẽ đời sống bà con và diện mạo vùng biên giới phía tây Quảng Bình.
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 8 của Tỉnh ủy Quảng Bình đã có thấy, đây chính là giải pháp căn cơ, bền vững nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên hành trình phát triển.
Bên cạnh những mục tiêu lớn, tổng thể, việc triển khai nghị quyết của các ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm đến nhiều vấn đề thiết thực, cụ thể như chế độ cho người có uy tín, cô đỡ thôn bản, tiền ăn cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống, sản xuất của đồng bào...
Trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh Quảng Bình đã huy động nguồn lực hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, tới nay tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,05%/năm, 100% đồng bào dân tộc tham gia bảo hiểm y tế; 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố, 100% xã có đường ô-tô về đến trung tâm rải nhựa hoặc bê-tông.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô thăm hỏi, động viên dân bản ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh
Đặc biệt, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy đã có thấy, đây chính là giải pháp căn cơ, bền vững nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên hành trình phát triển.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình Võ Ngọc Thanh, thời gian tới, để tiếp tục triển khai chương trình hiệu quả, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bám sát thực tiễn, thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, kiểm tra giám sát, tỉnh sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo thứ tự ưu tiên của từng địa bàn đầu tư, đối tượng thụ hưởng, trên nhu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng chương trình về kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và phát triển sản xuất của người dân.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình có hơn 6.759 hộ, 28.284 khẩu, sinh sống tại 102 thôn, bản của 18 xã, thị trấn thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Toàn vùng có diện tích tự nhiên 3.845km2, chung đường biên giới với nước bạn Lào dài 222km. Tỉnh có 2 dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều (có các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) và Chứt (gồm tộc người Sách, Rục, A Rem, Mày, Mã Liềng).
Sao chép thành công