Báo điện tử Thể thao & Văn hóa,

Quảng Ninh: Các chủ tàu du lịch bị đắm gặp khó sau bão số 3

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 04:38:03 30/09/2024 theo đường link https://thethaovanhoa.vn/quang-ninh-cac-chu-tau-du-lich-bi-dam-gap-kho-sau-bao-so-3-20240929110024519.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Bão số 3 đổ bộ, Quảng Ninh nằm trong tâm bão chịu sức tàn phá khủng khiếp, dù đã chủ động ứng phó nhưng thiệt hại vẫn rất nặng nề.
Trong số 269 phương tiện tàu, thuyền hoạt động tại địa bàn tỉnh bị đắm, chìm, có 28 tàu du lịch đưa khách tham quan vịnh Hạ Long. Đáng nói, số tàu này không nằm trong diện được hỗ trợ kinh phí trục vớt phương tiện, khó càng khó hơn.
Tại Cảng tàu Quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long) có hơn 20 tàu du lịch bị đắm đang chờ trục vớt. Nhiều chủ tàu hàng ngày ra đứng nhìn tài sản của mình chỉ còn lại là một đống phế liệu mà không khỏi xót xa.
Anh Nguyễn Đức Triệu (42 tuổi ở phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long) có 4 tàu đón khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long thì có 3 chiếc bị đắm, mặc dù xác định vớt lên cũng không thể sửa chữa tái sử dụng, thậm chí còn mất thêm khoản chi phí lớn, khó khăn trong thuê đơn vị trục vớt tàu… nhưng vì trách nhiệm, vì đảm bảo an toàn bến đỗ, vệ sinh môi trường, anh Triệu và các chủ tàu vẫn cố tìm thuê đơn vị trục vớt.
Hiện nay việc thuê đơn vị trục vớt khó khăn, nên số lượng tàu được trục vớt đến ngày 27/9 mới được 9/28 tàu. Ảnh: Thanh Vân- TTXVN
Anh Triệu chia sẻ, những tàu vỏ gỗ ngân hàng không cho vay vốn, nếu cho vay vốn phải mua bảo hiểm thân vỏ. Tuy nhiên, sau 3 năm mắc kẹt bởi dịch COVID-19, tàu nằm im, đến khi tái hoạt động thì chi phí bảo hiểm thân vỏ lớn, hầu như 95% các đơn vị không mua bảo hiểm thân vỏ, chỉ mua được bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Do vậy, khi có thiên tai, tài sản bị đánh chìm theo bão, nợ cũ chưa trả xong giờ lại phát sinh nợ mới.
Giá trị hiện tại của tàu khoảng từ 2-2,5 tỷ đồng/tàu. Giờ vớt lên chỉ còn cái xác, nếu bán đi cũng chỉ như bán sắt vụn, máy móc, thiết bị đều hỏng hết… Nếu sửa chữa cũng mất vài trăm triệu, rồi mua sắm lại trang thiết bị từ cái nhỏ nhất… ước tính giá trị sửa chữa lên đến 500 triệu đồng/tàu mới hoạt động trở lại được, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. "Tàu du lịch chúng tôi hoạt động đóng thuế, phí đầy đủ, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh nhưng khi bị thiên tai, chúng tôi lại không được hỗ trợ. Chúng tôi mong muốn các cấp nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ, về phía ngân hàng có chính sách giảm lãi hoặc giãn nợ; các đơn vị về thuế có thể miễn giảm thuế để các chủ tàu du lịch bị ảnh hưởng bởi bão vực dậy làm lại", anh Triệu nói thêm.
Ghi nhận của phóng viên tại Cảng tàu Quốc tế Tuần Châu, mỗi ngày, các chủ tàu đều có mặt tại khu vực cảng, có một số chủ tàu đã cho nhân công cố gắng vớt lại một số áo phao, bàn ghế để vệ sinh lại với hy vọng tái sử dụng. Theo thống kê, đến ngày 28/9 đã có 11/28 tàu được trục vớt.
Ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long, thông tin, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều tàu du lịch chở khách tham quan, lưu trú trên vịnh. Để có thể khắc phục thiệt hại, chủ tàu cần phải thuê trục vớt tàu, lai dắt kéo về xưởng sửa chữa với chi phí thấp nhất từ 50 đến 480 triệu đồng đối với tàu vỏ gỗ; từ 350 triệu đến 1,5 tỷ đồng đối với tàu vỏ sắt. Chưa kể chi phí sửa chữa tàu tham quan vỏ gỗ từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng; tàu tham quan vỏ sắt từ 5 đến 10 tỷ đồng; tàu lưu trú từ 10 đến 20 tỷ đồng. Một số tàu khả năng không khôi phục lại được, buộc phải thay thế, đóng mới. Trong khi đa số các chủ tàu phải vay ngân hàng để đầu tư nhưng tài sản giờ vẫn ngâm trong nước, chưa biết số phận sẽ ra sao. Hiện tại họ vẫn phải đảm bảo nghĩa vụ tài chính với ngân hàng và các chính sách thuế, phí kèm theo tàu.
Đại diện Hiệp hội tàu du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp hỗ trợ, kết nối với các đơn vị trục vớt, sửa chữa, đóng mới để hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, như: giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới, giảm thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước; hỗ trợ thủ tục pháp lý trong cấp giấy chứng nhận, đăng ký phương tiện…
Để tháo gỡ khó khăn cho nhóm đối tượng này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe tâm tư của các chủ tàu du lịch. Ông khẳng định, Đội tàu du lịch là một phần không thể tách rời trong mục tiêu khai thác hiệu quả, bền vững di sản, kỳ quan vịnh Hạ Long. Ngay sau khi bão tan, tỉnh đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo khắc phục toàn diện hậu quả, trong đó có tàu du lịch. Tuy nhiên, một số nội dung như hỗ trợ chi phí trục vớt tàu trong các quy định, chính sách Nhà nước chưa có điều mục này.
Với tính chất đặc thù, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo, đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn, bổ sung, mở rộng đối tượng hỗ trợ để các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch có một phần chi phí trục vớt, khắc phục thiệt hại phương tiện thủy bị chìm, đắm do cơn bão số 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thông tin thêm, tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đề nghị giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới theo hình thức tín chấp. Các tổ chức tín dụng vẫn đang triển khai các bước để hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận vốn. Các đơn vị khác cũng đã thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Trước đó, ngày 23/9/2024, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 42/2024/NQ-HĐND về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn. Trong đó có hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền có đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm do cơn bão số 3 thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, với mức hỗ trợ từ 15-50 triệu đồng. Tuy nhiên, tàu du lịch lại không nằm trong số các đối tượng được hỗ trợ.
Sao chép thành công